Theo Đông Hải
Rủi ro đang gia tăng khi VN Index tiệm cận vùng cản tâm lý 1000 điểm, khởi công xây dựng đối với dự án sân bay Long Thành trong tháng 12 và thương hiệu Việt Nam trong nhóm ngành dệt may, da giày cần được đẩy mạnh trên thị trường trong và ngoài nước… là một số thông tin cần lưu ý ngày hôm nay thứ Ba 24/ 11, cập nhật những thông tin chi tiết:
1. Rủi ro đang gia tăng khi VN Index tiệm cận vùng cản tâm lý 1000 điểm
Theo SSI (HM:SSI) Research, quan điểm kỹ thuật đối với các chỉ số thị trường không thay đổi sau phiên gần nhất, theo đó rủi ro đang gia tăng khi VN Index tiệm cận vùng cản tâm lý 1000 điểm. Lực bán nhiều khả năng sẽ xuất hiện từ vùng kháng cự này khiến chỉ số điều chỉnh. Chỉ báo Short-term CO đang ghi nhận ở ngưỡng 75.14%, tiệm cận vùng quá mua (>80%), thông thường khi chỉ báo này di chuyển vào vùng quá mua này, chỉ số thị trường nhiều khả năng sẽ điều chỉnh. Vùng hỗ trợ tiếp theo của VN Index là 970 điểm.
Tương tự đối với VN30, chỉ số đại diện cho nhóm Largecap nhiều khả năng sẽ điều chỉnh từ vùng kháng cự 960 điểm. Vùng hỗ trợ mạnh đối với VN30 là 945 điểm.
Khuyến nghị: Hạ tỷ trọng khi VN Index vận động quanh vùng 1000 điểm, lưu ý nhà đầu tư chốt lời 50% (số lượng cổ phiếu) đối với cổ phiếu có mức lợi nhuận/rủi ro đang tiến về 1.
2. ACV (HN:HN:ACV) khởi công xây dựng đối với dự án sân bay Long Thành trong tháng 12
Lãnh đạo Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết đang gấp rút hoàn thành các hồ sơ, tài liệu, quy trình thủ tục đầu tư, nhận bàn giao đất theo quy định của pháp luật để khởi công Dự án vào cuối tháng 12/2020.
Tổng mức đầu tư dự án thành phần này lên tới hơn 99,000 tỷ đồng bằng nguồn vốn của ACV, không sử dụng bảo lãnh Chính phủ.
Về nguồn vốn, vốn tự có của ACV đến từ 2 nguồn. Thứ nhất là 29,225 tỷ đồng tiền mặt hiện có và dòng tiền tích lũy trong giai đoạn 2020-2025 dành riêng cho Dự án là 6,877 tỷ đồng. Số còn lại dự kiến được ACV huy động dưới nhiều hình thức như vay thương mại, phát hành trái phiếu doanh nghiệp cho thị trường trong nước và quốc tế... Hiện nay, 22 tổ chức đã ký thỏa thuận bảo mật thông tin để trao đổi về dự án, trong đó 12 tổ chức đã ký biên bản ghi nhớ về mong muốn tài trợ cho dự án với tổng giá trị đề xuất hơn 143,000 tỷ đồng, nhiều hơn nhu cầu vốn cần huy động.
Để có thể khởi công Dự án ngay trong tháng 12/2020, hiện ACV có 2 yếu tố thuận lợi cơ bản. Thứ nhất là công tác giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện, phần đất cần thiết cho Giai đoạn 1 đã được Tỉnh bàn giao cho Bộ GTVT. Thứ hai là nguồn vốn được đảm bảo đầy đủ, sẵn sàng.
Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư hơn 109,000 tỷ đồng, tương đương 4.664 tỷ USD với mục tiêu xây dựng 1 cảng hàng không quốc tế cấp 4F tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai gồm 1 đường cất hạ cánh, 1 nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm trên diện tích sàn 373,000 m2; 1.2 triệu tấn hàng hóa/năm. Thời gian thực hiện Dự án là từ 2020 đến 2025.
3. Thương hiệu Việt Nam trong nhóm ngành dệt may, da giày cần được đẩy mạnh trên thị trường trong và ngoài nước
Theo Vietstock, kim ngạch xuất khẩu của ngành dệt may, da giày Việt Nam có giảm nhưng mức giảm không nhiều. Do kiểm soát tốt dịch COVID-19 nên tạo niềm tin cho các nhà nhập khẩu. Các đơn hàng tương đối ổn định.
Theo Tập đoàn Dệt may, dự báo hết năm 2020, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may toàn cầu giảm 20% so với năm 2019, đạt khoảng 600 tỷ USD. Sau 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 25.6 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm này thấp hơn nhiều các quốc gia khác, đặc biệt trong bối cảnh tổng cầu dệt may thế giới giảm 25%. Dự báo năm 2020, ngành dệt may Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 33.5-34 tỷ USD. Thu nhập bình quân toàn Tập đoàn 9 tháng đầu năm 2020 là 7.79 triệu đồng/người/tháng, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2019.
Ngành dệt may, da giày có vai trò quan trọng, sử dụng số lượng lao động rất lớn, đến 4.3 triệu người. Xuất khẩu của ngành chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch quốc gia, năm 2019, 2 ngành này đã xuất khẩu 62 tỷ USD, tương đương 24% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.
Ngành cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu Việt Nam, liên kết chuỗi cung ứng, phát triển công nghiệp phụ trợ. Đổi mới, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp trong tình hình mới, “nhanh, quyết liệt để chiếm lĩnh, phát triển”. Tăng cường chuyển đổi số trong quản lý, vận hành doanh nghiệp dệt may, đưa doanh nghiệp dệt may tiếp cận với không gian chung của ngành thời trang thế giới. Tiếp tục tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, kể cả những yếu tố mới mà hiệp định RCEP mang lại, nhất là phát triển, mở rộng ngành sản xuất nguyên liệu, tăng tỷ lệ giá trị gia tăng, chủ động hơn trong chuỗi cung ứng. Cần “tăng trưởng xanh” trong phát triển ngành dệt may, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, áp dụng kinh tế tuần hoàn. Tiếp tục nâng cao mức độ tự động hóa, nâng cao giá trị làm ra của một lao động để tăng thu nhập.