Harvard có quỹ hiến tặng hơn 53 tỷ USD, phần nào giúp trường tiếp tục hoạt động dù bị chính quyền Trump cắt tài trợ, nhưng khó duy trì lâu dài.
"Không chính phủ nào, bất kể đảng nào nắm quyền, được phép quyết định chương trình đại học tư nhân có thể giảng dạy", Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber viết trong thư đăng trên website trường ngày 14/4, phản bác các yêu cầu từ chính quyền Tổng thống Donald Trump về cải cách học thuật và quản lý sau các cáo buộc về tình trạng "bài xích Do Thái" trong cơ sở giáo dục này.
Động thái lập tức châm ngòi một cuộc đối đầu giữa Đại học Harvard và chính quyền ông Trump. Vài giờ sau đó, Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS), thuộc Bộ Giáo dục Mỹ, đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ liên bang, dừng các hợp đồng trị giá 60 triệu USD với cơ sở này.
"Harvard là một trò đùa, chỉ giảng dạy về sự thù ghét và ngu ngốc. Họ không nên nhận tài trợ liên bang nữa", Tổng thống Trump viết trên mạng Truth Social ngày 16/4. "Họ không còn được xem là nơi đào tạo tốt và không nên được coi là một trong những đại học tuyệt vời nhất thế giới".
Cựu tổng thống Barack Obama đã khen ngợi cách Đại học Harvard phản ứng với yêu cầu cải cách từ chính quyền Trump, bất chấp việc bị đóng băng các khoản tài trợ.
"Harvard đã nêu gương cho các tổ chức giáo dục bậc cao khác, đó là khước từ nỗ lực phi pháp và gượng ép nhằm kìm hãm quyền tự do học thuật, đồng thời thực hiện các bước cụ thể để đảm bảo tất cả sinh viên Harvard có thể hưởng quyền lợi từ môi trường nghiên cứu trí tuệ, tranh luận thực chất và tôn trọng lẫn nhau", ông Obama cho biết.
Nhưng Bộ An ninh Nội địa Mỹ sau đó tuyên bố hủy gói tài trợ 2,7 triệu USD cho Đại học Harvard, cáo buộc trường này có cách quản lý yếu đuối và "quỳ gối trước chủ nghĩa bài Do Thái, tiếp tay cho bạo lực cực đoan, đe dọa an ninh quốc gia". Động thái này cho thấy cuộc chiến giữa chính quyền Trump và Đại học Harvard có thể tiếp tục leo thang trong những ngày tới, dẫn tới nguy cơ trường này bị cắt hoàn toàn các nguồn tài trợ liên bang.
Harvard là đại học giàu nhất Mỹ, có quỹ hiến tặng lên tới 53,2 tỷ USD, có thể giúp cơ sở giảm thiểu tác động từ những đòn trừng phạt tài chính của Nhà Trắng. Dù vậy, giới chuyên gia vẫn hoài nghi về khả năng chống chịu của Đại học Harvard nếu khủng hoảng kéo dài.
"Harvard đã chọn một canh bạc khi đối đầu với chính quyền liên bang, một trong số ít thể chế có quy mô lớn hơn đại học này", Adam Kissel, nhà nghiên cứu tại viện chính sách bảo thủ Heritage Foundation, trụ sở Washington, nói. "Nhà Trắng sẽ có những biện pháp mà sau cùng sẽ buộc Harvard phải trở lại thương lượng".

Khuôn viên Trường Kinh doanh Đại học Harvard ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 15/4. Ảnh: Reuters
Cuộc khủng hoảng với Đại học Harvard bắt đầu ngày 31/3, khi Bộ Giáo dục Mỹ cảnh báo sẽ đánh giá lại khoản tài trợ 8,7 tỷ USD cho trường khi điều tra hành vi "bài xích Do Thái". Ngày 3/4, JTFCAS gửi dự thảo những yêu cầu nhóm muốn Harvard thực hiện.
Ngày 11/4, chính quyền ông Trump tiếp tục gửi thư, cho rằng Harvard "những năm gần đây không đáp ứng được các điều kiện về quyền trí tuệ và quyền công dân để đáp ứng cho khoản đầu tư từ liên bang". Thư liệt kê thêm các thay đổi Harvard cần thực hiện, hạn chót vào tháng 8, nhưng Harvard từ chối thỏa hiệp. Nếu đối đầu kéo dài, Harvard nguy cơ mất toàn bộ nguồn tài trợ liên bang.
Việc bị cắt ngân sách liên bang sẽ không khiến Harvard bị tê liệt ngay lập tức. Ngoài học phí, lệ phí, tài trợ nghiên cứu, các trường đại học Mỹ còn có nguồn tiền quyên góp từ các cá nhân. Harvard có quỹ hiến tặng lên đến 53,2 tỷ USD trong năm 2024, cao nhất trong số các đại học ở Mỹ.
Tuy nhiên, theo Steven Bloom, phát ngôn viên tổ chức phi lợi nhuận Hội đồng Giáo dục Mỹ, quỹ này "không phải cây ATM" mà Harvard có thể sử dụng tùy ý.
Trường buộc phải sử dụng nguồn tiền này theo mong muốn từ các nhà quyên góp, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ pháp lý. 70% quỹ hiến tặng của Đại học Harvard đã được phân bổ cho những dự án đặc biệt, thường là về giáo dục.
Khoảng 20% quỹ hiến tặng, tương đương 10 tỷ USD, không bị hạn chế mục đích sử dụng, đề phòng những giai đoạn bất ổn. "Với số tiền này, họ tạm thời vẫn đủ khả năng tài chính để vượt qua đòn cắt giảm tài trợ của chính phủ", Howard Bunsis, giáo sư kế toán tại Đại học Eastern Michigan, chuyên gia về tài chính giáo dục đại học, đánh giá.
Tuy nhiên, ông Bloom lưu ý đến một "nguyên tắc vàng" của các đại học là không nên chi vượt 5% tổng quỹ hiến tặng một năm. Nếu muốn dùng quỹ hiến tặng để bù đắp cho khoản cắt giảm tài trợ liên bang, Harvard sẽ cần bổ sung 40 tỷ USD cho quỹ.
"Bạn không thể dễ dàng tìm thấy 40 tỷ USD ngay lập tức", ông Bloom nói.
Trong năm tài chính 2024, Harvard có tổng nguồn thu 6,5 tỷ USD, thặng dư 45 triệu USD. Tuần trước, trường thông báo kế hoạch vay 750 triệu USD từ Phố Wall thông qua phát hành trái phiếu để củng cố ngân sách.

