Masan Consumer cho biết thời gian tới sẽ tập trung vào chiến lược cao cấp hoá sản phẩm và vươn ra thế giới.
Tại cuộc họp thường niên sáng 25/4, Masan Group đặt trên bàn cho cổ đông một hộp quà, kèm lưu ý không mở khi chưa được ban tổ chức thông báo. Dòng lưu ý này khiến các cổ đông dự họp tò mò.

Chiếc hộp bí ẩn được Masan Group phát cho cổ đông đầu cuộc họp. (Ảnh: Đức Huy).
Trong phần phát biểu của ông Trương Công Thắng - Tổng Giám đốc Masan Consumer, đã tiết lộ thứ có trong hộp quà đóng kín. Đó là các sản phẩm nước tăng lực, cà phê sữa phát triển riêng cho thị trường Việt Nam cùng Manchester City - một trong những đội bóng hàng đầu nước Anh.
“Chúng tôi đang đặt bút ký hợp đồng chính thức với Manchester City, và Wake-up 247 là đối tác chính thức về nước tăng lực của Manchester City tại thị trường Việt Nam. Chúng tôi sẽ có quảng cáo trên sân vận động Etihad của Manchester City”, ông Thắng thông báo.
Ngoài Masan Group, mới đây FPT - một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, cũng đã bắt tay với CLB bóng đá Chelsea để hợp tác đầu tư. Giá trị thương vụ không được tiết lộ.
Trước đó, Footy Headlines đưa tin Chelsea đang đàm phán với FPT Software để trở thành nhà tài trợ chính. Hợp đồng có thể trị giá khoảng 60 triệu bảng mỗi năm. Tuy nhiên, thời điểm đó FPT đã phủ nhận thông tin này.

Sản phẩm có trong "hộp mù", hợp tác với Man City của Masan Consumer. (Ảnh: Đức Huy).
Chiến lược ra thế giới và cao cấp hoá sản phẩm
Trở lại với Masan Consumer, ông Thắng cho biết một trong những chiến lược 5 năm tới của doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng này là vươn ra thế giới.
“Khi ẩm thực Việt ngày càng được yêu thích trên toàn cầu, hành trình "Go Global" của chúng ta sẽ không chỉ dừng lại ở việc phục vụ hơn 100 triệu người tiêu dùng trong nước, mà còn là mang hương vị Việt vươn xa đến với bạn bè năm châu”, ông Thắng nói.
Theo Masan, hiện các sản phẩm của Masan Consumer đã có mặt tại 26 thị trường, bao gồm Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Trong đó, doanh thu từ thị trường quốc tế năm ngoái tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài chiến lược ra nước ngoài, Masan Consumer tiếp tục theo đuổi mô hình cao cấp hoá sản phẩm. Họ cho biết điều này sẽ trở thành trụ cột tăng trưởng chính của doanh nghiệp khi người tiêu dùng ngày càng nâng cao nhu cầu về sự tiện lợi, phát kiến mới và chất lượng sản phẩm.
“Trong năm 2024, chúng tôi đã thành công trong việc thức đẩy người tiêu dùng nâng cấp từ các dòng sản phẩm phổ thông lên các dòng cao cấp hơn. Ví dụ, người tiêu dùng đã chuyển dịch từ nước mắm Nam Ngư Đệ Nhị lên Nam Ngư Đệ Nhất, và từ Nam Ngư lên Chinsu”.

Tổng Giám đốc Masan Consumer Trương Công Thắng. (Ảnh: Đức Huy).
Thương hiệu Omachi đã tăng trưởng 13% so với cùng kỳ năm trước trong năm 2024. “Omachi đã thành công mở rộng thị phần bất chấp những khó khăn kinh tế, và mang về doanh thu từ phân khúc cao cấp cao hơn phân khúc phổ thông 2,2 lần”, ông Thắng nói.
Vị Tổng Giám đốc cho biết Masan Consumer sẽ theo đuổi triết lý “ít mà chất” bằng cách tập trung vào các sản phẩm hiệu suất cao và loại bỏ các SKU (Stock Keeping Unit - đơn vị lưu kho) kém hiệu quả. Khoảng 20% SKU hàng đầu đang đóng góp đến 80% tổng doanh thu, vì vậy Masan Consumer nhận định khi tập trung vào các sản phẩm cốt lõi giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và vận hành.
Năm 2024, Masan Consumer đạt doanh thu thuần 30.897 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế 7.921 tỷ đồng, tăng 10% so với năm trước. Năm nay, doanh nghiệp này đặt mục tiêu tăng trưởng doanh thu hai chữ số từ 8% đến 15%, tương ứng với mức tăng từ 33.500 tỷ đồng tới 35.500 tỷ đồng.
Kế hoạch IPO các công ty thành viên
Tại cuộc họp, trả lời cổ đông về việc liệu Masan Group có kế hoạch IPO CrownX hay WinCommerce không. Ông Danny Le - Tổng Giám đốc, cho biết hiện tại, họ sẽ tập trung vào việc IPO Masan Consumer, theo đúng kế hoạch đã đề ra.
“Mục tiêu IPO là vào quý III, tùy thuộc vào việc chiến tranh thương mại có ảnh hưởng như thế nào đến thị trường vốn. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng các nhà đầu tư sẽ nhận thấy dòng vốn đang dịch chuyển từ các thị trường phát triển như Mỹ sang châu Á, đặc biệt là vào lĩnh vực hàng tiêu dùng thiết yếu.
Do đó, chúng tôi có thể kiên nhẫn với mục tiêu quý III, hoặc chậm nhất là quý I năm sau, cho quá trình IPO nhằm chuyển đổi Masan Consumer từ sàn UPCoM sang HOSE”, ông Danny Le thông tin.
Cổ đông cũng hỏi về đợt phát hành quyền mua của Masan Consumer – vì sao thực hiện và bối cảnh ra sao? Ông Danny Le cho biết Masan Consumer gần đây đã công bố một đợt phát hành quyền mua, và hiện đợt này gần như đã hoàn tất.
“Một trong những lý do chính là để tăng tính linh hoạt tài chính, phục vụ cho đợt IPO sắp tới, và hỗ trợ mức giá cổ phiếu phù hợp hơn, từ đó tăng thanh khoản khi niêm yết. Đồng thời, việc này không làm thay đổi mục tiêu sở hữu lâu dài của Masan trong Masan Consumer – chúng tôi vẫn giữ tỷ lệ sở hữu chi phối (super majority) sau khi IPO”, ông Danny Le khẳng định.