Hàng hóa Mỹ đối mặt với làn sóng tẩy chay tại nhiều nước
11:00 22/03/2025
Kinh tế Sài Gòn Online
Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump đang gây ra phản ứng dữ dội trên phạm vi toàn cầu khi hàng hóa Mỹ trở thành mục tiêu tẩy chay tại nhiều quốc gia, từ Canada đến châu Âu.
Người tiêu dùng trên toàn thế giới đang tẩy chay các sản phẩm của Mỹ để phản đối mọi thứ mà ông Trump đang làm. Ảnh: Images
Làn sóng tẩy chay lan rộng tại Canada và châu Âu
Tại Canada, quốc gia đồng minh lâu năm và có chung đường biên giới dài gần 9.000 ki lô mét với Mỹ, tâm lý phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gia tăng đáng kể. Điều này đã giúp Đảng Tự do, trước đây được lãnh đạo bởi cựu Thủ tướng Trudeau, và nay là Thủ tướng Mark Carney, từ chỗ yếu thế hơn so với đảng Bảo thủ, đang dần lấy lại sự ủng hộ của cử tri, và dẫn đầu trong nhiều cuộc thăm dò.
Tâm lý đó cũng đang được phản ánh rõ trên thị trường tiêu dùng, khi một cuộc khảo sát gần đây của Viện nghiên cứu Angus Reid với 3.310 người tham gia cho thấy 85% số người Canada được hỏi có kế hoạch thay thế sản phẩm Mỹ hoặc đã làm như vậy để đối phó với các mối đe dọa về thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Đã xuất hiện một số ứng dụng như “Buy Beaver” và “Maple Scan” giúp người tiêu dùng Canada nhận diện và tránh mua sản phẩm Mỹ. Trang web “Made in CA” cung cấp danh mục trực tuyến về hàng hóa sản xuất tại Canada đã chứng kiến lưu lượng truy cập tăng vọt. Ông Dylan Lobo, người điều hành trang web, cho biết: “Hiện tại, lòng yêu nước đang dâng cao. Tâm lý chung của nhiều người dân Canada là muốn hỗ trợ đồng bào của mình”.
Tâm lý tẩy chay cũng lan rộng tại châu Âu, nơi có bốn quốc gia dẫn đầu về số lượt tìm kiếm cụm từ “Tẩy chay hàng Mỹ” trên Google trong tuần qua, lần lượt là Luxembourg, Đan Mạch, Pháp và Thụy Điển. Nhiều quốc gia cũng đã xuất hiện các nhóm Facebook lớn dành riêng cho việc tẩy chay các sản phẩm Mỹ.
Tại Thụy Điển, nhóm Facebook “Bojkotta varor fran USA” (Tẩy chay hàng hóa từ Mỹ) đã thu hút gần 80.000 thành viên. Nhóm này mô tả mục đích của mình là “bảo vệ nền dân chủ, quyền tự quyết và an ninh”, và coi việc sử dụng nền tảng xã hội của Mỹ là “vũ khí tốt nhất” cho việc tẩy chay hàng hóa Mỹ.
Ở Đan Mạch, nơi người dân đang cảm thấy phẫn nộ với những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump về việc muốn sở hữu vùng tự trị Greenland, hơn 75.000 người đã tham gia nhóm “Tẩy chay hàng Mỹ” trên Facebook để thảo luận về việc mua các sản phẩm thay thế cho hàng hóa Mỹ.
Còn tại Pháp, nhóm “BOYCOTT USA: Achetez Francais et Europeen!” (Tẩy chay hàng Mỹ: Mua hàng Pháp và châu Âu!) cũng đã thu hút hơn 20.000 thành viên.
Biện pháp từ các doanh nghiệp và chính quyền địa phương
Không chỉ người tiêu dùng, một số doanh nghiệp và chính quyền địa phương cũng có những động thái cứng rắn đối với hàng hóa Mỹ. Tại Canada, Ủy ban Kiểm soát rượu Ontario đã thông báo sẽ ngừng bán các sản phẩm làm tại Mỹ như rượu bourbon và rượu vang trong các cửa hàng của mình. Chính quyền các tỉnh khác như British Columbia và New Brunswick cũng đã thực hiện các hành động tương tự.