Quy mô quỹ hiến tặng của một số trường đại học lớn ở Mỹ năm 2024. Đồ họa: WSJ
Đại học Harvard nguy cơ đối mặt áp lực tài chính lớn nếu Tổng thống Trump tước quyền miễn thuế của trường, như lời cảnh báo ông đăng trên mạng xã hội Truth Social ngày 15/4.
Nhờ quyền miễn thuế, Đại học Harvard không phải đóng thuế nhà đất hay từ các khoản đầu tư. Trường có thể phát hành trái phiếu miễn thuế, vốn rất hấp dẫn với nhà đầu tư. Người quyên góp có thể khấu trừ thuế các khoản tài trợ cho Harvard, khiến họ sẵn sàng chi tiền cho cơ sở này hơn.
Harvard có hàng loạt cơ sở ở vùng Greater Boston, bang Massachusetts. Một phân tích của Bloomberg ước tính Harvard năm 2023 hưởng lợi 158 triệu USD thuế nhà đất. Tổng cộng, trường này hưởng lợi ít nhất 465 triệu USD trong cùng năm nhờ chính sách miễn thuế. Mất quyền này có thể khiến Harvard tốn thêm chi phí lên đến hàng tỷ USD, khi ông Trump chỉ vừa bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm.
Tổng thống Mỹ không thể đơn phương tước quyền miễn thuế của Harvard. Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) có thể làm điều này, nếu họ phát hiện Harvard tham gia chiến dịch chính trị hoặc vận động hành lang, nhưng luật liên bang cấm tổng thống Mỹ "chỉ đạo trực tiếp hoặc gián tiếp" IRS nhắm đến một đối tượng cụ thể.
Các nguồn thạo tin ngày 16/4 cho biết chính quyền ông Trump đã đề nghị IRS tước quyền miễn thuế của Harvard. Nhà Trắng, IRS chưa bình luận về thông tin.
"Đây chính là tình huống khẩn cấp", chuyên gia giáo dục đại học Sandy Baum, nhà nghiên cứu tại Viện chính sách Urban, Washington, nói. "Họ có thể rút thêm tiền từ quỹ hiến tặng, ít nhất là tạm thời. Nhưng điều đó không có nghĩa họ đủ sức bù đắp số tiền tài trợ liên bang bị cắt giảm".

Nhà Trắng tại thủ đô Washington, Mỹ tháng 11/2024. Ảnh: AFP
Quyết định đối đầu Nhà Trắng của Harvard nhận được sự ủng hộ từ các sinh viên, cựu sinh viên và giảng viên tại đại học. Nhưng những diễn biến gần đây đã khiến một số hoài nghi về sức chống chịu của Harvard trong cuộc đối đầu không cân sức này.
"Chính phủ liên bang có nhiều phương án nếu họ muốn nhằm vào Harvard. Tôi không lạc quan rằng mọi thứ sẽ dừng lại sau các khoản cắt giảm gần đây", Matthew Tobin, đại diện về học thuật tại Hội đồng sinh viên Harvard, nói. Tobin cũng chỉ trích nỗ lực của ông Trump nhằm can thiệp vào chính sách quản lý sinh viên và chương trình giảng dạy tại Harvard là "vô lý".
Kevin Carey, phó chủ tịch viện chính sách thiên tả về giáo dục và việc làm New America, nói nếu không có phương án khác, Harvard sẽ buộc phải sử dụng phần quỹ hiến tặng không bị hạn chế để thuê luật sư, tránh sa thải nhân viên và duy trì các hoạt động nghiên cứu thiết yếu trong lúc chờ tòa phân xử.
"Toàn bộ cuộc đối đầu này là về tìm cách sinh tồn ngắn và trung hạn, trong khi gia tăng áp lực chính trị và pháp lý lên Tổng thống Trump để Nhà Trắng nối lại nguồn tài trợ cho Harvard", ông Carey nói.
Như Tâm (Theo BBC, Washington Post, Strait Times)