Từ Apple, Nike đến Tesla, các doanh nghiệp Mỹ đang quay cuồng giữa vòng xoáy thuế quan.
Trong suốt nhiều thập kỷ, không ít chính trị gia ở Washington từng bị ví như những nhà vận động hành lang cho các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc. Họ tích cực thúc đẩy Bắc Kinh mở cửa thị trường cho ngân hàng Mỹ, máy bay Mỹ và cả các chuỗi đồ ăn nhanh đến từ Mỹ. Ví dụ điển hình là Boeing – nhà sản xuất máy bay hàng đầu của Mỹ – bắt đầu nhận đơn hàng từ Trung Quốc ngay sau chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Richard Nixon vào năm 1972.
Thế nhưng, hiện nay, nhiều giám đốc điều hành Mỹ tại Trung Quốc đang chứng kiến Chính phủ của mình phá bỏ phần lớn những thành quả đó. Việc Tổng thống Donald Trump áp thuế quy mô lớn khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn. Ở chiều ngược lại, đòn trả đũa từ phía Trung Quốc đe dọa xóa sổ nhiều năm hoạt động thương mại giữa hai cường quốc bùng nổ.
Ngày 15/4 vừa qua, Cơ quan quản lý hàng không Trung Quốc đã yêu cầu các hãng hàng không ngừng tiếp nhận máy bay mới từ Boeing. Chắc chắn các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Thượng Hải hay Bắc Kinh sẽ không thể xem nhẹ động thái mang tính biểu tượng này.

Trung Quốc và Mỹ đang ở trong cuộc chiến thương mại khốc liệt
Doanh nghiệp Mỹ quay cuồng giữa vòng xoáy thuế quan
Các công ty Mỹ tại Trung Quốc hiện vẫn loay hoay với câu hỏi tương lai sắp tới sẽ ra sao. Thuế nhập khẩu với hàng Trung Quốc hiện ở mức 145%. Ngày 11/4, Nhà Trắng thông báo tạm thời miễn trừ thuế với mặt hàng điện tử tiêu dùng – giúp những cái tên như Apple tạm thở phào. Tuy nhiên, ngay sau đó ông Trump đã nhấn mạnh đây chỉ là biện pháp ngắn hạn, áp dụng cho tới khi có kết luận điều tra về chất bán dẫn, điện tử và dược phẩm. Chỉ vài ngày sau, ngày 16/4, Mỹ tiếp tục siết chặt việc Nvidia bán chip AI sang Trung Quốc.
Trung Quốc đã phản ứng tương xứng với mức thuế khoảng 125%. Nhưng mới đây nước này tuyên bố sẽ không tiếp tục trả đũa các đợt thuế mới, bởi hàng hóa Mỹ giờ đã quá đắt đỏ và thị trường tiêu thụ gần như biến mất. Thay vào đó, Trung Quốc chuyển sang các biện pháp hành chính – mở điều tra và đưa doanh nghiệp Mỹ vào các danh sách hạn chế hoạt động.
Bằng cách này, những công ty như Boeing sẽ nhanh chóng đối mặt với tình cảnh đơn đặt hàng bị hủy bỏ và sụt giảm nhanh chóng. Một lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ mô tả cuộc chiến thương mại bằng một từ duy nhất: “sự hủy diệt”.
Ông Trump biện minh cho chính sách thuế dựa trên con số thâm hụt thương mại hàng hóa khoảng 300 tỷ USD với Trung Quốc trong năm 2024. Nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc lại nhìn nhận vấn đề theo cách khác.
Năm 2024, tổng doanh thu mà các công ty niêm yết Mỹ có được từ thị trường Trung Quốc cũng vào khoảng 300 tỷ USD. Apple, Nike và Starbucks hiện diện khắp nơi; riêng Tesla đã bán khoảng 40% lượng xe tại Trung Quốc chỉ trong 3 tháng đầu năm. Các chi nhánh của họ tuyển dụng hàng chục nghìn lao động trình độ cao. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc tại Mỹ chỉ tạo ra khoảng 50 tỷ USD doanh thu năm vừa qua – và rất khó bắt gặp thương hiệu tiêu dùng Trung Quốc tại các thành phố của Mỹ.
Giờ đây, thị trường Trung Quốc càng trở nên khó khăn hơn. Thực ra thì trong những năm gần đây nhiều doanh nghiệp đã giảm đầu tư vào nền kinh tế thứ hai thế giới do chính sách không thân thiện và lãi suất thấp. Nhưng trong tương lai, chính sách của chính nước Mỹ sẽ có tác động lớn nhất.
Nhiều công ty Mỹ, vốn đã phải gồng mình sau đại dịch do gián đoạn chuỗi cung ứng, nay lại đứng trước thách thức mới. Trong những năm gần đây, làn sóng rời Trung Quốc để phân tán rủi ro – sang Việt Nam, Ấn Độ, Indonesia – đã diễn ra. Nhưng chính sự dịch chuyển đó lại khiến các doanh nghiệp Mỹ dễ bị tổn thương hơn trong cuộc chiến thương mại. Ví dụ, Việt Nam đã đề xuất hạn chế tái xuất hàng Trung Quốc nhằm đổi lấy việc ông Trump giảm thuế nhập khẩu – điều có thể khiến doanh nghiệp Mỹ hoạt động tại cả hai nước phải chịu gánh nặng thuế kép.

