Avison Young Việt Nam dự báo nguồn cung tương lai của bất động sản công nghiệp tại TPHCM là 1,759ha, tập trung phần lớn tại Bình Chánh; Hà Nội 4,714ha được phân bổ đều cho các đơn vị hành chính và Đà Nẵng là 939ha chủ yếu ở huyện Hòa Vang.
Theo báo cáo quý 1/2025 của Avison Young Việt Nam, nguồn cung bất động sản công nghiệp không có quá nhiều khu công nghiệp (KCN) mới đi vào hoạt động, song tổng nguồn cung đất công nghiệp vẫn được duy trì ổn định.
Cụ thể, tổng diện tích đất công nghiệp TPHCM vẫn giữ nguyên khoảng 5,000ha với các dự án lớn như KCN Tân Phú Trung 543ha (Củ Chi) có tỷ lệ lấp đầy 65%; KCN Hiệp Phước 2 gần 600ha (Nhà Bè), tỷ lệ lấp đầy 35%; hay khu công nghệ cao - giai đoạn 1 (TP. Thủ Đức) 326ha, tỷ lệ lấp đầy 100%. TPHCM cũng đang mời gọi đầu tư KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 có diện tích 393ha, KCN Phạm Văn Hai I 379ha và II 289ha.
Quý đầu năm, Hà Nội phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2,000 cho KCN Bắc Thường Tín 137ha, KCN Phụng Hiệp gần 175ha và KCN sạch Sóc Sơn 324ha. Hiện thành phố có 9 KCN và 1 khu công nghệ cao với tổng diện tích tự nhiên gần 3,000ha.
Còn tại Đà Nẵng có 6 KCN, 1 khu công nghệ cao và 1 khu công nghệ thông tin, với tổng diện tích tự nhiên hơn 2,500ha. Ngày 18/02, Đà Nẵng đã khởi động dự án KCN Hòa Ninh diện tích hơn 400ha, bổ sung nguồn cung đáng kể cho khu vực miền Trung.
Cả 3 thành phố trên đều chưa có thêm KCN mới đi vào hoạt động trong quý đầu năm nay. Avison Young Việt Nam cũng dự báo nguồn cung tương lai tại TPHCM là 1,759ha, tập trung phần lớn tại Bình Chánh; Hà Nội 4,714ha và Đà Nẵng là 939ha chủ yếu ở huyện Hòa Vang.




Nguồn: Avison Young Việt Nam
Đầu năm 2025, Chính phủ đã phê duyệt 14 dự án KCN mới trên cả nước. Các dự án được triển khai tại Cần Thơ, Hải Phòng, Thái Nguyên, Bình Phước, Bắc Giang, Hải Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, với tổng diện tích hơn 4,000ha và tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục ngàn tỷ đồng.
Theo Avison Young Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy các KCN tại 3 thành phố ở mức cao, Hà Nội là 93%, TPHCM 90% và Đà Nẵng là 79%. Giá thuê đất trung bình tại TPHCM là 243 USD/m2/kỳ hạn, Hà Nội 223 USD/m2/kỳ hạn, trong khi Đà Nẵng 98 USD/m2/kỳ hạn.

Nguồn: Avison Young Việt Nam
Xu hướng phát triển KCN xanh và công nghệ cao
Thay vì mô hình truyền thống, các KCN thế hệ mới đang tích hợp ba lớp dịch vụ gồm hạ tầng thông minh (IoT, 5G), hệ sinh thái doanh nghiệp phụ trợ và tiện ích đa chức năng như trung tâm R&D, khu nhà ở công nhân.
Đặc biệt, mô hình nhà xưởng cao tầng giúp tiết kiệm 40% diện tích, cho phép thuê linh hoạt theo module, hiện đã được áp dụng tại nhiều địa phương như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An, Hải Dương và Bắc Ninh.
Điểm nóng thu hút đầu tư, sự quan tâm từ các nhà đầu tư quốc tế đang gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, bán dẫn và sản xuất công nghiệp hỗ trợ.
Trong năm 2025, khu công nghệ cao TPHCM dự kiến đón nhận 12 dự án mới gồm 10 dự án trong nước và 2 dự án FDI, tổng vốn đầu tư hơn 1 tỷ USD (bao gồm cả dự án nhà máy sản xuất bán dẫn đầu tiên được khởi công vào đầu tháng 1). Tại Hà Nội, tập đoàn Inventec đã đầu tư xây dựng nhà máy Hanssip, góp phần thúc đẩy chuỗi giá trị công nghiệp hỗ trợ. Đà Nẵng cũng đang tận dụng lợi thế vị trí chiến lược và hạ tầng để thu hút các ngành công nghiệp chuyên sâu và và công nghệ tiên tiến.
Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 có 30% KCN đạt chứng chỉ LEED/xanh, mở ra cơ hội phát triển các dự án sử dụng vật liệu tái chế, hệ thống năng lượng mặt trời áp mái và xử lý nước thải tuần hoàn.
Cùng với đó, Việt Nam đang trở thành điểm nóng mới trong cuộc đua trung tâm dữ liệu Đông Nam Á, với việc Saigon Asset Management (SAM) đầu tư 1.5 tỷ USD xây dựng trung tâm dữ liệu 150MW tại Bình Dương.
Avison Young Việt Nam cho rằng triển vọng của ngành trung tâm dữ liệu tại Việt Nam rất hứa hẹn nhờ nhu cầu lưu trữ, xử lý dữ liệu ngày càng tăng từ các doanh nghiệp và tập đoàn công nghệ toàn cầu. Tuy nhiên, để thu hút thêm vốn FDI và mở rộng quy mô, cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng điện, mạng lưới kết nối và các chính sách ưu đãi cho ngành này.