Ông Trump phàn nàn và dọa sa thải Thống đốc Fed vì không hạ lãi suất, nhưng khó làm vậy nếu không chứng minh được "lý do chính đáng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 17/4 dọa sa thải Chủ tịch Cục dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell nếu ông không hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế trước tác động từ chính sách thuế quan của ông chủ Nhà Trắng.
"Powell sẽ rời ghế nếu tôi yêu cầu. Tôi không hài lòng với ông ấy và đã cho ông ấy biết điều đó. Tin đi, nếu tôi muốn ông ấy ra đi thì việc đó sẽ diễn ra rất nhanh thôi", ông Trump nói. Trong bài đăng trên mạng xã hội trước đó, ông cũng bày tỏ không hài lòng vì Fed chậm chạp trong việc hạ lãi suất.
Ông Powell được tổng thống Barack Obama bổ nhiệm vào Hội đồng Thống đốc Fed, gồm 7 thành viên, năm 2012. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, chính ông Trump là đề cử ông Powell làm Chủ tịch Fed vào cuối năm 2017. Powell được Thượng viện Mỹ phê chuẩn và bắt đầu nhiệm kỳ 4 năm từ tháng 2/2018. Tháng 11/2021, ông tiếp tục được tổng thống Joe Biden đề cử và Thượng viện thông qua tháng 5/2022.
Powell hồi đầu tháng khẳng định ông không có kế hoạch từ chức trước khi kết thúc nhiệm kỳ vào tháng 5/2026. Trong lịch sử, chưa tổng thống Mỹ nào sa thải chủ tịch Fed và nếu ông Trump làm điều này, đây sẽ là tình huống phức tạp và chưa có tiền lệ về mặt pháp lý, tiềm ẩn nhiều hệ lụy về kinh tế và chính trị, giới chuyên gia cảnh báo.

Chủ tịch Fed Jerome Powell phát biểu tại Chicago, bang Illinois ngày 16/4. Ảnh: AFP
Fed là cơ quan điều hành chính sách tiền tệ hàng đầu của Mỹ, có vai trò như một ngân hàng trung ương. Fed có tính độc lập về chính trị, ra quyết sách mà cơ quan này cảm thấy phù hợp, không cần quan tâm tổng thống muốn gì. Đây cũng là lý do khiến căng thẳng giữa Tổng thống Trump vào ông Powell gia tăng.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump nhiều lần chỉ trích ông Powell vì không hạ lãi suất vào những thời điểm mà Tổng thống Mỹ cho là phù hợp để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ông Trump khi đó cũng dọa sa thải Powell nhưng không thực hiện, một phần vì Fed đã hạ lãi suất, dù không nhanh và mạnh tay như Tổng thống muốn, phần vì các trở ngại pháp lý tiềm ẩn.
Nhưng bối cảnh nhiệm kỳ hai của ông Trump rất khác biệt. Ông Trump lần này nắm trong tay quyền lực lớn hơn bao giờ hết, với đội ngũ những người trung thành được bổ nhiệm vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền. Nhà Trắng cũng cho thấy rằng nhánh hành pháp sẵn sàng thách thức những vấn đề pháp lý chưa từng có tiền lệ, bao gồm các luật bảo vệ tính độc lập của Fed.
Theo Đạo luật Cục dự trữ Liên bang thiết lập Fed năm 1913, tổng thống có thể sa thải các thống đốc Fed nếu "có lý do chính đáng", không phải vì bất đồng chính sách hay chính trị. "Lý do chính đáng" không được luật này định nghĩa cụ thể, nhưng được hiểu là gồm "thiếu năng lực, sao nhãng nhiệm vụ hoặc hành vi sai trái khi đương chức".
Nhà Trắng đang dần tạo tiền đề cho động thái này. Bộ Tư pháp Mỹ muốn đảo ngược một học thuyết đã tồn tại 90 năm, được ví như lá chắn bảo vệ các vị trí điều hành cơ quan độc lập khỏi bị sa thải, giúp củng cố đạo luật về Fed. Đó là án lệ vụ kiện "Người thừa kế của Humphrey với chính phủ Mỹ" năm 1935.
Tổng thống Franklin Roosevelt năm 1933 sa thải William Humphrey, thành viên Ủy ban Thương mại Liên bang mang quan điểm phản đối chính sách kinh tế New Deal, mà không có lý do chính đáng. Humphrey đệ đơn kiện và được Tòa án Tối cao thụ lý, nhưng ông qua đời năm 1934 trước khi tòa ra phán quyết. Người thừa kế của Humphrey tiếp tục vụ kiện nhằm đòi khoản tiền lương chưa trả của ông.
