Các nhà đầu tư đã mất 25.7 tỷ USD trong các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) có đòn bẩy vào cuối tuần trước, đánh dấu sự sụp đổ lớn nhất từ trước đến nay của các quỹ rủi ro cao này, vốn đã thu hút lượng lớn dòng tiền từ các nhà giao dịch nhỏ lẻ những năm gần đây nhằm tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng.
Các quỹ này vốn khuếch đại lợi nhuận hàng ngày của cổ phiếu hoặc chỉ số lên đến 5 lần, đã mất gần 1/4 giá trị vào hôm 3 và 04/04 trước cuộc chiến thương mại của Trump và sự sụp đổ của thị trường tài chính, theo tính toán của FactSet.
"Volmageddon" là thuật ngữ dùng để chỉ sự kiện xảy ra vào ngày 05/02/2018, khi chỉ số biến động Cboe (VIX) tăng đột biến, gây ra sự sụp đổ lớn trong các sản phẩm tài chính liên quan đến chiến lược bán khống biến động (short volatility). Đây là một trong những sự kiện đáng chú ý nhất trong lịch sử thị trường tài chính. |
Điều này vượt qua các khoản lỗ tồi tệ nhất trước đó được ghi nhận trong hai ngày riêng biệt vào thời điểm sụp đổ tháng 3/2020 – giai đoạn COVID-19, khi các quỹ ETF có đòn bẩy mất 9.1 tỷ USD và 5.6 tỷ USD tương ứng, cùng với sự kiện “Volmageddon” năm 2018 với tổn thất lớn của các quỹ ETF bán khống.
Thị trường chứng khoán toàn cầu đã lao dốc trong ba ngày giao dịch từ hôm 03/04 đến 07/04 sau một làn sóng “thuế quan đối ứng” áp dụng lên hàng chục đối tác thương mại của Mỹ có hiệu lực từ 09/04.
Các kế hoạch này bổ sung cho mức thuế phổ quát 10% được công bố vào “ngày giải phóng” của Trump vào tuần trước. Các khoản lỗ nhấn mạnh rủi ro đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong lĩnh vực đang phát triển nhanh chóng này, với hơn 650 quỹ trên toàn thế giới kể từ khi được giới thiệu vào năm 2006.
“Những sản phẩm này giống như những con dao sắc bén”, Elisabeth Kashner - Giám đốc phân tích quỹ toàn cầu tại FactSet, nhận xét. “Chúng chỉ nên được sử dụng cho những mục đích rất cụ thể và người sử dụng chúng phải biết rõ mình đang làm gì”.
Khoản lỗ lớn nhất tính theo phần trăm thuộc về Leverage Shares 4x Long Semiconductors ETP có trụ sở tại Ireland, giảm tới 59.1% trong hai ngày, theo FactSet.
3 quỹ ETF khác của Leverage Shares là 5x Long Magnificent 7, 3x Boeing, và 3x Arm đều mất hơn 50%.
Tính theo giá trị USD, khoản lỗ lớn nhất trong số quỹ ETF có đòn bẩy thuộc về ProShares UltraPro QQQ trị giá 20 tỷ USD niêm yết tại Mỹ, dựa trên chỉ số Nasdaq tập trung vào công nghệ, giảm tới 6.3 tỷ USD.
“Tất cả xoay quanh ngành bán dẫn và công nghệ. Những khoản lỗ lớn nhất tính theo phần trăm nằm ở các quỹ ETF đơn cổ phiếu”, Kashner nhận định.
Mặc dù Mỹ là thị trường lớn nhất cho các quỹ ETF có đòn bẩy, mức đòn bẩy tại đây bị giới hạn ở mức 3 lần, giúp giảm thiểu một phần tổn thất. Không có dấu hiệu nào cho thấy bất kỳ quỹ ETF nào không hoạt động đúng như dự kiến.
Kenneth Lamont, chuyên gia nghiên cứu tại Morningstar, cho rằng các nhà đầu tư nhỏ lẻ đặc biệt dễ bị tổn thất nặng nề từ những sản phẩm rủi ro cao như vậy. “Họ không có tất cả lợi thế của một tổ chức lớn và không có ưu thế vượt trội. Vì vậy việc sở hữu một sản phẩm cho phép họ nhân 3 lần đặt cược có thể không phải là ý tưởng tốt nhất”, ông nói thêm.