Chuyên gia Lâm Minh Chánh chỉ ra 3 nguyên nhân khiến hàng ngàn người trở thành nạn nhân của trò lừa đảo tài chính.
Chiều 17/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài cùng các đại biểu Quốc hội thuộc đơn vị bầu cử số 4 đã có buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hoàng Mai và huyện Gia Lâm trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Tại sự kiện, nhiều cử tri bày tỏ lo ngại trước tình trạng tội phạm công nghệ cao, lừa đảo qua mạng xã hội và lộ lọt dữ liệu cá nhân, khiến người dân bất an, mất tài sản trong thời gian qua.
Phản hồi ý kiến cử tri, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Giám đốc Công an TP. Hà Nội cho biết, tình hình tội phạm công nghệ cao trên không gian mạng đang có diễn biến phức tạp, không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn cầu. Phương thức và thủ đoạn của loại tội phạm này rất tinh vi, đa dạng.
Các đối tượng thường lợi dụng tính ẩn danh trên không gian mạng, lợi dụng địa bàn ở nước ngoài như Campuchia, Đài Loan, Trung Quốc… nhắm vào những người bị hại ở Việt Nam, thậm chí có trường hợp người Việt sang nước ngoài lừa chính đồng bào trong nước.

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Giám đốc Công an thành phố Hà Nội. Ảnh: TTXVN |
Hơn 1.000 học sinh, sinh viên có liên quan đến vụ án Mr Pips
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng dẫn chứng năm 2024, Công an Hà Nội đã triệt phá hai vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến lừa đảo công nghệ cao.
Vụ thứ nhất do Phó Đức Nam (SN 1994, ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, biệt danh Mr Pips) và Lê Khắc Ngọ (SN 1990, ở Hà Nội) cầm đầu. Trong vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố 33 bị can, truy nã quốc tế 5 người, thu giữ tài sản trị giá lên đến 5.300 tỷ đồng.
Đáng chú ý, theo Giám đốc Công an TP. Hà Nội, có hơn 1.000 học sinh, sinh viên có liên quan đến vụ án Phó Đức Nam bị bắt ở Cầu Giấy.
“Những người này sẽ rơi vào vòng lao lý, phải xử lý nghiêm bởi biết là lừa đảo nhưng vẫn tham gia vào", Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Vụ án thứ hai liên quan đến Đỗ Huy Hoàng (quận Nam Từ Liêm) lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức đầu tư tiền ảo. Tổng giá trị tài sản thu giữ gồm ô tô, bất động sản khoảng 500 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã phối hợp với ngân hàng và tổ chức tín dụng phong tỏa 22 tỷ đồng liên quan vụ việc.
Thiếu tướng Tùng thẳng thắn nhìn nhận: “Lỗi này phần lớn đến từ người dân, mặc dù Công an Hà Nội nói riêng và lực lượng công an cả nước nói chung, cùng với các cơ quan thông tấn, báo chí đã nhiều lần cảnh báo”.
Chuyên gia chỉ ra 3 lý do khiến hàng ngàn người sập bẫy Mr Pips
Trước đó, cuối năm 2024, ông Lâm Minh Chánh, Sáng lập và Chủ tịch Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni đã có bài chia sẻ trên Facebook cá nhân về những góc nhìn trong vụ việc của Mr Pips.

Chuyên gia Lâm Minh Chánh đã có bài chia sẻ về những góc nhìn trong vụ việc của Mr Pips |
Theo ông Chánh, có 3 nguyên nhân chính khiến hàng ngàn người trở thành nạn nhân của trò lừa đảo tài chính này.
Thứ nhất là tâm lý tham lam, muốn làm giàu nhanh. Rất nhiều người mong muốn kiếm tiền nhanh chóng, muốn giàu có mà làm ít hoặc thậm chí không làm gì cả. Đây chính là điểm mà những người lừa đảo như Mr Pips đánh vào.
Ông cho biết, trong các video khai báo với cơ quan điều tra, Mr Pips cũng đã nói rõ chiêu trò của mình, đó là dùng siêu xe, biệt thự, những buổi tiệc tùng xa xỉ, dùng những hình ảnh sang chảnh để đánh vào lòng tham của con người. Những người xem video đó cũng sẽ nghĩ rằng nếu họ đầu tư, họ cũng sẽ được như Mr Pips. Nhưng thực tế, tất cả những thứ đó chỉ là ảo.
Điều thứ hai là thiếu hiểu biết về kiến thức tài chính. Rất nhiều nạn nhân của Mr Pips nghe theo lời dụ dỗ, chuyển tiền và đầu tư chứng khoán, forex, ngoại hối mà họ chẳng biết gì về nó.
“Chỉ nhìn đồ thị mua bán, chứ họ có hiểu gì đâu. Họ không biết rằng đầu tư như vậy là đang chơi trò may rủi và nếu đầu tư như vậy thì sẽ rơi vào bẫy của bọn lừa đảo tài chính”, ông Chánh nhận định.
Thứ ba là áp lực xã hội và FOMO, tức là tâm lý sợ bị bỏ lỡ. Nhiều người đầu tư chỉ vì thấy bạn bè và những người quen khoe khoang rằng mình cũng đầu tư, cũng kiếm được nhiều tiền. “Nhưng thực tế không phải như vậy. Khi họ mất tiền, họ không nói với bạn, họ sẽ giữ im lặng để mọi người không biết họ đã sai lầm. Khi thắng một ít thì họ sẽ khoe”, ông Chánh nói.
Trong những vụ lừa đảo tương tự như Mr Pips, ngoài việc dùng hình ảnh giàu có sang chảnh trên mạng xã hội, Mr Pips còn lập ra những nhóm và trong đó có rất nhiều người ảo, rất nhiều nick ảo và họ tạo ra những câu chuyện là họ cũng thành công, họ cũng giàu có nhờ đầu tư. Chính điều này tạo ra tâm lý FOMO – tâm lý sợ bị bỏ lỡ, khiến nhiều người hăm hở đầu tư, thậm chí thua một lần rồi cũng chưa chừa, lại tiếp tục theo Mr Pips qua một sàn khác, để đến khi nào hết tiền mới thôi.
Những nạn nhân của trò lừa đảo tài chính này đã mất tiền. Có nhiều người mất một số tiền vừa phải và họ sực tỉnh, nhưng cũng có nhiều người mất cả gia sản. Thậm chí, có nhiều người không chỉ mất hết tiền mà còn vay nợ và đang sống rất khổ sở.
>> Truy nã đặc biệt đối tượng Trịnh Văn Thái trong vụ lừa đảo Mr. Pips Phó Đức Nam