Giá tiêu tuần qua lên xuống thất thường và đang được giao dịch ở mức 155.000 – 156.000 đồng/kg. Theo số liệu sơ bộ của VPSA, trong 14 ngày đầu tháng 4, Việt Nam xuất khẩu được 10.413 tấn hồ tiêu, trong đó Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất.
20-04-2025
Cập nhật giá tiêu
Tại thị trường trong nước
Giá tiêu tuần qua tăng vào giữa tuần nhưng sau đó quay đầu giảm. Kết thúc tuần qua, giá tiêu trong nước giao dịch trong khoảng 155.000 - 156.000 đồng/kg, tăng giảm trái chiều so với tuần trước.
Cụ thể, giá tiêu tại hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk tuần qua giảm 500 - 1.000 đồng/kg, xuống còn 156.000 đồng/kg.
Trái lại, giá tiêu tại tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Phước đồng loạt tăng 1.000 đồng/kg so với tuần trước, lên mức 155.000 đồng/kg.
Còn tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai, giá tiêu không đổi ở mức 155.000 đồng/kg.
Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát) | Giá thu mua ngày 20/4 (Đơn vị: VNĐ/kg) | Thay đổi so với tuần trước (Đơn vị: VNĐ/kg) |
Đắk Lắk | 156.000 | -1.000 |
Gia Lai | 155.000 | +1.000 |
Đắk Nông | 156.000 | -500 |
Bà Rịa – Vũng Tàu | 155.000 | - |
Bình Phước | 155.000 | +1.000 |
Đồng Nai | 155.000 | - |

Trên thị trường thế giới
Thị trường tiêu thế giới cũng biến động trái chiều trong tuần qua. Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Indonesia ở mức 7.056 USD/tấn, giảm 1,27% (91 USD/tấn) so với tuần trước.
Tương tự, giá tiêu đen Malaysia ASTA cũng giảm 250 USD/tấn, xuống còn 9.600 USD/tấn .
Ngược lại, giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam tăng 100 USD/tấn đối với loại 500 g/l và 200 USD/tấn đối với loại 550 g/l, dao động trong khoảng 6.800 - 6.900 USD tấn.
Giá tiêu đen Brazil ASTA cũng tăng 100 USD/tấn và được giao dịch ở mức 6.900 USD/tấn.
Tên loại | Bảng giá tiêu đen thế giới |
Ngày 20/4 (ĐVT: USD/tấn) | % thay đổi so với tuần trước |
Tiêu đen Lampung (Indonesia) | 7.056 | -1,27 |
Tiêu đen Brazil ASTA 570 | 6.900 | 1,47 |
Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA | 9.600 | -2,54 |
Tiêu đen Việt Nam (500 g/l) | 6.800 | 3,03 |
Tiêu đen Việt Nam (500 g/l) | 6.900 | 1,47 |
Cũng trong tuần qua, tiêu trắng Muntok Indonesia và tiêu trắng Malaysia ASTA giảm 164 USD/tấn và 200 USD/tấn so với tuần trước, xuống còn 9.641 USD/tấn và 12.100 USD/tấn.
Trong khi đó, giá tiêu trắng Việt Nam tuần qua tăng 200 USD/tấn, lên 9.800 USD/tấn.
Tên loại | Bảng giá tiêu trắng thế giới |
Ngày 20/4 (ĐVT: USD/tấn) | % thay đổi so với tuần trước |
Tiêu trắng Muntok Indonesia | 9.641 | -1,67 |
Tiêu trắng Malaysia ASTA | 12.100 | -1,63 |
Tiêu trắng Việt Nam | 9.800 | 2,08 |
Cập nhật thông tin hồ tiêu
Theo thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong 14 ngày đầu tháng 4/2025, Việt Nam xuất khẩu được 10.413 tấn hồ tiêu, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 72 triệu USD. Olam, Phúc Sinh và Nedspice là 3 doanh nghiệp xuất khẩu lớn nhất đạt: 1.467 tấn, 1.177 tấn và 750 tấn.
Trong khi đó, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất hồ tiêu lớn nhất của Việt Nam với khối lượng đạt 2.285 tấn, chiếm 21,9% thị phần. Các thị trường lớn tiếp theo là Ấn Độ đạt 1.227 tấn, Đức 827 tấn…
Ở chiều ngược lại, trong 14 ngày đầu tháng 4/2025, Việt Nam đã nhập khẩu 1.846 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 12,2 triệu USD. Brazil và Campuchia là 2 quốc gia cung cấp hồ tiêu chủ yếu cho Việt Nam chiếm 81,2% thị phần, trong đó Brazil đạt 758 tấn và Cambodia đạt 740 tấn.
Olam, Phúc Thịnh và Trân Châu là ba doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất lần lượt đạt: 615 tấn, 260 tấn và 244 tấn.
VOV đưa tin, tại Hội nghị nhóm đối tác công tư (PPP) về hồ tiêu và gia vị diễn ra chiều 17/4 tại TP.HCM, lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho biết ngành đang đối mặt thách thức khi Mỹ áp mức thuế 10%. Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn 90 ngày đàm phán với Mỹ, song chưa thể dự đoán kết quả cuối cùng.
Với sự biến động trong chính sách thuế quan của Mỹ, nhiều doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, chờ đợi kết quả đàm phán, đồng thời tính đến khả năng mở rộng sang các thị trường khác.
Bà Hoàng Thị Liên – Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam – nhận định, nếu kết quả đàm phán không khả quan, doanh nghiệp Việt có nguy cơ mất thị phần tại Mỹ vào tay Indonesia, Brazil.
Do đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm thị trường thay thế, đảm bảo chất lượng để cạnh tranh ở các khu vực khác, đặc biệt là EU.
“Chúng ta đang cân đối thị trường Mỹ, EU và châu Á mỗi thị trường từ 25% đến 27% và một phần còn lại ở Châu Phi và Trung Đông… nhưng nếu không còn thị trường Mỹ tôi nghĩ không mất hẳn, sẽ còn một phần thị trường nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Khi mức thuế không còn cạnh tranh thì bắt buộc phải điều chuyển qua cho những thị trường khác. Chúng ta cần có kế hoạch để tập trung cho thị trường EU, Châu Á trong đó có 2 quốc gia Trung Quốc và Ấn Độ…”, bà Liên nói.
Hiện thị trường EU cho thấy tín hiệu phục hồi tích cực, với tổng lượng nhập khẩu hồ tiêu năm 2024 đạt 120.657 tấn, tăng 20% so với 2023. Thị phần xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam vào đây cũng tăng đều, đạt 52,1% trong năm 2024. Tuy nhiên, đây là thị trường yêu cầu cao về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tiêu chuẩn kỹ thuật, nhất là ở phân khúc cao cấp như tiêu trắng và tiêu hữu cơ.