Phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ hai trong tháng 4 thảo luận nhiều dự án luật quan trọng, trong đó Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ rào cản, xử lý nợ xấu, cải thiện môi trường kinh doanh và thực hiện đúng cam kết quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Chiều 18/04, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề pháp luật lần thứ hai trong tháng 4, nhằm cho ý kiến về năm dự án luật quan trọng chuẩn bị trình Quốc hội.
Các dự án gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng.
Theo Chính phủ, các dự án luật có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thiện quy hoạch phù hợp với mô hình tổ chức bộ máy sau sắp xếp đơn vị hành chính; mở rộng không gian phát triển địa phương; tăng cường phân cấp tài chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; hoàn thiện khung pháp lý xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng. Dự kiến, các dự án sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, khai mạc vào tháng 5 tới.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu tháo gỡ các vướng mắc thể chế, tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi. "Phải cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp. Tăng cường phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, hiệu quả giữa các cơ quan. Ai làm tốt nhất thì giao việc", Thủ tướng nói.
Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu tiếp tục phân cấp, phân quyền tối đa cho địa phương đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, kiểm tra, giám sát quyền lực, phát huy tính chủ động, sáng tạo ở các cấp, các ngành. Thủ tướng nhấn mạnh phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".
Thủ tướng yêu cầu xóa bỏ tư duy "không biết mà vẫn quản, không quản được thì cấm”, thay bằng nguyên tắc “không biết thì không quản". "Ai làm tốt nhất thì giao việc. Những gì doanh nghiệp và người dân làm tốt hơn thì thiết kế quy định để họ làm", Thủ tướng nói.
Về dự án Luật Doanh nghiệp sửa đổi, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần không được phát sinh thêm thủ tục, ngược lại phải cắt giảm ít nhất 30% thủ tục, thời gian và chi phí tuân thủ. Luật cần đảm bảo quyền tự do kinh doanh, khuyến khích người dân, doanh nghiệp đưa vốn vào sản xuất, kinh doanh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tăng hậu kiểm thay vì tiền kiểm, giải phóng sức sản xuất và khai thác hiệu quả nguồn lực đất nước.
"Phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế của Việt Nam, các FTA đã ký kết. Đồng thời nghiên cứu dùng dự án luật này để sửa nhiều luật khác, gỡ những mâu thuẫn, bất cập. Khi người ta bỏ tiền ra kinh doanh, tạo việc làm, sinh kế thì không có lý do gì lại gây phiền hà, ách tắc cho họ", Thủ tướng nêu rõ.
Về Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi, Thủ tướng yêu cầu rà soát và thiết kế chính sách theo hướng đổi mới mạnh mẽ, đột phá. Thủ tướng nhấn mạnh cần nuôi dưỡng nguồn thu, giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, kiểm soát hiệu quả nợ công và bội chi. Trong bối cảnh tình hình biến động nhanh, cần tăng ngân sách dự phòng, phân cấp mạnh hơn, phát huy vai trò giám sát của Quốc hội và chủ động của các cơ quan điều hành.
Thủ tướng đề xuất nâng mức vốn của các dự án quan trọng quốc gia cần báo cáo Quốc hội để phù hợp với quy mô nền kinh tế. Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu nâng cao vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương, xóa bỏ cơ chế xin-cho, tăng cường cơ chế thưởng phạt rõ ràng, kịp thời.
Với nhóm dự án luật sửa đổi liên quan đến đấu thầu, đầu tư công, hải quan, thuế, quản lý tài sản công, Thủ tướng yêu cầu điều chỉnh nhằm phù hợp với sắp xếp chính quyền địa phương và thúc đẩy tăng trưởng. Thủ tướng chỉ đạo xây dựng quy định bảo đảm đấu thầu hay chỉ định thầu đều phải hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, không đội giá. Chính phủ cũng nghiên cứu mở rộng hợp tác công - tư cho mọi lĩnh vực và phân biệt rõ tiêu chí giữa nhà đầu tư và nhà thầu, xử lý nghiêm hành vi gian lận thuế.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu rà soát toàn bộ hệ thống pháp luật, cụ thể hóa các chủ trương lớn của Đảng, đặc biệt là theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và Nghị quyết của Chính phủ. "Cắt giảm thủ tục rườm rà, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; đẩy mạnh số hóa, bảo đảm an toàn, an ninh mạng để giảm tiếp xúc trực tiếp, tăng minh bạch, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí", Thủ tướng nêu rõ.