Dù vàng đang liên tiếp phá đỉnh lịch sử, một loại tài sản khác lại âm thầm vượt mặt, thu hút dòng tiền toàn cầu giữa làn sóng bất ổn và căng thẳng địa chính trị.
Đồng ruble của Nga đã trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới trong năm nay, vượt qua cả vàng – tài sản trú ẩn truyền thống, trong bối cảnh đồng USD suy yếu do căng thẳng thương mại và bất ổn chính sách tại Mỹ.
Theo dữ liệu từ Bloomberg, ruble đã tăng tới 38% so với USD trên thị trường phi tập trung kể từ đầu năm, trong khi chỉ số đồng USD liên tục chịu áp lực bởi các động thái thuế quan leo thang của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Sự bứt phá của đồng ruble không chỉ nhờ yếu tố bên ngoài mà còn đến từ loạt chính sách đặc thù của Nga. Với lãi suất chủ chốt ở mức cao kỷ lục 21%, Ngân hàng Trung ương Nga đã giữ vững lập trường “diều hâu” nhằm kiểm soát lạm phát dai dẳng. Đồng thời, yêu cầu bắt buộc các doanh nghiệp xuất khẩu bán một phần ngoại tệ thu về cũng đã giúp tăng cung USD trên thị trường nội địa.
“Không giống như nhiều đồng tiền ở các thị trường mới nổi khác, ruble không chịu áp lực từ dòng vốn rút ra”, chuyên gia kinh tế Sofya Donets của T-Investments nhận định. “Việc kiểm soát dòng vốn chặt chẽ cùng lãi suất cao đã giúp củng cố sức mạnh của đồng nội tệ Nga”.
Ngoài ra, xu hướng các công ty Nga vay vốn bằng đồng nhân dân tệ – có lãi suất thấp hơn nhiều – để tái cấp vốn cho các khoản nợ nội địa đắt đỏ, cũng khiến nhu cầu chuyển đổi ngoại tệ sang ruble gia tăng, hỗ trợ đồng tiền này.

Đồng ruble của Nga đã trở thành đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới trong năm nay, vượt qua cả vàng. (Ảnh: Bloomberg) |
>> Phó Thủ tướng: Khẩn trương ổn định thị trường vàng
Sự biến động trong chính sách thuế của Mỹ khiến đồng USD rơi xuống mức thấp nhất trong 6 tháng qua vào đầu tuần, làm dấy lên lo ngại về vị thế của USD và trái phiếu Mỹ như là tài sản trú ẩn tuyệt đối. Nhiều nhà đầu tư đã chuyển sang nắm giữ vàng, đẩy giá kim loại quý này tăng 23% kể từ đầu năm – trở thành đồng tiền/tài sản tăng giá mạnh thứ hai sau ruble.
Một yếu tố khác cũng giúp cải thiện triển vọng của ruble là sự "ấm lên" trong quan hệ giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Theo chuyên gia Iskander Lutsko tại Istar Capital (Dubai), điều này đang khơi lại hoạt động giao dịch “carry trade” – nhà đầu tư tìm đến tài sản bằng ruble có lợi suất cao, nhưng thông qua các nước vẫn duy trì quan hệ tốt với Nga để tránh rủi ro trừng phạt trực tiếp.
Bất chấp các lệnh trừng phạt vẫn đang có hiệu lực từ cuộc xung đột Ukraine năm 2022, dòng vốn vào Nga đang cho thấy dấu hiệu phục hồi. Ngân hàng Trung ương Nga nhận định sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư quốc tế là một phần nguyên nhân khiến ruble tăng giá mạnh kể từ đầu năm.
Tuy nhiên, sự tăng giá ngoài dự kiến của ruble cũng đang tạo ra thách thức cho chính phủ Nga. Dự thảo ngân sách năm 2025 của Moscow được xây dựng trên giả định tỷ giá 96,5 ruble/USD – yếu hơn 14% so với mức hiện tại trong nước (khoảng 82,76 ruble/USD). Điều này đồng nghĩa với việc doanh thu từ xuất khẩu – đặc biệt là dầu khí – có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong bối cảnh giá dầu đang suy giảm.

Theo dữ liệu từ Bloomberg, ruble đã tăng tới 38% so với USD trên thị trường phi tập trung kể từ đầu năm. (Ảnh: Bloomberg) |
>> TS. Nguyễn Trí Hiếu: Giá vàng thế giới có thể lập đỉnh mới vì Fed đang kẹt giữa 'hai gọng kìm'
Số liệu từ Ngân hàng Trung ương Nga cũng cho thấy đồng ruble trong nước tăng 19% so với USD từ đầu năm – thấp hơn so với thị trường quốc tế. Sự chênh lệch này xuất hiện do kỳ nghỉ lễ dài cuối năm 2024 khiến giao dịch trong nước gián đoạn, trong khi thị trường quốc tế vẫn hoạt động bình thường.
Dù nhiều yếu tố hỗ trợ ruble vẫn còn hiện diện, một số chuyên gia khuyến nghị thận trọng. Cuộc khảo sát tháng 3 của Ngân hàng Trung ương Nga cho thấy dự báo tỷ giá trung bình trong năm 2025 sẽ vào khoảng 98,5 ruble/USD – yếu hơn đáng kể so với hiện tại. Đặc biệt, nếu giá dầu tiếp tục suy giảm và nhu cầu nội địa tăng trở lại, đồng ruble có thể mất đà.
Dù vậy, trong ngắn hạn, giới phân tích cho rằng khó có động lực rõ ràng để ruble giảm giá. “Việc cắt giảm lãi suất trong quý tới gần như bị loại trừ, do đó ruble sẽ tiếp tục nhận được hỗ trợ”, chuyên gia Lutsko nhấn mạnh.
Theo Bloomberg
>> Cảnh tượng chưa từng thấy ở 'phố vàng' Hà Nội