Nhật Bản, Hàn Quốc cùng một số nền kinh tế lớn khác tại châu Á đang cố gắng tham gia sâu hơn vào dự án khí đốt khổng lồ tại Alaska để đổi lấy việc Tổng thống Donald Trump hạ bớt thuế quan đối ứng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tổ chức họp báo cùng Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba, ngày 7/2/2025. (Ảnh: AP).
Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang cân nhắc đầu tư vào một dự án khí đốt tự nhiên khổng lồ ở Alaska nhằm đạt các thoả thuận thương mại vừa đáp ứng yêu cầu của Tổng thống Donald Trump vừa tránh được các mức thuế quan cao hơn của Mỹ.
Alaska từ lâu đã tìm cách xây dựng một đường ống dài gần 1.300 km băng qua bang này từ khu vực North Slope ở Vòng Bắc Cực đến Vịnh Cook ở phía nam, nơi khí đốt sẽ được làm lạnh thành chất lỏng để xuất khẩu sang châu Á. Dự án này, với tổng vốn đầu tư hơn 40 tỷ USD, đã bị kẹt trên bản vẽ trong nhiều năm.
Alaska LNG (tên của dự án) đang cho thấy những tín hiệu đáng mừng khi ông Trump nhấn mạnh dự án này là ưu tiên quốc gia. Hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Bộ Tài chính Scott Bessent cho biết Alaska LNG có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đàm phán thương mại với Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan.
Vào tháng 3, công ty dầu khí Đài Loan CPC Corp. đã ký một ý định thư để bày tỏ mong muốn mua 6 triệu tấn khí đốt từ Alaska LNG, ông Brendan Duval, CEO kiêm nhà sáng lập Glenfarne Group, đơn vị phát triển chính của dự án, cho hay.
Phái đoàn thương mại tháng 3
Ông Duval và Thống đốc Alaska Mike Dunleavy đã theo một phái đoàn thương mại đến Hàn Quốc và Nhật Bản vào tháng 3. Tại đó, họ đã gặp gỡ các quan chức cấp cao trong chính phủ và lãnh đạo doanh nghiệp.
Một số công ty Nhật Bản và Hàn Quốc đã hỏi liệu các ngân hàng phát triển của nước họ có thể hỗ trợ tài trợ cho dự án Alaska LNG hay không, ông Duval chia sẻ với CNBC.
“Gần đây, có khá nhiều yêu cầu từ Ấn Độ, vì vậy con ngựa thứ 4 đã tham gia cuộc đua”, vị CEO cho biết thêm. Ông nói Thái Lan và các nước châu Á khác cũng đã thể hiện sự quan tâm.
Dự án Alaska LNG có ba hạng mục chính gồm một đường ống, một nhà máy xử lý khí đốt ở North Slope và một nhà máy hoá lỏng khí để xuất khẩu tại Nikiski. Thống đốc Dunleavy cho biết tại một hội nghị năng lượng ở Houston vào tháng 3 rằng ba hạng mục này ước tính có chi phí lần lượt là 12, 10 và 20 tỷ USD.
Ông Duval cho biết các giấy phép của Alaska LNG đã có hiệu lực. Glenfarne dự kiến sẽ đưa ra quyết định đầu tư cuối cùng trong 6 đến 12 tháng tới cho giai đoạn đầu tiên của dự án.
Theo ông Duval, việc xây dựng nhà máy LNG dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối năm 2026. Mục tiêu là hoàn thành toàn bộ dự án Alaska LNG trong 4 năm rưỡi và hoạt động thương mại sẽ bắt đầu hoàn toàn vào năm 2031.
Alaska LNG có kế hoạch sản xuất 20 triệu tấn LNG mỗi năm, tương đương khoảng 23% trong số 87 triệu tấn LNG mà Mỹ xuất khẩu vào năm ngoái, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu hàng hoá hoá Kpler.
Giải phóng nguồn tài nguyên của Alaska
Alaska giữ một vai trò quan trọng trong mục tiêu thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu dầu khí Mỹ của Tổng thống Trump. Đây là một phần trong chương trình nghị sự của Nhà Trắng về “sự thống trị năng lượng” của Mỹ.
Ông Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp vào ngày đầu tiên nhậm chức nhằm khai thác “tiềm năng tài nguyên hiếm có” của Alaska, trong đó ưu tiên phát triển LNG tại bang này.
Mỹ từng là nước nhập khẩu ròng nhưng nay đã vươn lên thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Mỹ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cung ứng nhiên liệu cho các nhà máy điện tại châu Á và châu Âu, đặc biệt là cho các nước đồng minh có nguồn năng lượng trong nước hạn chế.
Ví dụ, Nhật Bản và Hàn Quốc mỗi năm nước chiếm khoảng 8% lượng LNG xuất khẩu của Mỹ vào năm ngoái, theo dữ liệu của Kepler.