Chiến tranh thương mại và công nghệ sạch thoái trào đang đe dọa các nhà sản xuất Mỹ nhưng lại mang lại thêm cơ hội cho Bắc Kinh, Financial Times đưa tin.
Giới phân tích cảnh báo, Trung Quốc có thể thay thế Mỹ trở thành người dẫn đầu trong cuộc đua năng lượng toàn cầu khi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump khiến các nhà sản xuất dầu Mỹ hoang mang trong khi Bắc Kinh củng cố vị thế dẫn đầu về công nghệ sạch.
Hồi đầu tháng 4, việc Tổng thống Mỹ công bố các mức thuế đối ứng đã khiến giá dầu giảm mạnh và cũng gần như làm phá sản kế hoạch của chính quyền Tổng thống Joe Biden trong việc xây dựng ngành công nghệ sạch nhằm cạnh tranh với Trung Quốc.
Trong báo cáo “Những mối nguy đối với sự thống trị lĩnh vực năng lượng của Mỹ”, hãng tư vấn Wood Mackenzie, cho biết, các mức thuế của Tổng thống Trump có thể khiến nhà sản xuất dầu Mỹ khó cạnh tranh hơn trên “thị trường xuất khẩu hấp dẫn nhất”. Mỹ cũng đang bị Trung Quốc “qua mặt” trong các ngành như sản xuất pin lithium-ion, xe điện và pin năng lượng mặt trời.
Trong nhiệm kỳ Tổng thống Biden, sản lượng dầu thô của Mỹ liên tục tăng và hiện đang ở mức cao hơn bất kỳ nước nào. Nhưng theo Wood Mackenzie, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ bắt đầu giảm vào đầu những năm 2030, mặc dù Tổng thống Trump cam kết cắt giảm các quy định và mệnh lệnh hành chính nhằm hỗ trợ chiến lược năng lượng “cứ khai thác đi”.
Tháng 3/2025, sản lượng dầu thô của Trung Quốc tăng lên 19,03 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay, theo số liệu chính thức của chính phủ nước này.
Báo cáo của Wood Mackenzie cho hay “Sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực năng lượng sẽ còn tiếp tục trong một thời gian nữa. Tuy nhiên, vị thế này đang đối mặt với nhiều thách thức và cuối cùng có thể bị soán ngôi”.
Mặc dù Tổng thống Trump đã tạm hoãn áp thuế đối ứng - được công bố vào “Ngày giải phóng” hôm 2/4 và miễn một vài mức thuế đối với nhập khẩu năng lượng, nhưng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã dấy lên lo ngại về suy thoái toàn cầu đồng thời gây ra tình trạng bán tháo trên thị trường dầu trong những tuần gần đây.
Ông Jason Bordoff tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia cho biết “Giá dầu thấp hơn tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng sản lượng dầu thô của Mỹ và có lẽ sẽ kéo giảm sản lượng”.
Giới phân tích cảnh bảo, thuế suất, kể cả mức thuế 25% đánh vào thép nhập khẩu, cũng có thể làm tăng chi phí sản xuất dầu đá phiến của Mỹ.
Theo ông Robert Clarke, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Wood Mackenzie, xét đến thuế suất đánh vào thép và trang thiết bị sử dụng trong các giàn khoan dầu, các nhà sản xuất vô cùng lo ngại chi phí sản xuất dầu sẽ tăng đáng kể.
Các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cảnh báo rằng giá dầu giảm, cuộc chiến thuế quan của Tổng thống Trump và sự bất ổn chính sách đồng nghĩa với việc họ đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất kể từ đại dịch Covid-19 – vốn tàn phá ngành sản xuất dầu trong năm 2020.
Giới chuyên gia năng lượng và lãnh đạo ngành năng lượng tái tạo cũng cảnh báo về những lo ngại liên quan đến sự thống trị công nghệ sạch của Trung Quốc. Giới chuyên gia cũng cho rằng, cách tiếp cận không mấy thân thiện về năng lượng xanh của chính quyền Tổng thống Donald Trump có thể củng cố hơn nữa quyền kiểm soát lĩnh vực này của Trung Quốc.
Ông David Brown, giám đốc lĩnh vực chuyển đổi năng lượng tại Wood Mackenzie, cho rằng, “Sẽ rất khó để Mỹ bắt kịp Trung Quốc. Tuy nhiên, vẫn còn lựa chọn khác như đa dạng hóa nguồn cung tấm pin năng lượng mặt trời sản xuất trong nước”.
Hôm 16/4 chính quyền Tổng thống Trump đã cho dừng dự án điện gió ngoài khơi trị giá 5 tỷ USD – dự án do Equinor của Norway triển khai ngoài khơi bờ biển New York City – ghi nhận động thái mới nhất của chính phủ Mỹ trong việc tạm dừng chương trình năng lượng tái tạo từ thời Tổng thống Joe Biden.
Tổng thống Trump cũng dọa cắt giảm hàng trăm tỷ USD các khoản vay, trợ cấp và miễn thuế dành cho các hãng phát triển công nghệ sạch khi bãi bỏ Đạo luật giảm lạm phát (IRA) – đạo luật do Tổng thống Biden ban hành có quy định về các khoản trợ cấp cho những dự án khổng lồ nhằm giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào công nghệ của Trung Quốc.
Tuy sản xuất năng lượng carbon thấp của Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục tăng, song thị phần toàn cầu của Trung Quốc về xe điện, pin và dự trữ năng lượng cũng tăng lên khi quốc gia châu Á này tận dụng ưu thế về sản xuất chi phí thấp.