Theo Đông Hải
Thị trường Việt Nam khởi động tuần giao dịch mới với một số thông tin: Cập nhật doanh nghiệp: NHTMCP Công thương Việt Nam (HOSE:CTG (HM:CTG)) và nhận định xu hướng kỹ thuật đối với VN-Index. Dưới đây là những thông tin chi tiết:
1. Cập nhật doanh nghiệp: NHTMCP Công thương Việt Nam (HOSE:CTG)
Theo SSI (HM:SSI) Research, KQKD Q3/2020: Tương tự với các ngân hàng thương mại quốc doanh khác, CTG ghi nhận diễn biến tích cực của tổng thu nhập hoạt động (TOI) trong Q3 nhờ
- Lợi suất tiền gửi giảm
- CASA cải thiện
- Mảng ngân hàng bán lẻ hồi phục
- Lãi từ kinh doanh ngoại hối
- Thu từ nợ đã xử lý (writebacks).
TOI trong Q3/20 của CTG đạt 11.5 nghìn tỷ đồng (+10.9% YoY). Tuy nhiên, việc tăng trích lập dự phòng khiến lợi nhuận sau thuế giảm -7% YoY, đạt 2.9 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 9T2020, LNTT tăng trưởng 22.6% YoY chủ yếu do CIR (tỷ lệ chi phí hoạt động) giảm -3.1% YoY. Tỷ lệ nợ xấu của CTG tăng 12.4% QoQ / +66% YTD, mức cao nhất trong số các ngân hàng niêm yết.
Ước tính KQKD. Trong báo cáo gần nhất, chúng tôi đã hạ dự phóng LNTT năm 2020 và 2021F của ngân hàng về 9.8 nghìn tỷ đồng (-17.2% YoY) và 10.9 nghìn tỷ đồng (+11.3% YoY), do làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 2 vào tháng 7 có thể khiến mức trích lập dự phòng nợ xấu trong nửa cuối năm tăng mạnh, bên cạnh chương trình cắt giảm lãi suất được duy trì nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19.
Tuy nhiên, với việc Việt Nam kiểm soát tốt diễn biến của dịch bệnh, cùng với động lực đến từ lãi suất đầu vào thấp, KQKD của CTG diễn biến tốt hơn kỳ vọng. Do vậy, chúng tôi điều chỉnh tăng dự phóng 2020F và 2021F của CTG lên 10.8 nghìn tỷ đồng (-8.1% YoY) và 15.5 nghìn tỷ đồng (+43.1% YoY). Mức dự phóng mới được điều chỉnh dựa trên 2 yếu tố chính:
- NIM cải thiện trong Q4/2020 và 2021 do (i) làn sóng bùng phát Covid-19 lần 2 sớm được kiểm soát giúp thời hạn các khoản cho vay ưu đãi của CTG được rút ngắn; quy mô các khoản nợ tái cấu trúc trong Q3/2020 gần như tương đương với quý liền trước, đồng thời ngân hàng ước tính khoản mục này không có tăng trưởng đáng kể cho đến cuối năm 2020. Do vậy, chúng tôi kỳ vọng lợi suất cho vay bình quân sẽ cải thiện; (ii) cho vay cá nhân và DN vừa và nhỏ với lợi suất cao sẽ chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu cho vay; (iii) lãi suất tiền gửi duy trì ở mức thấp, trong bối cảnh CTG vừa cắt giảm lãi suất tiền gửi thêm 0.2% - 0.4% trong tháng 10, sau khi cắt giảm 0.9 – 1.2% trong Q3/2020.
- Trích lập dự phòng cao hơn trong năm 2020 do xử lý trái phiếu VAMC và nợ xấu. Chi phí dự phòng dự kiến tăng lên vào Q4/2020 khi CTG tập trung xử lý trái phiếu VAMC và nợ xấu mới hình thành, do đó chi phí dự phòng trong năm nay ước tăng 23.5% YoY. Trong năm 2021, chi phí dự phòng được dự báo giảm -20.5% YoY do ngân hàng đã tập trung xử lý trái phiếu VAMC trong năm 2020.
