Giá dầu Brent và WTI tương lai giảm lần lượt 3,5% và 3,8%. Doanh nghiệp và công đoàn ngành đường sắt Mỹ đạt được thỏa thuận sơ bộ, giảm thiểu khả năng một cuộc đình công nổ ra. IMF và WB không mấy lạc quan về triển vọng kinh tế toàn cầu trong năm nay.
Giá dầu giảm hơn 3% trong bối cảnh quan ngại nhu cầu dầu mỏ toàn cầu gia tăng trước rủi ro suy thoái và khả năng Fed tiếp tục tăng mạnh lãi suất, đẩy giá đồng USD lên cao.
Giá dầu Brent tương lai giảm 3,26 USD, tương đương 3,5%, xuống 90,84 USD/thùng. Giá dầu WTI giảm 3,38 USD, tương đương 3,8%, xuống 85,1 USD/thùng. Cả hai chỉ số giá dầu chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 8/9.

Ngân hàng thế giới hạ dự báo tăng trưởng của 3/4 số quốc gia trên toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Công đoàn và doanh nghiệp ngành đường sắt tại Mỹ đạt được một thỏa thuận sơ bộ sau 20 giờ đàm phán với chính quyền Tổng thống Joe Biden đứng ra làm trung gian, qua đó hạn chế khả năng nổ ra một cuộc đình công trên quy mô lớn, tác động tiêu cực tới công tác vận chuyển thực phẩm và nhiên liệu trong và ngoài nước Mỹ. Trước đó, viễn cảnh đình công phần nào giúp đẩy giá dầu trong phiên giao dịch 14/9.
Triển vọng kinh tế toàn cầu không mấy sáng sủa khi một số quốc gia được dự báo rơi vào suy thoái trong năm 2023. Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định một cuộc suy thoái toàn cầu sẽ xảy ra, theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Indermit Gill, Chuyên gia kinh tế tới từ Ngân hàng Thế giới quan ngại về “rủi ro lạm phát, đình đốn” (một giai đoạn lạm phát cao và tăng trưởng thấp) đối với nền kinh tế toàn cầu. Ngân hàng này đã hạ dự báo tăng trưởng của 3/4 quốc gia trên toàn thế giới trong năm nay.
Một số dữ liệu mới được công bố cho thấy nền kinh tế số một thế giới có sức chống chọi tốt trước loạt khó khăn cũng như quá trình siết chính sách tiền tệ, buộc Fed phải quyết liệt hơn trong cuộc chiến lạm phát. Theo đó, doanh số bán lẻ tăng trong khi số lượng đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm. Một bước tăng mạnh lãi suất trong kỳ họp tuần tới hoàn toàn có cơ sở.
Kỳ vọng Fed tăng mạnh lãi suất đẩy giá đồng USD lên cao, kéo giảm nhu cầu từ các khách hàng nước ngoài, qua đó tác động tiêu cực tới giá dầu.
“Các phân tích cơ bản đều phản ánh rủi ro giảm giá của dầu khi triển vọng nhu cầu tại Trung Quốc vẫn là một câu hỏi lớn trong khi cuộc chiến chống lạm phát tại Mỹ chắc chắn sẽ gây tổn thương cho nền kinh tế”, theo Edward Moya, Chuyên gia phân tích thị trường tại OANDA.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ toàn cầu sẽ chững lại trong quý IV.
Một số yếu tố khác tác động tiêu cực tới giá dầu bao gồm dự trữ dầu thô tại Mỹ tăng và nhu cầu sử dụng năng lượng của hệ thống chuỗi khối Ethereum suy giảm.