Chứng khoán Mỹ có phiên trái chiều giữa các chỉ số chính trong ngày thứ Năm (17/4), khi các nhà đầu tư phản ứng tích cực với tiến trình đàm phán thương mại của Mỹ với Nhật Bản.
Các nhà giao dịch đã lạc quan hơn, sau những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump về "tiến bộ lớn" trong các cuộc đàm phán thương mại song phương với Nhật Bản và cả Liên minh châu Âu.
Ông Trump cũng nói với các phóng viên rằng ông hy vọng sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, mặc dù ông không đưa ra dấu hiệu nào về cách thức các cuộc đàm phán sẽ được tiến hành tại thời điểm này.
Cổ phiếu đáng chú ý nhất phiên này là Eli Lilly tăng hơn 14%, sau khi nhà sản xuất dược phẩm cho biết loại thuốc thử nghiệm Ozempic giúp giảm lượng đường trong máu trên các bệnh nhân tiểu đường.
Trong khi đó, UnitedHealth giảm tới 23% và ảnh hưởng mạnh đến Dow Jones, sau khi công ty bảo hiểm hạ dự báo lợi nhuận năm nay, với dự báo chi phí y tế cao trong thời gian còn lại của năm.
Trong một động thái bất ngờ khác, Tổng thống Donald Trump muốn “sa thải” chủ tịch Fed Jerome Powell ngay lập tức, nhấn mạnh mong muốn việc Fed hạ lãi suất như ông mong muốn không xảy ra.
Kết thúc phiên 17/4: Chỉ số Dow Jones giảm 527,16 điểm (-1,33%), xuống 39.142,23 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 7 điểm (-0,13%), xuống 5.282,70 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 20,71 điểm (-0,13%), xuống 16.286,45 điểm.
Chứng khoán châu Âu giảm nhẹ, sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có quyết định giảm lãi suất đúng như dự báo, trong khi các nhà đầu tư phân tích lợi nhuận của các doanh nghiệp để đánh giá tác động từ chính sách thương mại thất thường của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu giảm 0,13% xuống 506,42 điểm và ghi nhận mức tăng 4% trong tuần (thị trường sẽ nghỉ giao kéo dài bốn ngày, từ thứ Sáu Tuần Thánh đến thứ Hai Phục sinh).
Kết thúc cuộc họp thường kỳ, ECB đã cắt giảm lãi suất đúng như dự kiến, lần thứ 7 trong một năm qua, đưa lãi suất tiền gửi về 2,25%, trong một động thái nhằm củng cố niềm tin vào nền kinh tế, vốn đã gặp khó khăn khi chính sách thuế quan bất thường của Mỹ và sự không chắc chắn đè nặng đến tiêu dùng và đầu tư.
Mặt khác, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý đầu tiên của năm 2025 đang diễn ra chưa như kỳ vọng, với Hermes của Pháp mất 3,2% sau khi nhà sản xuất túi Birkin công bố doanh số bán hàng sụt giảm, trong khi một nhãn hàng xa xỉ khác là LVMH cũng báo cáo doanh số bán hàng giảm 5% trong quý vừa qua.
Các nhà phân tích đã cắt giảm triển vọng về lợi nhuận của doanh nghiệp châu Âu, do những động thái thuế quan ăn miếng trả miếng, gây ra sự biến động của thị trường gợi nhớ đến những ngày đầu của COVID-19.
Chỉ số STOXX 600 hiện ghi nhận giảm khoảng 10% so với mức đóng cửa cao kỷ lục vào tháng 3 và giảm hơn 5% so với trước khi xuất hiện những tuyên bố đầu tiên về việc tăng thuế của ông Trump.
Kết thúc phiên 17/4: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 0,06 điểm (+0,00%), lên 8.275,66 điểm. Chỉ số DAX trên sàn Frankfurt giảm 105,16 điểm (-0,49%), xuống 21.205,86 điểm. Chỉ số CAC 40 của Paris giảm 44,11 điểm (-0,60%), xuống 7.285,86 điểm.
Giá dầu thô tiếp tục tăng mạnh, được hỗ trợ bởi hy vọng về một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU). Cùng với đó, lo ngại về nguồn cung gián đoạn sau lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm hạn chế xuất khẩu dầu của Iran.
Kết thúc phiên 17/4, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 2,21 USD (+3,54%), lên 64,68 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 2,11 USD (+3,2%), lên 67,96 USD/thùng.