Đại học Harvard bị cắt hàng tỷ USD tài trợ, phải dừng một số nghiên cứu và có nguy cơ bị tước quyền miễn thuế sau khi từ chối các cải cách do chính quyền Trump đưa ra.
Tổng thống Donald Trump gần đây sử dụng nguồn tiền tài trợ liên bang như vũ khí để gây sức ép buộc các đại học hàng đầu Mỹ thay đổi chính sách mà ông cho là "thù địch với phe bảo thủ". Nhà Trắng cho rằng chiến dịch là bước đi thiết thực để giải quyết làn sóng bài xích Do Thái và các cuộc biểu tình có dấu hiệu ủng hộ nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza, đe dọa sinh viên và giảng viên gốc Do Thái.
Bộ Giáo dục Mỹ bắt đầu nhắm đến Đại học Harvard từ cuối tháng 3, cảnh báo sẽ đánh giá lại khoản tài trợ 8,7 tỷ USD cho trường khi điều tra hành vi "bài xích Do Thái". Nhóm liên ngành Chống tư tưởng bài xích Do Thái (JTFCAS) thuộc bộ này đã gửi thư cho trường, liệt kê các yêu cầu cần thực hiện và cách báo cáo tiến độ.
JTFCAS khuyến nghị Đại học Harvard tiến hành loạt cải cách như ngăn sinh viên biểu tình, điều chỉnh cơ cấu quản trị và ban lãnh đạo, đổi mới quy trình tuyển sinh và chấm dứt các chương trình về đa dạng, công bằng, hòa nhập (DEI).
Nhưng Đại học Harvard đã khước từ các yêu cầu mà họ coi là "vượt quá thẩm quyền" của chính quyền Trump. Chủ tịch Đại học Harvard Alan Garber ngày 14/4 gửi thư phản hồi JTFCAS, cho rằng những yêu cầu này là hành động can thiệp chưa từng có từ chính phủ nhắm vào cơ sở học thuật, không phù hợp với quyền tự do ngôn luận và vi phạm Đạo luật Dân quyền.
"Chính phủ, dù do đảng nào nắm quyền, cũng không nên định đoạt các đại học nên giảng dạy nội dung gì, có thể tuyển sinh và tuyển mộ sinh viên, giảng viên thế nào, hay theo đuổi lĩnh vực học thuật nào", thư phản hồi của trường có đoạn.
Phản ứng này đã khiến ông Trump tức giận. Chính quyền Trump quyết định đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ ngay trong đêm đó, khiến nhiều hoạt động nghiên cứu tại Đại học Harvard phải dừng lại.

Biểu tượng Đại học Harvard tại trường ở Cambridge, bang Massachusetts ngày 15/4. Ảnh: AP
Harvard là cơ sở dẫn đầu trong nghiên cứu y học, khoa học, công nghệ tiên tiến và phụ thuộc lớn vào ngân sách liên bang. Đây còn là đại học giàu nhất Mỹ, với quỹ hiến tặng trị giá 53 tỷ USD, nhưng hầu hết số tiền bị ràng buộc bởi điều kiện của người hiến tặng.
"Đó không phải một tài khoản thanh toán. Thông thường, chúng đã được phân bổ cho những mục đích nhất định", Howard Bunsis, giáo sư kế toán tại Đại học Eastern Michigan, chuyên gia về tài chính giáo dục đại học, nói.
Do đó, Harvard phụ thuộc đáng kể vào tài trợ liên bang để duy trì hoạt động của mình. Trong năm tài chính 2024, chính phủ Mỹ cấp cho Harvard khoảng 686 triệu USD, tương đương 68% tổng ngân sách được tài trợ. Nếu mất nguồn hỗ trợ này, các nghiên cứu sẽ bị đình trệ hoặc không thể khởi động dự án mới.
Sáng 15/4, giáo sư Sarah Fortune, chủ nhiệm Khoa Miễn dịch và Bệnh truyền nhiễm Trường Y tế Công cộng Harvard T.H. Chan, nhận lệnh phải dừng nghiên cứu cách hệ miễn dịch chống lại bệnh lao, căn bệnh truyền nhiễm có thể giết chết hơn một triệu người mỗi năm.
Nghiên cứu bà Fortune tham gia thuộc dự án tài trợ 60 triệu USD trong 7 năm cho nhiều tổ chức, với mục tiêu tạo ra phương pháp phát hiện và vaccine lao hiệu quả hơn. Dự án thực hiện trên loài linh trưởng và họ đang thử nghiệm vaccine trên loài khỉ vàng, dự kiến hoàn thành vào tháng 12. Nếu không có nguồn tài trợ, họ có thể phải tiêu hủy những con vật này.
"Chúng tôi đã đi được nửa chặng đường", bà Fortune nói. "Phải tiêu hủy những con vật này là điều quá sức tàn nhẫn với tôi".
Nữ giáo sư còn có các khoản tài trợ khác từ Viện Y tế Quốc gia (NIH) cho phòng thí nghiệm 20 người của bà, nhưng chưa biết chúng có bị cắt hay không. Khi được hỏi cảm giác thế nào, bà chỉ nói: "Sợ".
