VN-Index lên gần 1.230 điểm; Ngân hàng lạc quan với triển vọng 2025; “Của để dành” cổ phiếu bảo hiểm; Chính sách tiền tệ của Fed mang lại rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu…là những thông tin đáng chú ý của thị trường trong 24h qua.
Giá vàng, ngoại tệ, dầu thô, bitcoin
Tại thị trường vàng trong nước, giá vàng SJC mở cửa sáng nay ngày 25/4 tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua và 500.000 đồng/lượng chiều bán so với cuối ngày hôm qua, thì vào cuối ngày hôm nay đã giảm 1 triệu đồng/lượng ở cả hai chiều mua vào và bán ra, hiện đứng ở mức 118,50 – 120,50 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Trên thị trường vàng thế giới, giá vàng giao ngay chốt phiên hôm qua tại Mỹ tăng 60,8 USD lên mức 3.348,8 USD/ounce. Sang phiên châu Á sáng nay, giá vàng đảo chiều giảm và lùi về 3.300 USD/ounce và giằng co, rung lắc cho đến cuối giờ chiều.
Tại thị trường ngoại hối, chỉ số US Dollar Index (DXY) đứng ở mức 99,62 điểm.
Tỷ giá trung tâm trong nước ngày hôm nay 25/4 được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.948 đồng/USD, tăng 20 đồng so với phiên hôm qua. Tỷ giá USD tại các ngân hàng thương mại chiều nay giao dịch phổ biến ở mức 25.835 – 26.195đồng/USD.
Trên thị trường tiền kỹ thuật số, đồng Bitcoin sau ngày hôm qua giảm nhẹ từ 93.600 USD xuống 93.400 USD, thì sang ngày hôm nay đã có lúc vượt 94.000 USD, trước khi lùi về 93.600 USD/BTC vào cuối ngày.
Thị trường dầu mỏ, vào cuối giờ chiều nay theo giờ châu Á, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ (WTI) giảm 0,10 USD (-0,16%), xuống 62,69 USD/thùng. Giá dầu thô tương lai Brent giảm 0,11 USD (-0,17%), xuống 66,44 USD/thùng.
VN-Index tăng lên gần 1.230 điểm
Mặc dù mở cửa khá thuận lợi khi VN-Index chạm tới mốc 1.230 điểm, nhưng áp lực bán lan rộng khiến chỉ số đảo chiều lùi về quanh tham chiếu và chuyển qua trạng thái giằng co trong biên độ hẹp trước khi có nhịp tăng trở lại gần mốc điểm trên vào cuối ngày.
Kết thúc phiên giao dịch 25/4: VN-Index tăng 5,88 điểm (+0,48%), lên 1.229,23 điểm; HNX-Index tăng 0,65 điểm (+0,31%) lên 211,72 điểm; UPCoM-Index tăng 0,44 điểm (+0,48%), lên 92,27 điểm.
Chứng khoán Mỹ
Chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng trong phiên thứ Năm (24/4) với sự thúc đẩy vững chắc từ nhóm cổ phiếu công nghệ, cũng như các dấu giảm căng thẳng trong vấn đề thuế quan Mỹ-Trung.
Bắc Kinh đã mới nhất kêu gọi Mỹ hủy bỏ thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc, sau những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent báo hiệu Nhà Trắng có thể sẵn sàng giảm leo thang căng thẳng.
Kết thúc phiên 24/4: Chỉ số Dow Jones tăng 486,83 điểm (+1,23%), lên 40.093,40 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 108,91 điểm (+2,03%), lên 5.484,77 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 457,99 điểm (+2,74%), lên 17.166,04 điểm.
Chứng khoán châu Á
Chứng khoán Nhật Bản tăng mạnh, khi các nhà đầu tư mua cổ phiếu công nghệ và đồng yên suy yếu sau các cuộc đàm phán giữa Nhật Bản - Mỹ.
Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,9% lên 35.705,74 điểm và tăng 2,7% trong tuần. Chỉ số Topix tăng 1,37% lên 2.62803 điểm và tăng 2,64% trong tuần.
Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Katsunobu Kato cho biết hôm thứ Năm rằng ông đã đồng ý với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent để tiếp tục đối thoại "mang tính xây dựng" về chính sách tiền tệ, nhưng không thảo luận về việc thiết lập một khuôn khổ để kiểm soát tỷ giá đồng yên.
Đồng yên giảm 0,23% ở mức 142,94 yên/USD, sau khi đạt mức cao nhất trong bảy7 tháng là 139,885 yên/USD trong tuần này.
Cổ phiếu liên quan đến chip nhích lên, với hai công ty lớn là Tokyo Electron và Advantest lần lượt tăng 4,2% và 4,6%, tạo ra cú hích lớn nhất cho Nikkei 225.
Chứng khoán Trung Quốc giằng co nhẹ quanh tham chiếu trong suốt cả phiên, với những kỳ vọng về sự tan băng trong căng thẳng thương mại Mỹ-Trung chiếm lĩnh thị trường.
Đóng cửa, Shanghai Composite giảm 0,07% xuống 3.295,06 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 0,07% lên 3.786,99 điểm.
Những thông tin trái chiều về thương mại thu hút sự chú ý của thị trường, với những bình luận của Tổng thống Mỹ Donald Trump, người khẳng định rằng các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc đang diễn ra, mâu thuẫn với khẳng định của Bắc Kinh rằng hiện không có cuộc đàm phán nào.
Chứng khoán Hồng Kông tăng, nhờ những lạc quan rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm hơn dự kiến, trong khi nhà đầu tư cũng phớt lờ những ồn ào xung quanh các cuộc đàm phán thuế quan Mỹ-Trung.
Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 0,24% lên 21.963,09 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 0,17% lên 8.070,59 điểm.
Chứng khoán Hàn Quốc tăng và leo lên mức cao nhất trong một tháng.
Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 23,97 điểm, tương đương 0,95% lên 2.546,30 điểm.
Trong diễn biến thương mại mới nhất, Hàn Quốc và Mỹ đã đồng ý về việc giảm thuế vào tháng 7, với các cuộc đàm phán tập trung vào các ngành ô tô, đóng tàu, năng lượng và tiền tệ.
Kết thúc phiên 25/4: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 666,59 điểm (+1,90%), lên 35.705,74 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 2,23 điểm (-0,07%), xuống 3.295,06 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 162,86 điểm (-0,74%), xuống 21.909,76 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 23,97 điểm (+0,95%), lên 2.546,30 điểm.
Các thông tin đáng chú ý khác
- Ngân hàng lạc quan với triển vọng 2025
Lợi nhuận quý đầu năm nay của các ngân hàng tăng trưởng tích cực, được lý giải là do tăng trưởng tín dụng khá cao (toàn ngành đạt hơn 2,5%) và nhờ các hoạt động kinh tế sôi động hơn giúp thu nhập phi tín dụng lạc quan hơn so với cùng kỳ..>> Chi tiết
- “Của để dành” cổ phiếu bảo hiểm
Là lĩnh vực đặc thù, các doanh nghiệp bảo hiểm phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe trong quá trình hoạt động. Thế nên, khi đầu tư vào cổ phiếu nhóm ngành này cũng cần “nhìn sâu” vào doanh nghiệp..>> Chi tiết
- Chính sách tiền tệ của Fed mang lại rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu
Các ngân hàng trung ương toàn cầu vốn xem Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) là trụ cột ổn định hiện đang phải đối mặt với giai đoạn khó lường khi các quyết định về chính sách tiền tệ của Fed bị kéo theo những hướng xung đột và tính độc lập của ngân hàng trung ương có thể bị ảnh hưởng..>> Chi tiết