Tòa án Tối cao Mỹ năm 1935 cho rằng việc sa thải Humphrey là không phù hợp. Phán quyết cho phép quốc hội yêu cầu tổng thống phải nêu được lý do chính đáng trước khi sa thải quan chức phụ trách các cơ quan độc lập.
Số phận án lệ này sẽ được định đoạt thông qua phán quyết trong hai vụ kiện của bà Cathy Harris và bà Gwynne Wilcox, lần lượt là thành viên hai cơ quan độc lập Ủy ban Bảo vệ Các hệ thống công vụ theo năng lực và Ủy ban Quan hệ Lao động Quốc gia, mà Tòa án Tối cao đang thụ lý.
Trong đợt cải tổ chính quyền liên bang, ông Trump sa thải Harris và Wilcox trước khi hai quan chức Dân chủ kết thúc nhiệm kỳ. Tòa phúc thẩm Washington ra phán quyết khôi phục chức vụ cho Harris và Wilcox, nhưng Tòa án Tối cao đang đình chỉ thực thi phán quyết để 9 thẩm phán của tòa xem xét.
Với phe bảo thủ chiếm ưu thế 6-3 trong số các thẩm phán, Tòa án Tối cao có thể hủy bỏ án lệ năm 1935. Kịch bản này nếu xảy ra đồng nghĩa ông Trump có thể hành động tương tự với ông Powell. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent gần đây cho biết ông dự kiến phỏng vấn ứng viên thay thế ông Powell vào mùa thu năm nay.
"Trong 4 năm tới, tôi nghĩ án lệ đó sẽ bị loại bỏ", Dan Wolff, luật sư công ty luật Crowell & Morning, dự đoán. "Đa số thẩm phán có thể sẵn sàng lật lại vụ kiện của Humphrey nếu gặp đúng trường hợp".
Chủ tịch Powell không cho rằng phán quyết trong hai vụ kiện của Harris và Wilcox sẽ ảnh hưởng đến Fed. Ông tin rằng ngay cả khi Tòa án Tối cao đảo ngược án lệ năm 1935, cơ quan này sẽ tìm cách khác để bảo vệ các thống đốc Fed.
Theo các nguồn tin đã trao đổi với ông Powell, nếu ông Trump thực hiện lời đe dọa sa thải, Chủ tịch Fed sẽ đệ đơn kiện và khả năng cuộc đối đầu pháp lý này sẽ dẫn đến Tòa án Tối cao phân xử.
Nếu tình huống như vậy xuất hiện, thị trường Mỹ sẽ thêm bất ổn và nghị trình của Tổng thống tại quốc hội sẽ bị kéo lùi lại, tạo ra sự chú ý không cần thiết lên cả những "đề cử bình thường" cho Hội đồng Thống đốc Fed, cựu hạ nghị sĩ Cộng hòa Patrick McHenry nói với WSJ. "Như vậy là lợi bất cập hại".

Tổng thống Donald Trump và ông Jerome Powell tại Nhà Trắng hồi tháng 11/2017. Ảnh: Reuters
Giới chuyên gia cảnh báo những hệ lụy tiềm ẩn từ nỗ lực của ông Trump nhằm sa thải ông Powell. "Fed cần niềm tin từ công chúng", Sarah Binder, nhà nghiên cứu tại Viện Brookings, nói với TIME. "Việc Tổng thống tìm cách loại ông Powell sẽ làm gia tăng bất ổn, điều các thị trường không hề mong muốn".
Nghị sĩ Elizabeth Warren, thành viên hàng đầu đảng Dân chủ tại Ủy ban Ngân hàng, Gia cư và Các vấn đề Đô thị Thượng viện, vốn có quan điểm chỉ trích ông Powell cũng lên tiếng bênh vực Chủ tịch Fed.
"Tôi thường xuyên mâu thuẫn với ông ấy về quy định và lãi suất nhưng vẫn hiểu rõ điều này. Nếu ông Powell có thể bị Tổng thống sa thải, thị trường Mỹ sẽ lao dốc", bà Warren trả lời CNBC.
Phát biểu tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago ngày 16/4, ông Powell tiếp tục phản đối sự can thiệp chính trị, tuyên bố Fed sẽ ra quyết định dựa trên điều gì là tốt nhất cho người dân Mỹ.
"Đó là điều duy nhất chúng tôi thực hiện. Chúng tôi sẽ không bị ảnh hưởng bởi áp lực chính trị... Sự độc lập của chúng tôi là vấn đề pháp lý", ông tuyên bố.
Như Tâm (Theo TIME, CNN, WSJ)