Nhật Bản và Trung Quốc đang nắm giữ hàng nghìn tỷ USD trái phiếu Mỹ. Quốc gia nào mới thực sự là chủ nợ lớn nhất của nền kinh tế số 1 thế giới?
Trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với bất ổn địa chính trị, áp lực lạm phát và chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang, trái phiếu Chính phủ Mỹ vẫn là kênh đầu tư an toàn được nhiều quốc gia tăng cường tích trữ.
Theo dữ liệu mới nhất từ Bộ Tài chính Mỹ (TIC), tổng lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ đã tăng mạnh trong tháng 2/2025, đạt 8.817 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng 10,2% so với cùng kỳ năm 2024.
Đứng đầu danh sách là Nhật Bản với 1.125,9 tỷ USD trái phiếu Mỹ, tăng mạnh so với mức 1.079,3 tỷ USD hồi tháng 1. Đáng chú ý, Trung Quốc – dù là tâm điểm trong các chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump – vẫn âm thầm nâng lượng nắm giữ từ 760,8 tỷ USD lên 784,3 tỷ USD.
Đây là động thái gây bất ngờ trong bối cảnh nhiều đồn đoán cho rằng Trung Quốc sẽ giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD để trả đũa các biện pháp trừng phạt thương mại của Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh có thể thiệt hại nghiêm trọng nếu bán tháo trái phiếu một cách công khai, vì điều này không chỉ kéo tụt giá trị tài sản họ đang nắm giữ mà còn có thể gây biến động lớn trên thị trường toàn cầu.
Top 10 quốc gia nắm giữ trái phiếu Chính phủ Mỹ nhiều nhất (tính đến tháng 2/2025):
- Nhật Bản – 1.125,9 tỷ USD
- Trung Quốc – 784,3 tỷ USD
- Vương quốc Anh – 750,3 tỷ USD
- Quần đảo Cayman – 417,8 tỷ USD
- Luxembourg – 412,5 tỷ USD
- Canada – 406,1 tỷ USD
- Bỉ – 394,7 tỷ USD
- Pháp – 354,0 tỷ USD
- Ireland – 339,0 tỷ USD
- Đài Loan – 294,8 tỷ USD

Nguồn: Bộ Tài chính Mỹ (TIC) |
>> Hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu Mỹ trong tay Trung Quốc: Vũ khí tài chính hay gót chân A-sin?
Trong số 20 quốc gia và vùng lãnh thổ nắm giữ nhiều trái phiếu Mỹ nhất, phần lớn đều tăng lượng nắm giữ trong tháng 2, ngoại trừ Thụy Sĩ, Na Uy, Đức và Ả Rập Saudi ghi nhận sụt giảm nhẹ.
Bộ Tài chính Mỹ cũng cho biết, tổng dòng vốn ròng vào nước này trong tháng 2/2025 đạt 284,7 tỷ USD, trong đó 229,3 tỷ USD đến từ các nhà đầu tư tư nhân và 55,4 tỷ USD từ các tổ chức chính phủ nước ngoài. Riêng lượng mua ròng trái phiếu dài hạn đạt 142,7 tỷ USD, dẫn đầu là các nhà đầu tư tư nhân với 166,1 tỷ USD, trong khi các tổ chức chính phủ bán ròng 23,4 tỷ USD.
Mặc dù dữ liệu TIC cho thấy không có dấu hiệu của làn sóng bán tháo trái phiếu Mỹ, giới chuyên gia cảnh báo các quốc gia vẫn đang âm thầm đa dạng hóa danh mục đầu tư và tìm cách giảm dần phụ thuộc vào đồng USD. “Câu chuyện phi đô la hóa vẫn cần được theo dõi sát trong thời gian tới”, chuyên gia Lou Brien từ DRW Trading nhận định.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tại Mỹ giảm mạnh trong tháng 2, chốt ở mức 4,229%, trước khi quay trở lại mức 4,59% vào cuối tháng 3 – phản ánh sự nhạy cảm của thị trường trước các diễn biến chính sách từ Nhà Trắng.
>> Trung Quốc đã gom 700 tấn vàng trước cả thế giới: Giờ nhà đầu tư mới cuống cuồng lao theo