TS. Nguyễn Quốc Hùng phát biểu tại toạ đàm
Sáng ngày 18/4, Hiệp hội Ngân hàng (HHNH) tổ chức Tọa đàm góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2024, nhằm lắng nghe ý kiến của các TCTD, giúp Cơ quan soạn thảo hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc vào tháng 5/2025).
Phát biểu tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HHNH đã có nhận định về những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu giữ tài sản đảm bảo trong quá trình xử lý nợ xấu của các TCTD, nhất là khi Luật Các TCTD 2024 được Quốc hội thông qua không có nội dung này và Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng đã hết hiệu lực vào ngày 31/12/2023, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc xử lý, thu hồi nợ của một số TCTD và tổ chức mua bán, xử lý nợ.
Theo ông Hùng, trên thực tế, mặc dù các TCTD đã rất tích cực, chủ động triển khai nhiều biện pháp để xử lý nợ xấu, kiểm soát và hạn chế nợ xấu mới phát sinh, tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng; tuy nhiên, trước bối cảnh kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới, trong khi hành lang pháp lý về xử lý tài sản bảo đảm, xử lý nợ xấu còn nhiều bất cập, chưa có sự đồng bộ và thống nhất, dẫn đến nợ xấu gia tăng.
Đến cuối tháng 12/2024, tỷ lệ nội bảng, nợ bán cho VAMC chưa được xử lý, thu hồi và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu của hệ thống các TCTD ở mức 5,36% so với tổng dư nợ, bao gồm cả 5 ngân hàng tái cấu trúc. Nếu loại trừ 5 ngân hàng tái cấu trúc thì tỷ lệ nợ xấu khoảng 1,93%, tăng khoảng 0,2% so với năm 2023.
Năm 2024, tỷ lệ thu hồi nợ chủ yếu liên quan đến tài sản bảo đảm chiếm khoảng 46,6%. Tỷ lệ khách hàng chủ động trả nợ các ngân hàng với khoản nợ xấu chỉ chiếm 36%; còn lại nợ bán cho VAMC, nợ thi hành án thông qua bán tài sản bảo đảm chiếm tỷ lệ rất thấp, khoảng 7.000 tỷ đồng.
2 tháng đầu năm 2025, nợ xấu tăng nhanh (tăng khoảng 34.000 tỷ đồng), trong khi tốc độ xử lý nợ xấu chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ đồng do các TCTD trích dự phòng rủi ro để xử lý. Như vậy, nguồn xử lý nợ xấu chủ yếu đến từ việc các TCTD trích từ dự phòng rủi ro, điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các ngân hàng, cũng như giảm nguồn lực hỗ trợ ngược lại các doanh nghiệp, dòng tiền không luân chuyển được, ảnh hưởng đến thanh khoản nếu không xử lý kịp thời.
Kể cả các bản án đã có hiệu lực thi hành cũng rất vướng mắc, khó khăn. Có bản án có hiệu lực thi hành rồi, nhưng qua 27 - 28 lần thi hành án, đấu giá, phát mại tài sản nhưng vẫn không xử lý được vì vướng Luật Đất đai. Trong số hơn 40.000 các vụ việc có hiệu lực thi hành, chuyển sang thi hành án, năm 2024, chỉ giải quyết được 15% vụ án với số tiền nhỏ so với bản án có hiệu lực.
Ông Hùng nhấn mạnh: "Chúng ta đều có trách nhiệm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân nhưng không có nghĩa bảo vệ những cái sai, khi vay đã cam kết với ngân hàng sẽ trả nợ nhưng sau đó tìm cách dây dưa, tìm mọi biện pháp để trốn nợ, hoặc trả gốc không trả lãi, thậm chí có hội nhóm bùng nợ".
Trong quá trình soạn thảo dự thảo lần này, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã tham gia đồng hành cùng Ngân hàng Nhà nước và cơ quan soạn thảo để trình Chính phủ. Chính phủ cũng đã nhất trí với đề xuất của Ngân hàng Nhà nước và thống nhất trình lên để Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật Các TCTD (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Từ thực tiễn, vướng mắc của các TCTD và những quan điểm đã dự thảo để đưa vào Luật Các TCTD trước đây, Hiệp hội Ngân hàng đã tổng hợp 3 nội dung chính gồm: (i) luật hóa quy định về quyền thu giữ TSBĐ; (ii) luật hóa quy định về kê biên TSBĐ của bên phải thi hành án; (iii) luật hóa quy định về hoàn trả TSBĐ là vật chứng trong vụ án hình sự và bổ sung quy định về hoàn trả TSBĐ là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính. Cụ thể:
Về quy định thu giữ TSBĐ, nội dung quan trọng nhất là cần truyền thông để người dân hiểu, ý thức trách nhiệm đã vay vốn ngân hàng là phải trả nợ, nếu không trả được nợ thì phải tự nguyện bàn giao tài sản bảo đảm cho ngân hàng hoặc tự xử lý tài sản bảo đảm để trả nợ ngân hàng. Cùng với đó, cần đưa vào luật trách nhiệm của cơ quan cấp xã gắn liền với nơi có tài sản bảo đảm để có thể phối hợp hỗ trợ các TCTD trong thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật.
Về quy định về kê biên TSBĐ của bên phải thi hành án: TCTD sẽ chỉ được kê biên với những trường hợp ảnh hưởng tới sức khoẻ của người vay hoặc có sự đồng ý của TCTD. Như vậy, đã có TSBĐ mà TSBĐ đã bảo đảm khoản nợ thì ngay cả khi kê biên cũng được xem xét đối với những bản án có hiệu lực khác nhằm đảm bảo quyền của các TCTD.
Về hoàn trả tài sản bảo đảm là vật chứng trong vụ án hình sự, là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính vụ việc vi phạm hành chính: Đã có nhiều bản án liên quan đến hình sự, dân sự, hành chính; trong quá trình xét xử, điều tra, xem xét, các tài sản bảo đảm này gần như đóng băng, thậm chí có tài sản sau khi bản án có hiệu lực thì có giá trị bằng 0 vì xuống cấp, tài sản hỏng như hàng hoá... Đây là một trong những điểm mở của dự thảo Luật TCTD sửa đổi lần này khi những tài sản không ảnh hưởng đến quá trình xét xử, xử lý sau xét xử thì sẽ được hoàn trả.