Thông tin được chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025 của VietinBank sáng 18/4.
Sáng 18/4, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã: CTG) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025, thông qua nhiều nội dung quan trọng về kế hoạch kinh doanh và định hướng chiến lược trong năm nay.
Báo cáo tại đại hội, ông Nguyễn Trần Mạnh Trung - Tổng Giám đốc VietinBank cho biết, hiện Ngân hàng Nhà nước đang phân bổ hạn mức tín dụng cho VietinBank khoảng 15%. Nếu nền kinh tế tăng trưởng tốt thì mức tăng trưởng có thể trên 16%. Tăng trưởng huy động vốn phù hợp với tăng trưởng tín dụng.
Tỷ lệ nợ xấu dự kiến duy trì dưới 1,8%, phấn đấu trong khoảng 1,2-1,5%. Trích lập dự phòng rủi ro tín dụng dự kiến 20.000-25.000 tỷ đồng. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu khoảng 150-200%. Tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn) sẽ cố gắng duy trì mức 25% như năm 2024 - điều này là một nỗ lực lớn trong bối cảnh hiện tại.
Ông Trung cho biết thêm, ngân hàng cũng đặt mục tiêu ROE đạt 16-18% (để duy trì con số này là một nỗ lực rất lớn - Chủ tịch Trần Minh Bình), ROA trên 1%, CIR duy trì quanh 30%, chi phí tín dụng kiểm soát dưới 2% - với giả định nền kinh tế không có biến động mạnh.
>> Không chia cổ tức bằng tiền mặt: Lãnh đạo VietinBank nói gì trước chất vấn của cổ đông?
Về tình hình thực hiện đến ngày 15/4/2025, tổng tài sản VietinBank đạt khoảng 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 3,9% so với đầu năm. Dư nợ tín dụng đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, tăng 4,7%. Huy động vốn riêng lẻ đạt 2,3 triệu tỷ đồng, tăng 6%. Nợ xấu theo Thông tư 31 hiện ở mức 1,36%-1,46%, còn theo cách tính thông thường là 1,66%. Lợi nhuận trước thuế riêng lẻ ước đạt 9.417 tỷ đồng, tăng 19,6% so với cùng kỳ năm 2024.
Cũng chia sẻ tại đại hội, ông Lê Thanh Tùng - Thành viên HĐQT cho biết thêm, năm 2025, tình hình sẽ khó khăn hơn rất nhiều, khi chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ và các biến động toàn cầu gia tăng. Áp lực điều hành với Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và cả hệ thống tổ chức tín dụng chắc chắn sẽ lớn hơn.
Trong bối cảnh đó, VietinBank sẽ tiếp tục bám sát chỉ đạo của cơ quan điều hành để giữ vững mặt bằng lãi suất huy động và cho vay. Lãi suất huy động từ năm ngoái đã tăng nhẹ và hiện vẫn có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nhờ định hướng kịp thời và quyết liệt từ NHNN, đến nay mặt bằng lãi suất vẫn được kiểm soát. Lãnh đạo VietinBank cho biết, sẽ cố gắng giữ mặt bằng lãi suất huy động và cho vay.
Về NIM (tỷ lệ biên sinh lời), đây là một trong những chỉ số quan trọng để đo lường hiệu quả hoạt động, bên cạnh nhiều chỉ số khác. Trong quý IV/2024, NIM hợp nhất của VietinBank đạt 2,92%, tăng nhẹ so với cùng kỳ và cao hơn mức bình quân cả năm 2023. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của năm 2025, chi phí vốn tăng nhẹ trong khi ngân hàng vẫn phải hỗ trợ theo định hướng của Chính phủ, chắc chắn NIM sẽ bị ảnh hưởng.
Để cải thiện NIM, ông Tùng cho biết, sẽ kiểm soát chi phí vốn thông qua việc ứng dụng công nghệ, thu hút tệp khách hàng có tiềm năng cao, các dự án tăng hiệu suất sinh lời tài sản, tăng hiệu quả bán chéo, điều hành cân đối vốn hài hoà phù hợp và đặc biệt kiểm soát tốt chất lượng tài sản vì phần trích lập là rất lớn.
>> Chủ tịch Trần Minh Bình: VietinBank sẽ là ngân hàng đầu tiên trong Big4 cắt giảm hàng trăm điểm giao dịch