Nhiều người cho rằng 90 ngày để đàm phán thuế với hàng loạt đối tác là quá ngắn và Bộ trưởng Bessent còn phải làm việc này với áp lực lớn từ thị trường tài chính.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent vài tuần qua nổi lên như gương mặt hàng đầu trong cố vấn cho Tổng thống Donald Trump về chiến lược thuế quan. Giờ đây, ông được giao nhiệm vụ đàm phán khoảng 90 thỏa thuận thương mại với các đối tác trong thời hạn 90 ngày theo lệnh hoãn áp thuế đối ứng của ông Trump.
Tổng thống Trump sẽ dõi theo mọi hành động của ông trong quá trình này. Các đồng minh Phố Wall và các nghị sĩ Cộng hòa hoài nghi về đòn thuế sẽ trông cậy vào ông để mang lại ổn định cho thị trường tài chính.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent tại Washington hồi tháng ba. Ảnh: Reuters
Ông Trump hôm 10/4 cho biết ông có thể "thực hiện mọi thỏa thuận trong một ngày", nhưng việc hoàn thành các cuộc đàm phán thương mại sâu rộng, toàn diện như vậy không phải điều dễ dàng. Không ít thỏa thuận thương mại trước đây của Mỹ phải mất nhiều năm mới hoàn thành.
"Nếu ông ấy đi theo con đường truyền thống thì 90 ngày là quá ngắn", William Reinsch, cựu quan chức thương mại Mỹ, cố vấn cấp cao từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), trụ sở tại Washington, nhận xét.
Bộ trưởng Bessent hiện không đưa ra nhiều gợi ý về cách chính quyền sẽ tiếp cận nhiệm vụ quan trọng này ngoài việc nói rằng ông đang "thiết lập một quy trình" để làm việc với Bộ Thương mại và Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR).
Ông cho biết những đối tác đã nhanh chóng liên hệ với chính quyền, như Nhật Bản, sẽ được ưu tiên trong quá trình đàm phán. Và ông cũng tuyên bố hồi đầu tuần rằng Mỹ "có thể đạt được thỏa thuận với các đồng minh" để tạo thành một nhóm đàm phán với Trung Quốc.
Các quan chức Nhà Trắng khác, như Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett, cho hay chính quyền đã "có trên bàn" đề nghị từ hơn 15 nền kinh tế.
Các quan chức chính quyền Trump đến nay chỉ nói chung chung về mục tiêu cuối cùng là xóa bỏ các rào cản và đảo ngược thâm hụt thương mại của Mỹ. Bessent cho biết chính quyền sẽ đạt được thỏa thuận "theo yêu cầu" với từng quốc gia. Tuy nhiên, việc thuyết phục các chính phủ nước ngoài đảo ngược những chính sách quan trọng của họ đã được chứng minh là một quá trình mất nhiều thời gian, theo giới quan sát.
"Điều đó phụ thuộc vào ý của họ là gì khi nói đến 'đàm phán'", Ed Gresser, phó chủ tịch Viện Chính sách Tiến bộ, quan chức thương mại dưới thời tổng thống Barack Obama và chính quyền Trump đầu tiên, nhận xét. "Mọi thứ phụ thuộc vào ý của từ 'thỏa thuận' mà họ muốn nói đến. Họ có muốn hạ thuế quan không? Rào cản thương mại thì sao? Các rào cản kỹ thuật số thì như thế nào? Họ sẽ phải quyết định xem muốn làm điều gì trước tiên".
Dan Mullaney, phó đại diện thương mại Mỹ dưới nhiều chính quyền, cho biết đàm phán với hàng loạt quốc gia trong 3 tháng sẽ là một nhiệm vụ khó khăn, nhưng ông nghĩ chính quyền Trump có thể nhanh chóng đạt được các thỏa thuận về nguyên tắc hay khuôn khổ.
"Đấy là một mốc thời gian đầy tham vọng" nhưng "hoàn toàn có thể thực hiện được" với những ưu tiên và sắp xếp hợp lý, Mullaney, hiện là chuyên gia tại Hội đồng Đại Tây Dương, cho hay. "Những người phụ trách thương mại trong chính phủ đã làm điều này suốt quãng thời gian dài và họ biết cách tổ chức công việc của mình".
Nhưng Bộ trưởng Bessent cũng phải chịu áp lực từ thị trường tài chính đang khao khát một tín hiệu ổn định. Ngay cả với lệnh hoãn thi hành thuế đối ứng 90 ngày, thuế quan của Mỹ hiện đứng ở mức trung bình khoảng 27%, cao nhất kể từ năm 1903. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã phát động một cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, áp mức thuế 145% lên tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nước này.
Người ta kỳ vọng rằng ông Bessent giờ đây có thể nhanh chóng cho thấy một thỏa thuận thành công là như thế nào.
"Nhằm mang lại niềm tin cho thị trường, Bộ trưởng Bessent cần cho chúng ta thấy một thỏa thuận mẫu trông ra sao và ông cần làm điều đó thật nhanh", Neil Dutta, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại tổ chức phân tích thị trường Renaissance Macro Research, cho hay. "Mọi người không có ví dụ mẫu về nhiều khía cạnh của vấn đề. Chúng ta thực sự không có một cuốn sách hướng dẫn cho việc này. Thật thách thức!".
"Bạn có thể đồng tình hoặc không, nhưng không ai thắng trong một cuộc chiến thương mại. Sẽ có nhiều đau đớn", Dutta nói, song thêm rằng Bộ trưởng Bessent là người có chuyên môn tài chính để thực hiện các thỏa thuận một cách hiệu quả nhất nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến công chúng Mỹ.
Ông Bessent là người ủng hộ mạnh mẽ chương trình nghị sự thương mại dân túy của Tổng thống Trump từ chiến dịch tranh cử, nhưng Bộ Tài chính không phải cơ quan chính chịu trách nhiệm về việc áp thuế quan trong những tháng đầu tiên của chính quyền Trump. Chính sách thương mại trước đây thuộc quyền hạn của Bộ Thương mại và USTR.
Bộ Tài chính có một bộ phận nhỏ được giao nhiệm vụ đàm phán những khía cạnh tài chính của các thỏa thuận, nhưng theo truyền thống, USTR luôn đóng vai trò dẫn đầu trong đàm phán thương mại.
Cơ quan này và người đứng đầu hiện tại của nó, Jamieson Greer, hiện tại dường như lại đóng vai trò hỗ trợ cho Bộ trưởng Tài chính. Đây là một bước thay đổi đáng chú ý so với nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, khi đại diện Robert Lighthizer, lãnh đạo USTR, quản lý mọi khía cạnh trong chính sách thương mại của chính quyền.
Việc Bộ trưởng Bessent nổi lên như một tiếng nói chủ chốt trong các cuộc đàm phán thương mại là diễn biến bất ngờ trong những ngày gần đây khi kế hoạch thuế quan của Tổng thống Trump làm chao đảo thị trường tài chính.
Dù vậy, Phố Wall đã bắt đầu xem Bessent như một "người quản lý khủng hoảng" và hoan nghênh việc ông ngày càng có ảnh hưởng tới cách tiếp cận thuế quan của chính quyền gần đây.
Bộ trưởng Bessent "đang làm tốt nhất những gì ông có thể làm với tình hình hiện nay", Jim Bianco, giám đốc công ty phân tích tài chính Bianco Research, nhận xét. "Tôi nghĩ mọi người đều đang trông cậy vào ông ấy để đưa tất cả chúng ta vượt qua khó khăn này".
Vũ Hoàng (Theo Politico, AFP, Reuters)