Các chuỗi siêu thị lớn ở Canada như Sobeys Inc. (với khoảng 1.600 cửa hàng) đang giảm tỷ lệ hàng hóa Mỹ. Một phát ngôn viên của công ty mẹ, Empire Company Limited, cho biết rằng trong năm qua, khoảng 12% doanh số của họ đến từ sản phẩm có nguồn gốc từ Mỹ, nhưng con số này dự kiến sẽ giảm trong thời gian tới.
Metro Inc. với khoảng 1.000 cửa hàng tạp hóa tại Quebec, Ontario và New Brunswick, cũng như Longo's, một chuỗi cửa hàng tạp hóa do gia đình sở hữu chủ yếu hoạt động trên khắp Khu vực Đại Toronto, cùng cho biết đã triển khai một chương trình dán nhãn các sản phẩm riêng lẻ của Canada với thông tin nhận dạng nổi bật hơn. Các sản phẩm nội địa cũng đang được quảng bá nhiều hơn trên các nền tảng.
Những thay đổi cũng đang diễn ra trong chuỗi cung ứng sản xuất. Chia sẻ với Reuters, ông Phil Smith, chủ sở hữu Công ty bia Tinhouse tại Vancouver, cho biết sẽ tăng cường sử dụng các nguyên liệu nội địa, thay thế cho nguồn cung từ Mỹ. Bên cạnh đó, ông cũng đã tính đến việc thay thế nguồn cung lon nhôm từ Mỹ.
“Canada không sản xuất lon nhôm, do vậy, chúng tôi thường phải nhập từ những nước khác như Mỹ. Giờ đây, chúng tôi sẽ chuyển hướng sang thị trường Trung Quốc”, ông Phil Smith cho biết. “Giá hàng Trung Quốc vẫn rẻ hơn, nhưng chúng tôi từng chấp nhận trả thêm 1 xu mỗi lon để mua hàng từ Mỹ. Giờ thì không thể như vậy nữa”.
Tại châu Âu, tập đoàn bán lẻ hàng đầu của Đan Mạch Salling Group đã thông báo sẽ dán nhãn sao đen cho các sản phẩm châu Âu để giúp người tiêu dùng dễ dàng nhận biết hàng hóa sản xuất trong khu vực. Công ty vẫn sẽ bán các sản phẩm của Mỹ, nhưng Giám đốc điều hành Anders Hagh đã viết trên LinkedIn rằng nhãn mới là “dịch vụ bổ sung cho những khách hàng muốn mua hàng hóa có thương hiệu châu Âu”.
Trong khi đó, một số công ty đang có hành động quyết liệt hơn. Haltbakk Bunkers của Na Uy, công ty cung cấp dầu và nhiên liệu cho tàu, gần đây đã tuyên bố sẽ ngừng cung cấp nhiên liệu cho các tàu của hải quân Mỹ do phản đối cách Tổng thống Donald Trump đối xử với Tổng thống Ukraine Zelensky tại Nhà Trắng.
Ngoài châu Âu và Canada, nhiều nhà lãnh đạo doanh nghiệp cũng nhận thức được phản ứng dữ dội tiềm tàng đối với các sản phẩm của Mỹ và mức độ ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của họ.
Ông Takeshi Niinami, Giám đốc điều hành của Tập đoàn đồ uống Nhật Bản Suntory Holdings, đã đưa ra cảnh báo chỉ vài tuần sau khi ông Trump quay trở lại Nhà Trắng rằng các thương hiệu của Mỹ có thể sẽ là mục tiêu tẩy chay của người tiêu dùng quốc tế.
