Thị trường ngày mới, giá tiêu hôm nay giữ ổn định ở mức 155.000 – 156.000 đồng/kg. Việt Nam đã cam kết giảm thuế hàng hóa Mỹ về 0%, và mong muốn được đối xử tương xứng. Tuy nhiên, kết quả đàm phán còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính trị và thương mại.
20-04-2025
Cập nhật giá tiêu
Tại thị trường trong nước
Ghi nhận trong sáng đầu tuần, giá tiêu trong nước được giao dịch trong khoảng 155.000 - 156.000 đồng/kg, không đổi so với ngày hôm trước.
Trong đó, giá tiêu tại hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk được thu mua ở mức cao nhất là 156.000 đồng/kg.
Tại các địa phương còn lại gồm Gia Lai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước và Đồng Nai, giá tiêu đồng loạt được giao dịch ở mức 155.000 đồng/kg.
Tỉnh/huyện (khu vực khảo sát) | Giá thu mua ngày 21/4 (Đơn vị: VNĐ/kg) | Thay đổi so với ngày hôm trước (Đơn vị: VNĐ/kg) |
Đắk Lắk | 156.000 | - |
Gia Lai | 155.000 | - |
Đắk Nông | 156.000 | - |
Bà Rịa – Vũng Tàu | 155.000 | - |
Bình Phước | 155.000 | - |
Đồng Nai | 155.000 | - |

Trên thị trường thế giới
Trong phiên giao dịch gần nhất, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) niêm yết giá tiêu đen Malaysia ASTA ở mức cao nhất là 9.600 USD/tấn; tiếp đến là giá tiêu đen Indonesia ở mức 7.056 USD/tấn; đen Brazil ASTA đạt 6.900 USD/tấn.
Giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam đứng ở mức 6.800 USD/tấn đối với loại 500 g/l và 6.900 USD/tấn đối với loại 550 g/l.
Tên loại | Bảng giá tiêu đen thế giới |
Ngày 21/4 (ĐVT: USD/tấn) | % thay đổi so với hôm trước |
Tiêu đen Lampung (Indonesia) | 7.056 | - |
Tiêu đen Brazil ASTA 570 | 6.900 | - |
Tiêu đen Kuching (Malaysia) ASTA | 9.600 | - |
Tiêu đen Việt Nam (500 g/l) | 6.800 | - |
Tiêu đen Việt Nam (500 g/l) | 6.900 | - |
Cùng thời điểm khảo sát, tiêu trắng Muntok Indonesia được giao dịch ở mức 9.641 USD/tấn; tiêu trắng Malaysia ASTA cao nhất với 12.100 USD/tấn; tiêu trắng Việt Nam đạt 9.800 USD/tấn.
Tên loại | Bảng giá tiêu trắng thế giới |
Ngày 21/4 (ĐVT: USD/tấn) | % thay đổi so với hôm trước |
Tiêu trắng Muntok Indonesia | 9.641 | - |
Tiêu trắng Malaysia ASTA | 12.100 | - |
Tiêu trắng Việt Nam | 9.800 | - |
Cập nhật thông tin hồ tiêu
TTXVN đưa tin, Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) cho biết, Mỹ vẫn giữ vị trí lớn nhất trong số các quốc gia nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, chiếm khoảng 25% tổng kim ngạch. Ở chiều ngược lại, Việt Nam là nhà cung cấp hồ tiêu hàng đầu cho Mỹ, đóng góp tới 77% tổng lượng hồ tiêu mà nước này nhập khẩu.
Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch VPSA, Việt Nam đã cam kết giảm thuế hàng hóa Mỹ về 0%, và mong muốn được đối xử tương xứng. Tuy nhiên, kết quả đàm phán còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố chính trị và thương mại.
Bà Hoàng Thị Liên lo ngại, nếu không đạt thỏa thuận, Việt Nam sẽ mất lợi thế cạnh tranh trước các nước có mức thuế thấp hơn như Brazil (10%), Indonesia (32%) hay Malaysia (24%). Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là “mất trắng”. Ngành hồ tiêu vẫn có thể duy trì một tỷ lệ nhất định tại thị trường này. Nhưng để giữ vững thị phần hơn 20% tại Mỹ là điều khó khăn nếu mức thuế 46% chính thức.
Trước sức ép đó, Việt Nam buộc phải tái phân bổ sản lượng sang các thị trường khác như EU, Trung Quốc, Ấn Độ, đồng thời tìm kiếm cơ hội tại những khu vực tiềm năng mới.
Dù mỗi thị trường đều có yêu cầu và tiêu chuẩn riêng, nhưng với đặc thù hơn 90% sản lượng hồ tiêu dành cho xuất khẩu (thị trường nội địa chỉ chiếm phần rất nhỏ), việc đảm bảo đủ đầu ra là điều bắt buộc. Ngành cần chủ động thích ứng để duy trì tốc độ tăng trưởng và ổn định sinh kế cho người trồng tiêu.
Theo bà Hoàng Thị Liên, về dài hạn, các chính sách thuế quan sẽ buộc ngành hồ tiêu phải tái cấu trúc hệ sinh thái xuất khẩu, phân bổ lại thị trường một cách linh hoạt hơn. “Nếu không giữ được một thị trường, chúng ta cần nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường khác. Dù hiện tại còn nhiều biến động, nhưng ngành vẫn có cơ sở để hy vọng và tiếp tục nỗ lực giữ vững thị phần tại Mỹ”, bà Liên nhấn mạnh.
Trước tình hình trên, các doanh nghiệp hồ tiêu đang tính đến tái phân bổ sản lượng xuất khẩu sang các thị trường tiềm năng như EU, Trung Quốc, Ấn Độ và Trung Đông. Những thị trường này tuy có rào cản kỹ thuật riêng, nhưng nếu đáp ứng được tiêu chuẩn sẽ là “cửa thoát” quan trọng.
Ngoài ra, theo VPSA, giá xuất khẩu tiêu tăng cao là tín hiệu tốt, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư nâng chất lượng, đa dạng hóa dòng sản phẩm. Theo đó, việc chuyển hướng sang sản phẩm hữu cơ, có truy xuất nguồn gốc, đạt chuẩn bền vững đang là xu hướng bắt buộc nếu Việt Nam muốn giữ vững thị phần và tăng giá trị lâu dài. Chỉ có như vậy, Việt Nam mới có thể giữ vững vị thế trên bản đồ thương mại toàn cầu.