Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Vinaseed cho biết trong năm 2025 công ty sẽ đẩy mạnh việc tái cấu trúc công ty. Bên cạnh đó, công ty tập trung vào các thị trường khó tính nhằm bán được giá cao, nâng cao biên lợi nhuận.
Theo tài liệu đại hội cổ đông thường niên 2025 của CTCP Tập đoàn Giống cây trồng Việt Nam (Vinaseed - Mã: NSC), năm nay, ban lãnh đạo đề ra kế hoạch doanh thu 2.750 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 310 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 12% và 14% so với năm trước. Nếu kế hoạch được hoàn thành, đây sẽ là kết quả kinh doanh cao nhất lịch sử doanh nghiệp.

Nguồn: Vinaseed (H.Mĩ tổng hợp)
“2023 và 2022 lợi nhuận trước thuế đi ngang dù doanh số tăng trưởng. Đây là điều tôi trăn trở. Bản thân cá nhân tôi với vai trò là chủ tịch và là nhà đầu tư cũng rất đau đáu vấn đề này làm sao doanh số và lợi nhuận tương đồng. Do đó, chúng tôi mạnh dạn đưa ra mục tiêu kế hoạch kinh doanh kỷ lục. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận cao hơn hơn so với doanh thu”, bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Vinaseed cho biết tại đại hội.

Bà Nguyễn Thị Trà My, Chủ tịch HĐQT Vinaseed (Ảnh: Vinaseed)
Vinaseed cho biết đã sẵn sàng bước vào giai đoạn mới với việc chuẩn bị thương mại hóa bộ sản phẩm chiến lược thích nghi với biến đổi khí hậu, có năng lực canh tranh đặc biệt trong vụ Hè Thu – là vụ mùa khắc nghiệt nhất trong năm và chưa có sản phẩm thực sự dẫn dắt thị trường.
Lãnh đạo công ty cũng chia sẻ rằng sẽ tiếp tục hoàn thiện bộ giải pháp canh tác giảm phát thải để tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng tại Đồng Bằng Sông Cửu Long.
Năm 2024, công ty hàng đầu trong lĩnh vực giống cây trồng ghi nhận doanh thu tăng mạnh 20% lên 2.448 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 2% còn 226 tỷ đồng, do tốc độ tăng chi phí đầu vào cao (giá lúa lương thực tăng 40%) trong khi giá bán không thể tăng mạnh.
Kết quả này vẫn hoàn thành kế hoạch đề ra, do đó Hội đồng quản trị đề xuất chi trả cổ tức đúng kế hoạch là 40% bằng tiền (hơn 70 tỷ đồng), nối dài chuỗi 14 năm liên tiếp trả cổ tức tiền mặt không dưới 30%. Kế hoạch cổ tức cho năm 2025 là 30-40%.
Một nội dung quan trọng khác tại đại hội sắp tới là việc kiện toàn ban lãnh đạo sau khi bà Trần Kim Liên – Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật – từ nhiệm vào giữa tháng 2. Bà Liên là nữ tướng có công lớn đưa Vinaseed trở thành doanh nghiệp đầu ngành, với gần 20 năm gắn bó và điều hành.
Người thay thế là bà Nguyễn Thị Trà My, hiện là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc PAN Group – tập đoàn mẹ của Vinaseed. Bà Trà My còn được biết đến với vai trò lãnh đạo chiến lược ở nhiều doanh nghiệp thành viên trong hệ sinh thái PAN Group như Pan Farm, Thực phẩm Sao Ta (FMC), Khang An...
Pan Farm hiện là cổ đông lớn nhất tại Vinaseed, với tỷ lệ sở hữu trên 80% cổ phần. Cổ phiếu NSC được giao dịch tại 83.500 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị vốn hóa gần 1.500 tỷ đồng.
Tới 8h45 sáng 16/4, Vinaseed ghi nhận có 18 cổ đông và người được ủy quyền tham dự ĐHĐCĐ thường niên 2025, đại diện cho gần 15,6 triệu cp, tương đương 88,69% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Với tỷ lệ này, Đại hội đủ điều kiện tiến hành theo quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ công ty.