"Đó đơn thuần là hành động trừng phạt. Họ đang giết chết con gà đẻ trứng vàng của khoa học, công nghệ và giáo dục Mỹ", Donald E. Ingber, giám đốc sáng lập Viện Wyss tại Đại học Harvard, nói.
Ingber nhận yêu cầu ngừng hai nghiên cứu sử dụng 20 nhân viên, tổng giá trị gần 20 triệu USD, nằm trong một dự án lớn. Một dự án nghiên cứu tác động của bức xạ với điều kiện sinh học của con người, dự án còn lại nhằm giúp làm sáng tỏ tác động của chuyến bay vũ trụ đối với con người.
"Nó đi ngược lại mọi thứ mà chính quyền này nói về khả năng cạnh tranh quốc tế", Ingber cho biết. "Chúng ta đang chối bỏ lực lượng lao động tương lai. Tình trạng chảy máu chất xám đã bắt đầu".
Đại học Harvard dường như đã chuẩn bị trước để phần nào giảm thiệt hại từ việc bị cắt nguồn tài trợ liên bang. Tuần trước, trường thông báo kế hoạch vay 750 triệu USD từ Phố Wall thông qua phát hành trái phiếu để củng cố ngân sách. Trường cũng đăng danh sách các nghiên cứu có thể bị mất tài trợ.
Harvard không đề cập khả năng rút tiền từ quỹ hiến tặng để bù đắp tổn thất tài trợ liên bang. Người phát ngôn của Harvard nói họ "đang đánh giá các nguồn lực cần thiết để thúc đẩy ưu tiên học thuật và nghiên cứu".
Việc trở thành trường đầu tiên công khai phản đối nỗ lực của ông Trump khiến Harvard đối mặt nhiều nguy cơ khác. Tổng thống Trump đang dọa thu hồi quyền miễn thuế của Harvard.
"Có lẽ Harvard nên bị tước quyền miễn thuế và bị đánh thuế như một thực thể chính trị nếu họ cứ tiếp tục cổ xúy các tư tưởng chính trị, hệ tư tưởng và các hành vi 'bệnh hoạn' được truyền cảm hứng/tài trợ bởi khủng bố?", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social ngày 15/4. "Hãy nhớ rằng, tình trạng miễn thuế hoàn toàn phụ thuộc vào việc hành động vì lợi ích công!".
Quyền miễn thuế giúp đại học này không phải đóng thuế nhà đất, trái phiếu của trường cũng hấp dẫn nhà đầu tư hơn. Một phân tích của Bloomberg ước tính Harvard hưởng lợi từ thuế ít nhất 465 triệu USD trong năm 2023. Do đó, mất quyền này có thể khiến Harvard tổn thất lên đến hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ không có quyền đơn phương tước quyền miễn thuế của Harvard. Sở Thuế vụ Mỹ (IRS) có thể làm điều này, nếu họ phát hiện Harvard tham gia chiến dịch chính trị hoặc vận động hành lang, nhưng luật liên bang cấm tổng thống Mỹ "chỉ đạo trực tiếp hoặc gián tiếp" IRS điều tra cụ thể một bên nào đó về thuế.
IRS chưa bình luận về khả năng điều tra Đại học Harvard.

Tổng thống Donald Trump tại khuôn viên Nhà Trắng ngày 14/4. Ảnh: AFP
Ngoài Harvard, chính quyền Tổng thống Trump còn gây sức ép với hàng loạt trường khác như Đại học Columbia, Pennsylvania, Brown, Princeton, Cornell và Northwestern. Nhà Trắng hồi tháng 2 đã đóng băng 400 triệu USD tài trợ liên bang cho Đại học Columbia, mục tiêu đầu tiên bị nhắm đến, vì cơ sở "không bảo vệ sinh viên trước xu hướng bài xích Do Thái".
Đại học Columbia hồi tháng 3 chấp thuận yêu cầu từ chính quyền Trump, nhưng cơ sở này gần đây chọn lập trường cứng rắn hơn, "không thỏa hiệp" một số vấn đề, dường như được Harvard truyền động lực. Quyền chủ tịch Đại học Columbia Claire Shipman nói bà đã đọc thư phản hồi của Harvard với "sự quan tâm lớn".
"Harvard rõ ràng là một cơ sở mạnh. Và quyết định của họ có thể thúc đẩy các trường khác cùng chung một phản ứng", David Pozen, giáo sư luật Đại học Columbia, nói với AP.
Hiện chưa rõ Đại học Harvard ứng phó thế nào và trụ được trong bao lâu trong cuộc đối đầu với chính quyền Trump. Với giáo sư giáo dục Marybeth Gasman, Đại học Rutgers, quyết định của trường đại học 140 năm tuổi không khiến bà bất ngờ.
"Tôi không nghĩ họ dám làm vậy nếu không dự đoán những tình huống trong tương lai. Họ đã biết ngay từ đầu rằng họ đủ sức chống chịu", bà Gasman nói.
Như Tâm (Theo Washington Post, BBC, USA Today)