Khi Hoa Kỳ tăng mạnh các mức thuế quan, mối quan hệ thương mại của nước này đang phải định hình lại. Dưới đây là những điều cơ bản để người tiêu dùng Mỹ hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động của loại thuế này.
Thuế quan là gì?
Về mặt kỹ thuật, thuế quan, hay còn gọi là thuế nhập khẩu, là loại thuế áp dụng lên hàng hóa nhập khẩu hoặc xuất khẩu, nhưng hầu hết luôn nhắm đến hàng nhập khẩu. Thuế này thường tính theo tỷ lệ phần trăm giá trị của hàng hóa (khai báo trong quá trình thông quan) và áp dụng dựa trên quốc gia xuất xứ của mặt hàng.
Ai là người trả thuế quan?
Thuế quan được trả trực tiếp bởi nhà nhập khẩu hoặc một bên trung gian đại diện cho nhà nhập khẩu. Các nghiên cứu cho thấy chi phí từ thuế quan thường phân bổ rộng rãi, nhà xuất khẩu và người tiêu dùng đều phải chịu một phần gánh nặng.
Làm thế nào để Hoa Kỳ thu và thực thi thuế quan?
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ chịu trách nhiệm ban hành các quy định về việc thu thuế quan, nhưng Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ là cơ quan thực thi tại gần 330 cửa khẩu trên toàn nước Mỹ, bao gồm các điểm qua biên giới đường bộ, đường sắt, cảng biển và sân bay. Các nhân viên của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ kiểm tra tài liệu, thực hiện kiểm toán và thu các khoản thuế cũng như tiền phạt.
Hàng hóa qua biên giới được phân loại bằng mã số dưới hệ thống danh mục chuẩn hóa quốc tế gọi là “Hệ thống phân loại hàng hóa quốc tế”. Thuế quan có thể áp dụng cho các mã sản phẩm cụ thể (như khung gầm xe tải) hoặc các danh mục rộng hơn (như xe điện).
Một số hàng hóa và linh kiện có thể qua lại biên giới nhiều lần trước khi trở thành sản phẩm hoàn chỉnh. Ví dụ, một chiếc xe hơi với các bộ phận sản xuất tại Hoa Kỳ được lắp ráp ở Mexico rồi tái nhập vào Mỹ. Theo quy định của Cục Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ, các sản phẩm sản xuất tại Mỹ tái nhập mà không được “cải thiện” hoặc “gia tăng giá trị” sẽ được miễn thuế.
Một ví dụ khác, nếu Mỹ xuất khẩu vàng sang Ấn Độ để chế tác thành bông tai, sản phẩm cuối cùng sẽ bị đánh thuế khi tái nhập vào Mỹ, ngay cả giá trị của vàng cũng bị tính thuế.
Tiền từ thuế quan đi đâu?
Số tiền này được thu tại thời điểm thông quan và nộp vào Quỹ Chung của Bộ Tài chính Hoa Kỳ. Nếu nhà nhập khẩu không khai báo chính xác số lượng, loại hoặc nguồn gốc của hàng hóa, dù cố ý hay do sơ suất, họ sẽ phải chịu phạt.
Nếu người tiêu dùng Mỹ đặt mua trực tiếp từ nhà xuất khẩu nước ngoài thì sao?
Hiện tại, các kiện hàng có giá trị bán lẻ không vượt quá 800 USD sẽ không bị đánh thuế nhờ vào quy định miễn trừ “de minimis” - một thuật ngữ Latin có nghĩa là “quá nhỏ để đáng kể”.
Tuy nhiên, chính quyền Trump đã tuyên bố sẽ loại bỏ lỗ hổng này đối với hàng hóa từ Trung Quốc và Hồng Kông kể từ ngày 02/05. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến người tiêu dùng vốn quen thuộc với các mặt hàng giá rẻ từ các nền tảng trực tuyến như Shein và Temu. Theo một tài liệu của Nhà Trắng, các kiện hàng từ Trung Quốc hoặc Hồng Kông có giá trị 800 USD trở xuống sẽ bị áp mức thuế 30% giá trị hoặc 25 USD mỗi món hàng; con số này sẽ tăng lên 50 USD sau ngày 01/06. Tài liệu cũng nêu rõ rằng đơn vị vận chuyển kiện hàng phải báo cáo chi tiết lô hàng cho cơ quan hải quan và nộp khoản thuế theo lịch trình cố định.
Chính quyền cũng cho biết sẽ sớm áp dụng việc bãi bỏ quy định miễn trừ “de minimis” đối với phần còn lại của thế giới.
Nếu người tiêu dùng Mỹ mua đồ ở nước ngoài rồi mang về nước thì sao?
Ngưỡng miễn trừ 800 USD cũng áp dụng cho những người mang đồ về Mỹ sau khi mua ở nước ngoài, tuy nhiên vẫn có một số ngoại lệ. Ví dụ, tác phẩm nghệ thuật cao cấp được miễn thuế, nếu ai đó mua một bức tranh trị giá 5,000 USD ở Ý thì sẽ không bị đánh thuế. Tuy nhiên, có giới hạn về số lượng thuốc lá hoặc đồ uống có cồn được phép mang vào Mỹ mà không bị đánh thuế. Nếu cá nhân đó đã rời khỏi Mỹ hơn một lần trong vòng 30 ngày qua thì mức miễn trừ giảm xuống còn 200 USD.