Chính quyền ông Trump tuyên bố cắt tài trợ cho Harvard vì từ chối yêu cầu cải cách, nhưng đại học này tin họ cần làm vậy để bảo vệ các giá trị cốt lõi của mình.
Cho đến tuần trước, các lãnh đạo Đại học Harvard vẫn cố tìm hiểu những gì chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn trường phải làm để chống lại chủ nghĩa bài Do Thái. Đây là cáo buộc mà Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) thuộc Bộ Giáo dục Mỹ đưa ra nhắm vào loạt đại học Mỹ, sau các cuộc biểu tình phản đối chiến sự Gaza và ủng hộ Palestine hồi năm ngoái.
Tối 11/4, chính quyền liên bang gửi tới Harvard loạt yêu cầu mới dài 5 trang, được cho là sẽ tái hướng định hoạt động, công tác tuyển sinh và tuyển dụng, cũng như đời sống của sinh viên ở trường. Chưa đầy 72 giờ sau, Harvard từ chối tuân thủ, trở thành đại học đầu tiên ở Mỹ không chịu nhượng bộ trước sức ép từ chính quyền Trump.
"Chính phủ, dù do đảng nào nắm quyền, cũng không nên định đoạt các đại học nên giảng dạy nội dung gì, có thể tuyển sinh và tuyển mộ sinh viên, giảng viên thế nào, hay theo đuổi lĩnh vực học thuật nào", Chủ tịch Harvard Alan Garber viết trong thư phản hồi.
Đây được xem là thách thức công khai nhất của một đại học danh tiếng ở Mỹ trước chiến dịch gây áp lực của Tổng thống Trump với nền giáo dục đại học. Quyết định đưa ra sau khi các lãnh đạo Harvard dành hai ngày cuối tuần thảo luận và xác định những yêu cầu của chính phủ là mối đe dọa đối với sự độc lập và sứ mệnh của ngôi trường có bề dày lịch sử 388 năm.
Đại học Harvard từ lâu được coi là một trong những trường tốt nhất thế giới và cũng là đại học giàu nhất Mỹ với quỹ quyên tặng lên tới hơn 53 tỷ USD. Nhiều nguyên thủ quốc gia và người đoạt giải Nobel từng theo học tại ngôi trường danh giá này, trong đó có cựu tổng thống Mỹ Barack Obama, nữ tổng thống đầu tiên của châu Phi Ellen Johnson Sirleaf.
"Dựa trên nguồn lực, lịch sử và cam kết của trường với tự do ngôn luận, Harvard có cơ sở để tự bảo vệ mình", Steven Hyman, cựu hiệu trưởng của Harvard, nói.

Sinh viên, giảng viên Đại học Harvard biểu tình tại thành phố Cambridge, bang Massachusetts, Mỹ ngày 17/1. Ảnh: AP
Cuộc đối đầu từ đó leo thang. Chính phủ đã đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ cho trường sau khi Harvard từ chối tuân thủ những yêu cầu mà JTFCAS đưa ra, gồm ngăn sinh viên biểu tình, điều chỉnh cơ cấu quản trị và ban lãnh đạo, đổi mới quy trình tuyển sinh và chấm dứt các chương trình về đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI). Ông Trump ngày 15/4 còn dọa tước quyền miễn thuế của Harvard và cắt hoàn toàn tài trợ liên bang cho trường này.
Harvard có quỹ quyên tặng hơn 53 tỷ USD, nhưng hầu hết số tiền bị ràng buộc bởi điều kiện của người tặng và khoảng 80% số tiền thường được giới hạn cho mục đích cụ thể. Do đó, Harvard vẫn phụ thuộc đáng kể vào tài trợ liên bang để duy trì hoạt động của mình. Nếu mất nguồn hỗ trợ này, các nghiên cứu của trường sẽ bị đình trệ hoặc không thể khởi động dự án mới.
Tuy nhiên, Harvard đã lựa chọn bảo vệ danh tiếng, sự độc lập và di sản hàng thế kỷ của trường, đánh cược rằng đại học này có thể tồn tại lâu hơn chiến dịch gây áp lực của ông Trump.
"Đại học của chúng tôi sẽ không từ bỏ sự độc lập và các quyền hiến định của mình", ông Garber tuyên bố.
Steven Pinker, giáo sư tâm lý học kiêm đồng chủ tịch Hội đồng Tự do Học thuật tại Harvard, nói rằng rất khó để nghĩ tới kịch bản ban lãnh đạo trường chấp nhận những yêu cầu của chính phủ. Tuy nhiên, ông vẫn ngạc nhiên trước tốc độ phản ứng của lãnh đạo Harvard.
Harvard hiện có hai luật sư nổi tiếng, gồm William A. Burck, người từng đại diện cho nhiều đồng minh của ông Trump trong các tranh chấp pháp lý, và Robert Hur, cựu sinh viên Harvard.
Harvard dường như cũng đã có sự chuẩn bị trước cho cuộc đối đầu tiềm năng với Nhà Trắng. Đại học đã áp lệnh đóng băng tuyển dụng vào tháng 3 và tìm cách huy động 1,2 tỷ USD trên thị trường trái phiếu. Trong báo cáo tài chính gần nhất, Harvard tuyên bố có hàng tỷ USD có thể sử dụng "trong trường hợp gặp gián đoạn ngân sách bất ngờ".
Cựu chủ tịch Harvard Larry Summers nhận định đại học này có vị thế tốt để chống lại sức ép từ Nhà Trắng để bảo vệ các giá trị cốt lõi của mình. "Khi bạn thấy các đòn công kích có hệ thống từ Tổng thống vào quyền kiểm soát ngân sách của quốc hội hay những hành động vượt ra ngoài khuôn khổ pháp lý và mang tính đe dọa, tôi nghĩ đó là lúc các đại học như Harvard phải phản ứng quyết liệt và mạnh mẽ", ông nói.