Quan điểm đầu tư
Với mức giá 33,300 đồng/cp, CTG đang giao dịch tại mức P/B 2020F và 2021F là 1.51 lần và 1.37 lần, cao hơn so với mức bình quân ngành là 1.48 lần và 1.25 lần. Chúng tôi cho rằng Nghị định 121/2020/NĐ-CP sẽ giúp CTG nhanh chóng gia tăng vốn cấp 1. Theo đó, CTG sẽ tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu cho giai đoạn 2017-2018 thay vì thanh toán cổ tức tiền mặt trước. Thêm vào đó, CTG vẫn có khả năng phát hành cổ phần mới cho nhà đầu tư ngoài nhà nước để tăng vốn miễn là cổ đông nhà nước sẽ góp thêm vốn để duy trì tỷ lệ sở hữu theo quy định.
Trong một thời gian dài, cổ phiếu CTG giao dịch với mức P/B thấp hơn so với các ngân hàng quốc doanh khác (P/B 2021F của VCB (HM:VCB) và BID (HM:BID) lần lượt đạt 2.78x và 1.86x) do nhà đầu tư lo ngại về khả năng tăng trưởng KQKD cũng như chất lượng tài sản. Tuy nhiên, lo ngại của nhà đầu tư đang dần được tháo gỡ với sự xuất hiện của Nghị định 121. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của CTG sẽ tăng trưởng trong năm 2021F sau khi toàn bộ trái phiếu VAMC được xử lý trong năm 2020. Môi trường lãi suất thấp sẽ giúp cho nhiều cổ phiếu trên thị trường được định giá lại, trong đó lĩnh vực ngân hàng là một trong các nhóm tiêu biểu. Do vậy, chúng tôi nâng mức P/B mục tiêu đối với CTG từ 1.2 lần lên 1.6 lần. Chúng tôi tăng giá mục tiêu 1 năm của CTG từ 27,200 đồng lên 38,700 đồng/cổ phiếu. Định giá của chúng tôi chưa tính đến tỷ suất cổ tức tiền mặt 1.5% trả cho năm 2019 (dự kiến được thanh toán vào Q4/2020) cũng như khoản thu nhập phí trả trước (upfront fee) đối với một hợp đồng bancassurance có tiềm năng ký kết trong tương lai. Chúng tôi nâng đánh giá đối với CTG từ Khả quan (Outperform) lên Mua (Buy).
2. Nhận định xu hướng kỹ thuật đối với VN-Index, VN30
Theo SSI Research, tuần giao dịch gần nhất chứng kiến mức tăng +2.45% của VN-Index, đi cùng với thanh khoản qua kênh khớp lệnh cải thiện (+18%). Với riêng phiên giao dịch ngày thứ Sáu, chỉ số đại diện sàn HOSE ghi nhận phiên tăng điểm thứ 4 liên tiếp với khối lượng khớp lệnh duy trì trên ngưỡng bình quân 50 ngày. Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng rủi ro đang lớn dần khi VN-Index đang tiến vào vùng cản tâm lý 990 – 1000 điểm. Chỉ báo Short-term CO của chúng tôi hiện đang đạt mức 0.75, tiệm cận vùng quá mua (0.8), thông thường khi chỉ báo này đi vào vùng quá mua sẽ báo hiệu khả năng đảo chiều của chỉ số. Lực cung có thể gia tăng quanh vùng kháng cự 990 – 1000 điểm của VN-Index, trong trường hợp áp lực bán dứt khoát, chỉ số có thể ghi nhận một nhịp giảm điểm đáng kể. Hỗ trợ mạnh tiếp theo của chỉ số hiện đang nằm ở vùng 970 điểm. Tương tự, VN30 Index nhiều khả năng sẽ điều chỉnh từ vùng kháng cự 950 – 960 điểm. Vùng hỗ trợ mạnh tiếp theo của chỉ số hiện đang nằm ở vùng 945 điểm.
Khuyến nghị: Hạ tỷ trọng khi VN Index vận động quanh vùng 990 – 1000 điểm