“Chúng tôi đã vạch ra kế hoạch chiến lược và ngân sách cho năm 2025 với kỳ vọng rằng các sản phẩm của Mỹ, bao gồm cả rượu whisky, sẽ ít được các quốc gia bên ngoài nước Mỹ chấp nhận hơn vì lý do thứ nhất là thuế quan và thứ hai là tâm lý phản đối”, ông nói với tờ Financial Times.
Những tác động từ làn sóng tẩy chay
Nhiều doanh nghiệp Mỹ đã bắt đầu cảm nhận được sức ép từ làn sóng tẩy chay, và cái tên chịu tác động lớn hơn cả chính là Tesla. Thương hiệu xe điện của tỉ phú Elon Musk - người hiện là cố vấn cấp cao của Tổng thống Donald Trump và đứng đầu Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE), đã chứng kiến doanh số tại châu Âu trong tháng 1-2025 giảm mạnh 45% so với cùng kỳ năm 2024. Kể từ đầu năm tới nay, giá cổ phiếu Tesla cũng lao dốc 38%, góp phần khiến giá trị tài sản của vị tỉ phú sụt giảm mạnh.
Xu hướng tẩy chay được dự báo sẽ còn lan rộng hơn nữa trong những tháng tới. Zoe Gardner, một nhà tổ chức của Liên minh Stop Trump tại Vương quốc Anh, nhận định “trên khắp châu Âu, chúng ta đang chứng kiến doanh số bán hàng của Tesla giảm mạnh vì tỉ phú Elon Musk có liên hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống Donald Trump”.
Ông Ethan Frisch, Giám đốc điều hành kiêm nhà sáng lập Burlap & Barrel - một công ty gia vị có trụ sở tại New York, cho biết đã nhận được email từ khách hàng Canada thông báo sẽ tẩy chay không mua sản phẩm của công ty nữa. “Chúng tôi không biết phải xử lý tình huống này như thế nào”, ông Frisch nói. “Chúng tôi cũng nhập khẩu một số gia vị từ Canada, vì vậy chuỗi cung ứng của chúng tôi bị ảnh hưởng rất nhiều bởi thuế quan”.
Ngành du lịch cũng chịu tác động đáng kể, khi số lượng người Canada đi du lịch bằng đường bộ đến Mỹ trong tháng 2-2025 đã giảm 23% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiệp hội Du lịch Mỹ cảnh báo rằng sự sụt giảm 10% trong hoạt động du lịch từ Canada có thể gây ra “thiệt hại 2,1 tỉ đô la doanh thu và 14.000 việc làm”. Bên cạnh Canada, số lượt đặt vé đến Mỹ từ Đan Mạch và Đức cũng giảm lần lượt 27% và 15% so với năm 2024, riêng nhu cầu từ châu Âu giảm nhẹ 1%.
Một ngành khác cũng được dự báo sẽ đối mặt với thách thức lớn là nông nghiệp, bởi lẽ điểm đến lớn nhất cho các sản phẩm nông nghiệp giá trị cao xuất khẩu của nước này vẫn là Canada. Các chuyên gia kinh tế và chính sách đã nói với Business Insider rằng tùy thuộc vào quy mô của mục tiêu và thời gian tẩy chay, ngành nông nghiệp Mỹ có thể bị tác động đáng kể.
“Điều này sẽ gây tổn hại, không còn nghi ngờ gì nữa”, ông Larry Gerston, giáo sư về chính sách công tại Đại học San Jose State, cho biết. “Liệu nó có gây tổn hại nhiều hơn một mức thuế quan trả đũa hay không, điều đó phụ thuộc vào việc làn sóng tẩy chay có tập trung vào một nhóm sản phẩm mục tiêu hay không, người tiêu dùng Canada nghiêm túc như thế nào trong vấn đề này và Chính phủ Canada ủng hộ việc tẩy chay đến mức nào”.
Nguồn: Reuters, DW, The Guardian, Independent, Axios, Business Insider, Financial Times
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov vừa mừng sinh nhật lần thứ 75 hôm 21/3. Ông kể đã đi thăm 150 quốc gia trong những năm qua, nhưng Nga vẫn là nơi thu hút nhất.