Một động lực khác để Harvard chọn "đấu tranh đến cùng" là bài học họ rút ra từ Đại học Columbia, cho thấy bất kỳ con đường nào khác mà các trường lựa chọn đều có thể dẫn tới hỗn loạn.
Tháng trước, Đại học Columbia chấp nhận danh sách yêu cầu từ chính quyền ông Trump để bảo đảm 400 triệu USD tài trợ và hợp đồng liên bang không bị cắt. Trường này ban hành quy định cấm đeo khẩu trang trong khuôn viên, cho phép cảnh sát bắt sinh viên trong trường và tăng giám sát khoa Nghiên cứu Trung Đông, Nam Á và châu Phi cũng như Trung tâm Nghiên cứu Palestine.
Quyết định nhượng bộ này khiến Đại học Columbia đối mặt làn sóng phản đối từ các giảng viên cũng như các nhóm tự do ngôn luận. Và ngay cả khi đã chịu nhún nhường, trường này vẫn chưa được chính phủ rót lại ngân sách. Thay vào đó, Nhà Trắng đang cân nhắc sắc lệnh mới nhằm trao quyền cho một thẩm phán liên bang giám sát thỏa thuận với đại học này và mang lại đòn bẩy cho họ, có thể trong nhiều năm.
Việc chính quyền tiếp tục gia tăng sức ép với Đại học Columbia khiến giới lãnh đạo Harvard lo ngại Nhà Trắng có thể từ bỏ bất kỳ thỏa thuận nào nếu họ lùi bước. Lee C. Bollinger, cựu chủ tịch Đại học Columbia 21 năm, đầu tuần này nói rằng chiến lược "đàm phán và hòa giải dường như không mang lại kết thúc như mong đợi".
Giáo sư Pinker có cùng nhận định. Ông nói Harvard có thể đã cố gắng đàm phán giống như Columbia đã làm "nếu được đảm bảo rằng chính quyền đang giải quyết một cách có thiện chí".
Jon Fansmith, thành viên Hội đồng Giáo dục Mỹ, cho rằng những yêu cầu của chính quyền Mỹ "vượt ra ngoài mục tiêu ngăn chặn chủ nghĩa bài Do Thái". Ông cho rằng chính quyền có thể đang nhắm tới mục tiêu cắt giảm hàng trăm triệu USD cho những công trình nghiên cứu của các trường.
"Thật không may cho Columbia khi những nỗ lực nhượng bộ của họ không được chính quyền đáp ứng một cách có thiện chí. Nếu bạn ở các trường khác và nhìn vào những gì xảy ra, Columbia đã cố đàm phán nhưng tài trợ chưa được khôi phục, thay vào đó là thêm nhiều yêu cầu hơn. Bạn có thể thấy vấn đề trọng tâm mà chính quyền theo đuổi ở đây là gì", ông Fansmith nói.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Chủ tịch Harvard Alan Garber. Ảnh: AFP
Mitchell Stevens, giáo sư Đại học Stanford, chỉ ra rằng có "khế ước" giữa các đại học và chính phủ liên bang, trong đó họ nhận tài trợ và hỗ trợ từ chính phủ để đóng góp cho lợi ích cộng đồng thông qua nghiên cứu, giáo dục và đổi mới. Tuy nhiên, trong 25 năm qua, mối quan hệ đó đã thay đổi khi ngày càng có nhiều hoài nghi về khả năng đáp ứng kỳ vọng từ khu vực công của các đại học ưu tú.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt ngày 15/4 chỉ trích Harvard không xem xét yêu cầu của chính phủ một cách nghiêm túc. "Tất cả những gì Tổng thống yêu cầu là đừng vi phạm luật liên bang và sau đó các vị có thể nhận tài trợ", bà nói, thêm rằng ông Trump muốn "Harvard xin lỗi vì đã để chủ nghĩa bài Do Thái diễn ra trong khuôn viên trường".
Bất chấp những chỉ trích và đe dọa của chính quyền, nhiều người ở Harvard cảm thấy nhẹ nhõm khi lãnh đạo của trường dám đứng lên đấu tranh. Họ thừa nhận hàng tỷ USD tài trợ nghiên cứu có thể bị mất, dẫn tới mất việc làm và khiến các phòng thí nghiệm đình trệ hoạt động. Song họ tin đại học lớn như Harvard phải bảo vệ các nguyên tắc riêng.
Steven Levitsky, nhà khoa học chính trị tại Harvard từng kêu gọi trường cứng rắn trước chính quyền Trump, đã đọc thư của Chủ tịch Garber và nói rằng "có vẻ như Harvard đã quyết định đến lúc phải chiến đấu".
Tuy nhiên, Phil Hanlon, cựu chủ tịch Đại học Dartmouth, cảnh báo các đại học Mỹ đang đối mặt thời điểm mà họ không còn đường lui và sẽ phải tìm cách thích nghi với thực tế mới trong quan hệ với chính phủ liên bang.
"Các chủ tịch đương nhiệm đang đối mặt thực tế khó khăn. Một mặt họ muốn bảo vệ các giá trị cốt lõi của tổ chức. Nhưng mặt khác, họ sẽ thấy một số giảng viên bị cắt giảm vì mất ngân sách. Tôi nghĩ đã đến lúc những người hiểu được giá trị mà giáo dục đại học mang lại cho đất nước cần phải lên tiếng", Hanlon nói.
Thùy Lâm (Theo AFP, Politico, Reuters)