Phiên thảo luận
Thị trường Châu Phi nhập khoảng 60 - 70% trong đó, Ấn Độ chiếm 60 - 80% thị phần. Kênh phân phối toàn phải qua các nhà trung gian. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa thể vào trực tiếp. Trong tương lai, Vinaseed có kế hoạch mở rộng chuỗi từ giống đến gạo tại Châu Phi không?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Vinaseed luôn đưa chất lượng lên hàng đầu, tập trung vào thị trường cao cấp. Mấy tháng trước, Châu Phi cũng có phái đoàn sang. Nhưng tại thị trường này rất khó vì giá thấp, trong khi định hướng của Vinaseed là đưa chất lượng lên hàng đầu. Bản thân Tập đoàn PAN (công ty mẹ của Vinaseed) từng xuất khẩu bánh kẹo sang Châu Phi nhưng thất bại do giá bán ở đây quá thấp.
Chúng tôi tập trung vào các thị trường khó tính. Ví dụ như thị trường Nhật, và chúng tôi tự tin về chất lượng với chuỗi cung ứng từ giống đến bàn ăn. Ngoài ra, công ty còn tham gia vào thị trường Úc – vốn cũng rất khó tính.
Chúng tôi chỉ muốn tập trung vào các thị trường khó tính và đây là lợi thế của Vinaseed. Hiện tại, Vinaseed đang trao đổi với các đối tác nước ngoài để đẩy mạnh xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tập trung vào thị trường nội địa. Trước đây, xuất khẩu chiếm 85 - 90%, trong khi thị trường nội địa vẫn còn khiêm tốn. Do đó, thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung nhiều hơn vào nội địa thông qua các chuỗi bán lẻ như Bách Hóa Xanh.
Làm sao để tiết giảm chi phí để nâng biên lợi nhuận?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Khi ở cương vị mới, tôi sẽ tái cấu trúc toàn bộ Vinaseed trong tất cả các mảng, tập trung phát triển R&D (nghiên cứu và phát triển). Việc này rất quan trọng nhằm có sản phẩm tốt đưa ra thị trường.
Bên cạnh đó, chúng tôi tái cấu trúc thị trường tiêu thụ xuất khẩu và thị trường nội địa. Theo đó, sẽ tăng tỷ trọng thị trường nội địa nhiều hơn và đẩy mạnh xuất khẩu vào các thị trường khó tính để có được giá bán cao, biên lợi nhuận lớn.
Với mảng giống, chúng tôi cũng sẽ tái cấu trúc địa bàn tiêu thụ, sáp nhập một số địa bàn hoạt động với nhau để tiết giảm chi phí – điển hình là Quảng Nam. Chúng tôi cũng xem lại chi phí các mảng như bao bì, vận tải, đồng thời tận dụng đầu mới ở các mảng khác.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng cường áp dụng công nghệ, chuyển đổi số, AI...
Kết quả kinh doanh quý I ra sao?
Ông Nguyễn Quang Trường - Tổng Giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Vinaseed: Về kết quả kinh doan quý I, doanh thu đạt 380 tỷ. Lợi nhuận sau thuế đạt 49 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Từ quý II, chúng tôi sẽ đẩy mạnh việc tái cấu trúc, đặc biệt tập trung vào các sản phẩm chính, có bản quyền và biên lợi nhuận cao như gạo nương 9, ngôDiamond 999...
Phương hướng phát triển mảng rau trong thời gian tới?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Mảng rau hiện đang rất yếu, chỉ chiếm phần nhỏ trong doanh thu – khoảng 5%. Chúng tôi cũng đã tái cấu trúc với hy vọng sẽ có những đối tác từ Thái Lan, EU. Ngoài ra, chúng tôi cũng đã tái cấu trúc ban lãnh đạo.
Chúng tôi có chiến lược rõ ràng và hy vọng đưa mảng rau lên tầm cao mới. Sắp tới, chúng tôi cũng đẩy mạnh mảng truyền thông cho rau, đặc biệt là mảng ngô. Vinaseed có kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu ngô sang Campuchia và sẽ gặp một số nhà phân phối tại thị trường này để bán sản phẩm của Vinaseed.
Vinaseed rút kinh nghiệm gì từ Lộc Trời?
Bà Nguyễn Thị Trà My: Thương trường là chiến trường. Sự cố tại Lộc Trời có thể giúp Vinaseed hưởng lợi lúc này, lúc kia, nhưng chúng tôi thực sự không quan tâm đến điều này mà tập trung vào chiến lược 3 - 5 năm đã đề ra. Chúng tôi mong muốn nhiều doanh nghiệp làm bài bản như Vinaseed nhằm đưa ngành nông nghiệp cất cánh.