Chính phủ không nên được vận hành như các công ty khởi nghiệp (startup), bởi vì hai bên phục vụ những mục đích khác nhau, chịu trách nhiệm với các đối tượng khác nhau và hoạt động theo những khung thời gian hoàn toàn khác biệt. Mọi nỗ lực cải cách nên bắt nguồn từ nền tảng hiểu biết sâu sắc về cách vận hành của chính phủ, thay vì bắt chước những “startup kỳ lân” luôn mải mê đuổi theo làn sóng đột phá tiếp theo - thứ thường đến quá muộn và không đủ sức tạo ra thay đổi thực chất. Và thực tế hiện nay đã cho thấy rõ nếu chỉ chạy theo sự đổi mới đột phá mà thiếu đi nền tảng hệ thống vững chắc, thì đó chính là công thức dẫn đến thảm họa.
Cuộc đối đầu sắp tới trong thế giới của Trump
Chính phủ và Doanh nghiệp - Hai thế giới khác biệt
Trên khắp thế giới, nhiều chính phủ đang cố gắng tái cấu trúc bộ máy theo mô hình doanh nghiệp. Tại Mỹ, chiến dịch cải tổ chính phủ liên bang của Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) do tỷ phú Elon Musk dẫn dắt thể hiện rõ điều này, cũng như hình ảnh Tổng thống Argentina Javier Milei cùng với chiếc máy cưa, biểu tượng cho các cải cách quyết liệt. Ngay cả tại Vương quốc Anh, Bộ trưởng Văn phòng Nội các Pat McFadden cũng muốn chính phủ xây dựng văn hóa “thử nghiệm và học hỏi” (test-and-learn), tiến tới mô hình quản lý dựa trên hiệu suất.

Nguồn: BBC
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ chính phủ và doanh nghiệp phục vụ những mục tiêu hoàn toàn khác nhau. Nếu các nhà hoạch định chính sách công bắt đầu bắt chước cách làm của các nhà sáng lập doanh nghiệp, họ sẽ làm suy yếu chính khả năng của mình trong việc giải quyết các thách thức xã hội phức tạp.
Đối với các công ty khởi nghiệp, ưu tiên hàng đầu là cải tiến nhanh chóng, tạo ra sự đột phá nhờ công nghệ và tối đa hóa lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Thành công của họ thường phụ thuộc vào việc giải quyết một vấn đề cụ thể với một sản phẩm duy nhất hoặc trong phạm vi một tổ chức nhất định.
Ngược lại, chính phủ phải giải quyết những vấn đề phức tạp và có sự liên kết mật thiết với nhau như đói nghèo, y tế công cộng và an ninh quốc gia. Mỗi thách thức đều đòi hỏi sự phối hợp đa ngành, cùng một chiến lược với tầm nhìn dài hạn và kế hoạch bài bản. Việc chỉ tập trung vào lợi ích trước mắt trong những vấn đề này là điều không hợp lý.
Nguy cơ khi áp dụng tư duy startup vào khu vực công
Khác với doanh nghiệp, chính phủ có nhiệm vụ thực thi pháp luật, bảo đảm cung cấp các dịch vụ thiết yếu và duy trì sự bình đẳng theo pháp luật - những yếu tố then chốt trong xã hội hiện đại. Các thước đo như “thị phần” là vô nghĩa, bởi chính phủ không có đối thủ cạnh tranh. Chính phủ nên tập trung vào việc mở rộng cơ hội và thúc đẩy việc chia sẻ, nhân rộng những mô hình hay phương pháp hiệu quả. Chính phủ cần có tầm nhìn dài hạn, đồng thời xây dựng một bộ máy đủ linh hoạt để thích ứng nhanh với những biến động.
Như trong bối cảnh hệ thống y tế còn yếu kém, việc triển khai một ứng dụng số có thể mang lại một số cải thiện nhỏ, nhưng sẽ không giải quyết được các nguyên nhân gốc rễ như tình trạng thiếu hụt nhân lực y tế hay những rào cản về mặt địa lý. Tệ hơn nữa, việc áp dụng tư duy của các startup vào dịch vụ công có thể dẫn đến các giải pháp chắp vá, làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu hiệu quả hiện tại. Chẳng hạn, một thành phố có thể phát triển ứng dụng để người dân phản ánh tình trạng hạ tầng giao thông - đây là một bước tiến trong việc thu hút sự tham gia của cộng đồng. Tuy nhiên, nó không thể giúp thành phố giải quyết những vấn đề dài hạn như quy hoạch hệ thống giao thông bền vững hay giảm thiểu phát thải, những yếu tố có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân.

Nguồn: slanecartoon.com
Những nguyên tắc nền tảng cho cải cách khu vực công
Quá trình cải cách và nâng cao hiệu quả của chính phủ hoàn toàn khác biệt so với một công ty khởi nghiệp. Thay vì áp dụng một cách mù quáng văn hóa startup, chính phủ cần xem xét lại những nỗ lực cải cách và hiện đại hóa đã được thực hiện trong quá khứ. Từ đó có thể rút ra một số bài học quan trọng.
Thứ nhất, khu vực công cần một nền tảng kinh tế mới.
Mô hình hiện tại đặt nặng yếu tố “hiệu quả”, nhưng lại dễ đánh đồng giữa đầu ra (ví dụ: có bao nhiêu suất ăn học đường được trợ cấp?) với kết quả thực chất (các bữa ăn đó có đủ dinh dưỡng, có được cung cấp từ nguồn bền vững hay từ địa phương không?). Hơn nữa, mô hình này dựa trên sự phân chia quá đơn giản giữa khu vực công và khu vực tư. Kết quả là, chính phủ trở nên lạm dụng những phương pháp đơn giản như phân tích chi phí - lợi ích, mà không thực sự đo lường được tiến độ trong việc đạt được các kết quả dài hạn và có ý nghĩa.
