Theo chia sẻ của lãnh đạo BAF, trong quý I, công ty ước tính doanh thu hơn 1.100 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hơn 140 tỷ đồng.
Tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 của Công ty cổ phần Nông nghiệp BaF Việt Nam (Mã: BAF), ban lãnh đạo đã chia sẻ về tình hình kinh doanh cũng như kế hoạch hoạt động trong thời gian tới.
Bà Bùi Hương Giang, Thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc, cho biết năm 2025, để nâng cao năng lực sản xuất và tăng cường khả năng cạnh tranh, công ty đang tích cực mở rộng quỹ đất chăn nuôi trên phạm vi toàn quốc, từ Bắc vào Nam.

Tổng Giám đốc Bùi Hương Giang báo cáo tại đại hội. (Ảnh: X.N).
Đây là bước đi nhằm duy trì sự ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, đồng thời tối ưu hóa hiệu suất hoạt động, từng bước khẳng định vị thế trên thị trường thịt heo. Công ty cũng chủ động phân tích, nắm bắt thông tin thị trường để xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt và phù hợp với từng giai đoạn.
Trong lĩnh vực thực phẩm (FOOD), BAF đang nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến nhằm tận dụng tối đa phụ phẩm từ quá trình chăn nuôi, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng sản phẩm thịt heo chất lượng với giá cả hợp lý và cạnh tranh.
Về kế hoạch tài chính, công ty đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 đạt 5.602 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 774 tỷ đồng. So với kết quả năm 2024, doanh thu giữ nguyên nhưng lợi nhuận tăng tới 91%.

(Nguồn: BAF).
Bà Giang cho biết thêm, trong cơ cấu doanh thu năm 2024, mảng chăn nuôi chỉ chiếm khoảng 40%, còn lại 60% đến từ mảng nông sản.
Tuy nhiên, trong năm 2025, công ty sẽ tập trung hoàn toàn vào mảng cốt lõi là chăn nuôi, với tổng sản lượng dự kiến đạt 900.000 con heo. Sự thay đổi trong cơ cấu doanh thu là cơ sở để BAF kỳ vọng lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong năm nay.
Cũng theo bà Giang, trong quý I, BAF ước đạt doanh thu thuần hơn 1.100 tỷ đồng, sản lượng bán đạt khoảng 160.000 con heo, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 140 tỷ đồng. Công ty đã thực hiện 110% so với kế hoạch đề ra quý I.
Về kế hoạch mở rộng trang trại, công ty đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt sản lượng bán ra 10 triệu con, do đó không tập trung vào số lượng trang trại mà hướng đến hiệu quả sản xuất.
Hiện công ty đang làm thủ tục xin chủ trương xây dựng trang trại theo mô hình nhà tầng tại Tây Ninh. Một dự án nhà tầng có thể mang lại sản lượng tương đương nhiều dự án nhỏ cộng lại. Trong khi đó, các dự án nhỏ thường khiến tiến độ chậm lại do vướng mắc về thủ tục.
Một vấn đề được nhiều doanh nghiệp quan tâm trong năm 2025 là tác động từ chiến tranh thương mại, đặc biệt liên quan đến nông sản. Tuy nhiên, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị BAF, cho rằng dù có bị áp thuế hay không cũng sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của công ty.
Theo ông Bá, thức ăn chăn nuôi của BAF chủ yếu được nhập khẩu từ khu vực Nam Mỹ và Biển Đen. Nếu Mỹ áp thuế mạnh, Trung Quốc – nước nhập khẩu lớn các mặt hàng này – có thể sẽ hạn chế nhập hàng từ Mỹ, kéo theo giá nông sản Mỹ giảm mạnh. Điều này sẽ giúp giá thức ăn chăn nuôi giảm, từ đó mang lại lợi thế cho ngành chăn nuôi trong nước.
Ông cũng nhận định, tại thị trường Việt Nam, người tiêu dùng vẫn chủ yếu ưa chuộng thịt nóng, trong khi thịt đông lạnh nhập khẩu chưa chiếm tỷ trọng đáng kể. Vì vậy, phân khúc thịt nhập khẩu không gây áp lực lớn lên BAF.
Trong bối cảnh khó khăn những năm gần đây, đặc biệt là dịch tả heo châu Phi (ASF), việc kiểm soát tốt dịch bệnh là yếu tố then chốt để đảm bảo hiệu quả hoạt động chăn nuôi.
Theo ông Bá, giá thành sản xuất heo hơi hiện khoảng 45.000 đồng/kg, trong khi giá bán dao động từ 63.000 - 64.000 đồng/kg, đem lại biên lợi nhuận khoảng 1,5 triệu đồng/con – mức được đánh giá là rất tốt. BAF dự báo biên lợi nhuận trong năm nay sẽ tiếp tục khả quan và khó giảm.