Tại hội nghị Nhà đầu tư, CTCP Chứng khoán DSC (DSC - sàn HOSE) đã cập nhật kết quả kinh doanh quý I/2025 với doanh thu đạt 131 tỷ đồng (giảm 2% so với cùng kỳ 2024, hoàn thành 23% kế hoạch 2025) và lợi nhuận trước thuế đạt 67 tỷ đồng (giảm 9% so với cùng kỳ 2024, hoàn thành 26% kế hoạch 2025).
Trong cơ cấu doanh thu, mảng dịch vụ môi giới và IB vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong quý I/2025.
Ông Trần Minh Toản, Giám đốc Tài chính Công ty cho biết, kết thúc quý I/2025, doanh thu hoạt động của DSC đều đạt và vượt kế hoạch quý I mà Công ty đã xây dựng. Trong đó, lợi nhuận từ dịch vụ môi giới đạt 45 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ, hoàn thành 19% kế hoạch năm 2025. Đáng chú ý, hoạt động IB ghi nhận lãi đột biến 6 tỷ đồng, tăng mạnh so với cùng kỳ và đã hoàn thành 55% kế hoạch năm 2025.
Về hoạt động cho vay và tự doanh, ông Toản cho biết, tổng giá trị cho vay của DSC vào cuối quý I vượt kỷ lục từ khi hoạt động, đạt 2.233 tỷ đồng, tăng trưởng 12% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động cho vay tiếp tục duy trì xu hướng đi lên ổn định qua từng quý, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo sự tăng trưởng bền vững cho công ty.
Doanh thu hoạt động tự doanh đạt 19 tỷ đồng, tăng 877% so với quý IV/2024, chiếm 28% tổng lợi nhuận trước thuế. Đáng chú ý, DSC đã chủ động hạ quy mô danh mục tự doanh về mức 76 tỷ đồng (so với 230 tỷ đồng tại thời điểm đầu năm), thể hiện đúng tôn chỉ đầu tư chủ động, khai thác lợi nhuận từ thị trường chứng khoán một cách an toàn và bền vững.
Ngày 4/4 vừa qua, DSC đã thành công tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 với tinh thần đồng thuận và nhất trí cao với toàn bộ báo cáo, kế hoạch và các nội dung quan trọng trong 2025. Theo đó, Đại hội đã nhất trí thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu doanh thu đạt 566,4 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 260,2 tỷ đồng. Bên cạnh kế hoạch kinh doanh tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2024, ban lãnh đạo DSC cũng trình cổ đông 3 phương án phát hành cổ phiếu, nâng vốn điều lệ lên 2.800 tỷ đồng.
Theo DSC, chiến tranh thương mại với mức thuế gây “sốc” mà Mỹ áp vào nhiều quốc gia trên toàn cầu đang mang lại ảnh hưởng tiêu cực, thậm chí khó đoán định. Với Việt Nam, chiến tranh thương mại có ảnh hưởng chéo tới nhiều khía cạnh kinh tế, điển hình như nguồn vốn đầu tư FDI vào Việt Nam có thể dừng đột ngột, các mặt hàng xuất khẩu sang Mỹ đã gần như tạm dừng do áp lực tỷ giá và chờ đợi kết quả đàm phán giảm thâm hụt, thúc đẩy cân bằng cán cân thương mại Mỹ - Việt Nam.
Tuy nhiên, TTCK Việt Nam đã có phản ứng tích cực sau thông tin Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tăng thuế ngay lập tức với Trung Quốc lên 125%. Đặc biệt, có hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với Mỹ để đàm phán các vấn đề thương mại. Do các nước này đã không trả đũa Mỹ, ông quyết định tạm dừng áp thuế trong 90 ngày và áp mức thuế đối ứng thấp hơn, chỉ 10% trong thời gian này. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam có những chuyển hướng chiến lược quan trọng trong đàm phán thuế đối ứng, đàm phán thỏa thuận song phương với Mỹ cũng như cơ cấu lại hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc phân tích DSC cho rằng, nhịp bán tháo xảy ra những ngày gần đây có phần thái quá, với nguyên nhân chủ yếu là do tỷ trọng nhà đầu tư cá nhân của Việt Nam quá lớn kéo theo tâm lý hoảng loạn diện rộng. Do đó, một số mức hỗ trợ quan trọng của VN-Index sẽ là điểm tựa cho nhịp phục hồi kỹ thuật.
Nhấn mạnh về phương hướng đầu tư giai đoạn này, ông Trương Thái Đạt cho rằng, nhà đầu tư cũng cần thời gian để ngồi lại ổn định tâm lý và xem xét lại phương hướng đầu tư trong thời gian tới đây. Trong quá khứ, những sự kiện “thiên nga đen” tương tự thường sẽ có những phần thưởng đặc biệt dành cho những nhà đầu tư bình tĩnh, kỹ càng với điểm mua vào.