Chủ tịch Trần Đình Long của Hòa Phát (HPG) đã đề xuất khai thác các mỏ quặng sắt trong nước, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và đảm bảo nguồn cung cho ngành công nghiệp thép Việt Nam.
Hòa Phát muốn khai thác mỏ Quý Xa
Tại buổi làm việc với Thường trực Chính phủ sáng 10/2/2025, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) kiến nghị sớm cho phép khai thác trở lại các mỏ sắt trong nước, nhằm giảm phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu và đảm bảo nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp thép trong nước.
Ông Long nhấn mạnh: “Việt Nam hiện có 2 mỏ lớn là Quý Xa và Thạch Khê. Trong đó, mỏ Quý Xa (huyện Văn Bàn - Lào Cai) đã được khai thác, nhưng theo thông tin mới nhất, giấy phép khai thác đã bị thu hồi. Hiệp hội Thép Việt Nam đã kiến nghị Chính phủ sớm tổ chức đấu thầu khai thác trong quý I/2025 để đảm bảo nguồn cung nguyên liệu trong nước. Nếu để mỏ không được khai thác, tài nguyên sẽ bị lãng phí trong khi ngành thép vẫn phải chi ngoại tệ nhập khẩu.
Trong khi đó, mỏ sắt Thạch Khê tại Hà Tĩnh là mỏ lớn nhất Đông Nam Á với trữ lượng khoảng 500 triệu tấn. Việc đưa mỏ Thạch Khê vào khai thác không chỉ giúp chủ động nguồn nguyên liệu cho ngành thép trong nước, mà còn tiết kiệm đáng kể lượng ngoại tệ phải chi cho nhập khẩu quặng sắt mỗi năm”.

Hòa Phát muốn khai thác mỏ quặng sắt trong nước (Ảnh: Nhật Bắc) |
Phản hồi kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên xác nhận Việt Nam có 2 mỏ sắt quy mô lớn gồm Quý Xa (tại Lào Cai) và Thạch Khê (tại Hà Tĩnh). Trong đó, mỏ Thạch Khê đang chờ cấp có thẩm quyền quyết định. Riêng mỏ Quý Xa có trữ lượng 120 triệu tấn, từng được cấp phép khai thác cho Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung từ năm 2007 với thời hạn đến năm 2020.
Về cơ cấu sở hữu, Công ty Việt Trung là liên doanh giữa doanh nghiệp trong nước và phía Trung Quốc, trong đó Thép Việt Trung nắm giữ 40%, doanh nghiệp tỉnh Lào Cai sở hữu 10%, còn lại là 45% vốn thuộc đối tác Trung Quốc cùng các cổ đông khác. Tuy nhiên, tính đến thời điểm giấy phép hết hiệu lực, doanh nghiệp này mới chỉ khai thác được khoảng 20 triệu tấn, tức chưa đến 1/5 tổng trữ lượng, còn lại khoảng 100 triệu tấn vẫn chưa được khai thác.
Theo Quy hoạch 866, mỏ Quý Xa tiếp tục nằm trong diện quy hoạch khai thác phục vụ nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, sau khi giấy phép cũ hết hạn, doanh nghiệp phải làm thủ tục xin cấp phép mới thay vì gia hạn.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết thêm: “Doanh nghiệp hiện có một số vi phạm liên quan đến nghĩa vụ tài chính và môi trường, nên phải hoàn tất thủ tục đóng cửa mỏ cũ trước khi được xem xét cấp phép lại. Việc cấp phép thuộc thẩm quyền Bộ Tài nguyên và Môi trường, sau đó Bộ Công Thương sẽ phối hợp để triển khai việc tái khai thác”.

Nhà máy gang thép Lào Cai sớm hoạt động trở lại (Ảnh: Báo Lào Cai) |
Hơn 194 nghìn tấn tiêu thụ cho Nhà máy Gang thép của liên doanh Trung Quốc - Việt Nam
Liên quan đến mỏ Quý Xa, mới đây, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành văn bản cho phép Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung tiêu thụ hơn 194.000 tấn quặng sắt còn tồn kho tại mỏ này. Số quặng này được phép sử dụng làm nguyên liệu cho Nhà máy Gang thép Lào Cai.
Để được vận chuyển lượng quặng trên về Nhà máy Gang thép tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, doanh nghiệp phải xây dựng và phê duyệt phương án vận chuyển cụ thể, đồng thời hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ tài chính với ngân sách Nhà nước và đảm bảo sử dụng khoáng sản đúng mục đích. Ngoài ra, Công ty Việt Trung cũng được yêu cầu khẩn trương đưa nhà máy trở lại sản xuất ổn định, kèm theo cam kết về tiến độ nộp các khoản thuế, phí còn tồn đọng theo thông báo của cơ quan thuế Lào Cai.
Được biết, Nhà máy Gang thép Lào Cai hiện do liên doanh giữa Tập đoàn Gang thép Côn Minh (Trung Quốc) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSTEEL - mã: TVN) đầu tư, với tổng vốn khoảng 335,7 triệu USD (tương đương hơn 6.000 tỷ đồng). Sau gần 3 năm tạm dừng hoạt động, nhà máy đang hoàn thành công tác khôi phục sửa chữa và sẽ châm lửa lò cao trong thời gian tới.
Việc tái khởi động không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động tại địa phương mà còn được kỳ vọng giúp tỉnh Lào Cai hoàn thành mục tiêu giá trị sản xuất công nghiệp đạt 60.000 tỷ đồng trong năm nay, đồng thời tăng thu ngân sách.
>> Hòa Phát (HPG) xin khai thác mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á tại Việt Nam, Bộ trưởng nói gì?