S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 0,22%, 1,43%; Dow Jones giảm 0,13%.Nhóm cổ phiếu công nghệ, du lịch và hàng không tăng điểm, năng lượng giảm.Cả ba chỉ số chốt tuần giảm điểm.
S&P 500 và Nasdaq chốt phiên giao dịch 17/6 trong sắc xanh khép lại một tuần giao dịch đầy biến động. Tuy nhiên, cả 3 chỉ số chính đều giảm điểm trong tuần này, với chỉ số S&P 500 có tuần giảm điểm mạnh nhất trong hơn 2 năm qua.
Theo đó, chỉ số Dow Jones Industrial Average giảm 38,29 điểm, tương đương 0,13%, xuống 29.888,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 0,22% lên 3.674,84 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,43% lên 10,798,35 điểm.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong tuần qua. Ảnh: CNBC. |
Thị trường giao dịch giằng co giữa tăng và giảm trong bối cảnh nhà đầu tư lo lắng về triển vọng nền kinh tế Mỹ.
Một vài dữ liệu kinh tế được công bố thấp hơn dự báo trong tuần vừa qua, trong đó có doanh số bán lẻ và số lượng công trình nhà ở khởi công. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ tăng lãi suất thêm 0,75%, mức tăng cao nhất trong gần 3 thập kỷ.
Chốt tuần, S&P 500 giảm 5,8%. Tất cả 11 lĩnh vực thuộc chỉ số này đều giảm điểm.
Chỉ số Dow Jones chốt tuần dưới ngưỡng 30.000 điểm. Trong ngày 16/6, lần đầu tiên chỉ số này thủng mốc 30.000 điểm trong hơn 2 năm. Kết thúc tuần giao dịch vừa qua, Dow Jones giảm 4,8% và có tuần giảm thứ 11 trong 12 tuần gần nhất. Chỉ số Nasdaq cũng giảm 4,8%.
“Rõ ràng biến động đã, đang và sẽ là xu hướng thị trường chủ đạo trong bối cảnh xuất hiện không ít những bất ổn”, theo John Canavan, Trưởng nhóm phân tích tại Oxford Economics. “Tôi cho rằng sau những phiên giảm điểm mạnh, thị trường đã 'thấm mệt' và muốn tìm một chỗ 'nghỉ chân' trong khoảng thời gian cuối tuần này”, ông nhận định.
Phiên giao dịch 17/6 là ngày “quadruple witching”, thời điểm các hợp đồng chỉ số tương lai, hợp đồng cổ phiếu đơn lẻ tương lai, hợp đồng quyền chọn tương lai và hợp đồng quyền chọn chỉ số tương lai đáo hạn và thường chỉ diễn ra mỗi quý một lần. Trong ngày này, khối lượng giao dịch thường tăng cao hơn so với thông thường, dẫn tới mức độ biến động lớn.
Nhóm cổ phiếu công nghệ tăng điểm và đóng vai trò trụ đỡ cho chỉ số Nasdaq. Giá cổ phiếu của Amazon tăng 2,5%, Apple, Nvidia, Tesla và Netflix tăng hơn 1%. Cổ phiếu tăng trưởng trước đó bị nhà đầu tư bán tháo sau khi quyết định tăng lãi suất được công bố.
Sắc xanh cũng hiện diện trong nhóm cổ phiếu du lịch với Carnival và Norwegian Cruise Line tăng gần 10%. Cổ phiếu ngành hàng không và Airbnb cũng chốt phiên tăng điểm.
Duy nhất chỉ số Dow Jones giảm điểm trong phiên giao dịch hôm qua, ảnh hưởng từ diễn biến giao dịch tiêu cực của một số doanh nghiệp lớn như Chevron, Walmart và Goldman Sachs. Giá cổ phiếu của American Express tăng gần 4,9%, Boeing tăng 2,6%, giúp Dow Jones hạn chế đà giảm điểm.
Hàng hóa tiêu dùng không thiết yếu, dịch vụ viễn thông và công nghệ thông tin tăng khoảng 1%, tuy nhiên, đà giảm trong tuần vẫn chưa thể đảo chiều. Nhóm năng lượng tiếp tục giảm điểm với tổng mức giảm trong tuần đạt 5,5%.
Phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell trong ngày 16/6 tiếp tục củng cố quyết tâm kéo giảm lạm phát của ngân hàng trung ương sau khi đã tăng lãi suất thêm 0,75% vài ngày trước đó. Fed “đang tập trung cao độ vào nhiệm vụ kéo giảm lãi suất về ngưỡng mục tiêu 2%”, ông nói.
Diễn biến tuần qua trên thị trường chứng khoán Mỹ khiến nhiều người đặt ra câu hỏi khi nào suy thoái sẽ ập tới?
“Suy thoái trong ngắn hạn là điều chắc chắn sẽ xảy ra theo nhận định của không ít nhà đầu tư. Họ quan tâm nhiều hơn tới việc suy thoái sẽ kéo dài trong bao lâu và ảnh hưởng như thế nào tới lợi nhuận”, Chris Harvey, Trưởng bộ phận chiến lược chứng khoán tại Wells Fargo, chia sẻ.