Một cửa hàng của Apple ở Trung Quốc
“Trừng phạt thông minh” và chiến thuật trả đũa mới của Trung Quốc
Từ năm 2019, Trung Quốc đã phát triển một hệ thống pháp lý tinh vi để phản ứng với các biện pháp trừng phạt từ bên ngoài. Cơ chế này bao gồm: áp lệnh trừng phạt với các công ty tuân thủ lệnh trừng phạt của quốc gia khác; kiểm soát xuất khẩu; và danh sách “thực thể không đáng tin cậy” (UEL) – có thể cấm nhân viên nước ngoài nhập cảnh, hoặc chặn mọi hoạt động kinh doanh với Trung Quốc.
Theo nghiên cứu của ông Evan Medeiros (Đại học Georgetown) và công ty tư vấn Trivium, ba công cụ trên chỉ được dùng 15 lần trong năm 2023, nhưng tăng vọt lên 115 lần trong năm 2024. Riêng hai tháng rưỡi đầu năm 2025, đã có khoảng 60 trường hợp được bổ sung vào danh sách UEL và áp lệnh kiểm soát xuất khẩu.
Những hình thức trả đũa mới đang trở nên rõ ràng hơn. Ngày 8/4, một danh sách “6 biện pháp trả đũa” không chính thức lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc. Danh sách bao gồm cấm nhập khẩu thịt gia cầm, đậu tương Mỹ; đình chỉ đối thoại chống buôn bán fentanyl; dừng nhập phim Mỹ; và tăng kiểm soát với sở hữu trí tuệ và dịch vụ chuyên nghiệp của Mỹ như công ty luật, tư vấn.
Chỉ hai ngày sau, cơ quan quản lý điện ảnh Trung Quốc xác nhận sẽ giảm số lượng phim Mỹ được chiếu tại nước này – cho thấy danh sách kể trên nhiều khả năng dựa trên thông tin nội bộ đáng tin cậy.
Cũng đáng chú ý là việc Trung Quốc công bố điều tra DuPont – tập đoàn hóa chất Mỹ – vào ngày 4/4 với cáo buộc “hành vi độc quyền” không nêu rõ. DuPont từ lâu đã tranh chấp bản quyền với Trung Quốc, và giới quan sát cho rằng cuộc điều tra có thể là đòn đánh vào tài sản sở hữu trí tuệ.
Nếu các cam kết bảo vệ sở hữu trí tuệ từng là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Trung Quốc bị rút lại, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng, không chỉ cho Mỹ mà cho toàn bộ khối doanh nghiệp quốc tế – một cố vấn doanh nghiệp nhận định.
Đến nay, các biện pháp đánh vào ngành dịch vụ Mỹ vẫn chưa được triển khai toàn diện. Nếu điều này xảy ra, các công ty Mỹ sẽ rất khó hoạt động ở Trung Quốc. Những lĩnh vực cốt lõi như ngân hàng, kiểm toán, tư vấn và luật sư chính là xương sống hỗ trợ thương mại phát triển.
Trung Quốc đã làm khó các công ty điều tra doanh nghiệp bằng các quy định liên quan đến an ninh quốc gia và hạn chế chia sẻ thông tin. Một số hãng luật quốc tế đã thu hẹp hoặc đóng cửa văn phòng tại Trung Quốc. Nếu bị siết thêm, khả năng hợp tác thương mại với doanh nghiệp Trung Quốc sẽ suy giảm – theo một luật sư tại Bắc Kinh.
Trong quá khứ, các công ty luật Mỹ có thể kỳ vọng được chính phủ hậu thuẫn. Nhưng giờ đây, ông Trump lại mở chiến dịch điều tra chính những hãng luật từng tham gia điều tra ông. Khả năng ông đứng ra bảo vệ họ tại Trung Quốc là rất thấp.

Trung Quốc là thị trường nước ngoài lớn nhất của Tesla
Đòn phản công Trung Quốc: Lợi bất cập hại?
Dẫu vậy, phía Trung Quốc cũng phải rất thận trọng. Tấn công Apple hay Tesla có thể gây gián đoạn sản xuất nội địa và khiến công nhân mất việc. Các doanh nghiệp nước ngoài khác có thể lo ngại khi thấy các công ty Mỹ bị điều tra, từ đó chùn bước với kế hoạch đầu tư.
Điều này đi ngược với nỗ lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong việc thu hút vốn ngoại và giữ khu vực tư nhân “hài hòa” với định hướng quốc gia. Tuy vậy, vẫn có lợi ích rõ rệt cho các doanh nghiệp trong nước. Một số lãnh đạo Mỹ lo ngại về làn sóng tẩy chay sản phẩm Mỹ – dù do chính phủ khuyến khích hay từ người tiêu dùng – và Huawei có thể là bên hưởng lợi rõ rệt từ việc Apple suy yếu.
Ở góc nhìn này, cuộc chiến thương mại có thể trở thành món quà “từ trên trời rơi xuống” dành cho giới lãnh đạo Trung Quốc. Từ lâu người tiêu dùng nước này đã chuộng hàng Mỹ và văn hóa Mỹ – bất chấp các nỗ lực quảng bá thương hiệu nội địa. Giờ đây, cơn giận dữ của ông Trump lại giúp Bắc Kinh dễ dàng hơn trong việc loại bỏ các thương hiệu Mỹ ra khỏi thị trường Trung Quốc.
Tham khảo The Economist
>> Trung Quốc bất ngờ ngừng mua máy bay Boeing, chuyện gì xảy ra?