Tỷ phú Hong Kong Lý Gia Thành đã vướng vào căng thẳng địa chính trị giữa hai siêu cường lớn nhất thế giới sau khi ông công bố thoả thuận bán các cảng tại kênh đào Panama.
Nhóm vũ trang Houthi ở Yemen tuyên bố đã phóng một tên lửa siêu vượt âm vào sân bay Ben Gurion ở Tel Aviv, Israel. Việc này xảy ra vài ngày sau khi Israel phá vỡ lệnh ngừng bắn ở Dải Gaza.
Khi công ty bị chỉ trích công khai vì một sản phẩm kém chất lượng, một CEO nên làm gì? Nhiều người sẽ chọn cách im lặng. Nhưng CEO của AMD, Lisa Su, thì không.
Đà phục hồi trong 10 phút cuối cùng của phiên giao dịch 21/3 đã giúp gã khổng lồ công nghệ Mỹ tránh được chuỗi 8 tuần giảm liên tiếp đầu tiên kể từ năm 2008.
Theo tờ Global Times, kết quả cuộc khảo sát gần đây của ngân hàng Deutsche Bank cho thấy niềm tin tiêu dùng của hộ gia đình Trung Quốc đã được cải thiện, một diễn biến tích cực với kinh tế Trung Quốc.
(ĐTCK) Với việc hình thành mẫu nến không mấy khả quan trên cả khung đồ thị ngày và tuần, nhịp hồi phục đang chững lại và thế giằng co phân hóa dần chiếm thế chủ đạo nhiều hơn.
(ĐTCK) Hai chỉ báo MACD, RSI không có tín hiệu hình thành phân kỳ âm và đường +/-DI cùng ở trên mốc 25 nên nhìn chung thị trường vẫn đang trong nhịp tìm điểm cân bằng và kỳ vọng sẽ sớm củng cố động lực trong ngắn hạn.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Chris Wright tuyên bố, trong nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump giá năng lượng sẽ thấp hơn so với nhiệm kỳ trước, Bloomberg đưa tin.
Trong bối cảnh Ấn Độ đang đẩy mạnh xuất khẩu gạo ra thế giới do lượng tồn kho cao kỷ lục, giá gạo toàn cầu có khả năng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp trong thời gian tới.
(ĐTCK) Trong bối cảnh thị trường vẫn còn nhiều yếu tố bất định, các chuyên gia sẽ đưa ra lời khuyên về việc duy trì tỷ lệ cổ phiếu/tiền mặt và những nhóm cổ phiếu có triển vọng lọt vào tầm ngắm.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025, Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC – mã: BSI) đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm nay với chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 560 tỷ đồng, tăng...
Kỳ vọng căng thẳng Nga - Mỹ hạ nhiệt giúp đồng ruble liên tiếp mạnh lên so với đôla Mỹ kể từ đầu năm.
Cảnh báo rủi ro
Mọi ý kiến, tin tức, nghiên cứu, phân tích, giá cả hoặc thông tin khác có trên trang web này được cung cấp dưới dạng bình luận thị trường chung và không phải lời khuyên đầu tư.
Nội dung trên trang web này có thể thay đổi bất kỳ lúc nào mà không cần thông báo, và được cung cấp với mục đích duy nhất là hỗ trợ các nhà giao dịch đưa ra quyết định đầu tư độc lập.
Liên kết đến các trang web của bên thứ ba được cung cấp để thuận tiện cho bạn. Các trang web như vậy không nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi và có thể không tuân theo cùng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư, bảo mật hoặc khả năng truy cập như của chúng tôi.
Bạn nên biết tất cả các rủi ro liên quan đến giao dịch tài chính, chứng khoán hay tiền mã hoá và tìm kiếm lời khuyên từ một cố vấn độc lập nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào.
Bạn không nên chia sẻ nội dung trên trang web với người không đủ hiểu biết về thị trường tài chính.
Trang web đang được vận hành thử nghiệm nội bộ, không sử dụng vào mục đích thương mại.