Chính phủ cũng cần cải thiện cách tính toán giá trị dài hạn của các khoản đầu tư công. Chẳng hạn, Bộ trưởng Tài chính Anh, Rachel Reeves đã đúng khi chuyển trọng tâm từ “nợ ròng” của khu vực công sang “nghĩa vụ tài chính ròng”, điều này giúp phản ánh chính xác hơn lợi tức từ các khoản đầu tư công bằng cách bao gồm cả các tài sản thanh khoản thấp (như các khoản cho vay của chính phủ) và các nghĩa vụ tài chính khác (như vàng tiền tệ). Tuy nhiên, phương pháp của Reeves vẫn chưa tính đến giá trị của các tài sản phi tài chính (như cơ sở hạ tầng và nhà ở thuộc sở hữu nhà nước), và thời gian đánh giá quá ngắn khiến nó chưa thể tạo ra được các động lực đủ mạnh cho đầu tư dài hạn.
Thứ hai, đa dạng là yếu tố then chốt trong tổ chức và cách tiếp cận
Trong suốt thế kỷ qua, khu vực công theo đuổi sự phổ quát và đồng đều: các dịch vụ công phải tốt và tiếp cận được ở mọi nơi, từ thị trấn nhỏ đến thành phố lớn. Tuy nhiên, cách thức cung cấp dịch vụ cũng có vai trò quan trọng không kém. Để xây dựng một khu vực công linh hoạt và tập trung vào kết quả, cần có lực lượng lao động đa dạng hơn, được đào tạo liên tục, có nhiều góc nhìn phân tích và một danh mục giải pháp đa dạng (vì không có giải pháp đơn lẻ nào phù hợp cho mọi vấn đề).
Thứ ba, cần cân bằng giữa chính trị - chính sách - thực thi
Chính phủ không chỉ là những cỗ máy hành chính mà họ cần có sự lãnh đạo chính trị vững mạnh, có định hướng rõ ràng và khả năng điều chỉnh chính sách linh hoạt. Không ít lần các cuộc cải cách khu vực công chỉ tập trung vào hiệu quả chuyên môn mà bỏ qua nhu cầu xây dựng một tầm nhìn chính trị có thể thu hút được sự ủng hộ của công chúng.
Một số nhà lãnh đạo thành phố đã tiên phong thử nghiệm các mô hình mới. Thay vì tập trung khai thác sự bất mãn của công chúng với các vấn đề hiện tại, các thị trưởng từ Barcelona đến Bogotá đã được bầu chọn nhờ các chương trình cải tạo đô thị. Thành công của họ cho thấy tầm quan trọng của việc cân bằng giữa tầm nhìn chính trị và khả năng thực thi.
6 năng lực mà chính phủ hiện đại cần phát triển
Nói một cách tổng quát hơn, để giúp khu vực công có đủ năng lực giải quyết các thách thức hiện nay, chính phủ - hay còn được gọi là “nhà nước khởi nghiệp” - cần phát triển 6 năng lực cốt lõi để có thể học hỏi, thích nghi và điều chỉnh, bao gồm:
- Nhận thức chiến lược: khả năng chủ động nhận diện các thách thức và cơ hội mới.
- Thích ứng với chương trình nghị sự: linh hoạt trong việc điều chỉnh ưu tiên khi đối mặt với khủng hoảng.
- Xây dựng liên minh và quan hệ đối tác: thúc đẩy sự hợp tác liên ngành và với cộng đồng.
- Tự chuyển đổi: liên tục cập nhật các kỹ năng, cấu trúc tổ chức và mô hình vận hành của các cơ quan.
- Thử nghiệm và giải quyết vấn đề theo chu trình trong quá trình cung cấp dịch vụ công.
- Có các công cụ và thể chế hướng tới kết quả.
Việc xây dựng các năng lực này đòi hỏi phải đổi mới cách đào tạo công chức, xây dựng khung năng lực nghề nghiệp và mô hình tổ chức. Quan trọng hơn cả là cần thay đổi cách đo lường và đánh giá công việc của khu vực công.
Tại Viện Đổi mới và Mục tiêu Công cộng (IIPP) thuộc Đại học College London, chúng tôi đang phát triển Chỉ số Năng lực Khu vực công để đánh giá năng lực chính quyền ở cấp thành phố. Công cụ này giúp xác định những lỗ hổng về kỹ năng hoặc nguồn lực, đồng thời liên kết phát triển năng lực với kết quả cụ thể.
Chính phủ không nên được vận hành như các công ty khởi nghiệp, bởi vì hai bên phục vụ những mục đích khác nhau, chịu trách nhiệm với các đối tượng khác nhau, và hoạt động theo những khung thời gian hoàn toàn khác biệt. Thay vì chạy theo ảo vọng của Thung lũng Silicon, các nhà hoạch định chính sách nên tập trung xây dựng những cấu trúc và năng lực giúp chính phủ có thể phản ứng linh hoạt, bền bỉ và hiệu quả.
Mọi nỗ lực cải cách nên bắt nguồn từ nền tảng hiểu biết sâu sắc về cách vận hành của chính phủ, thay vì bắt chước những startup “kỳ lân” luôn mải mê đuổi theo làn sóng đột phá tiếp theo - thứ thường đến quá muộn và không đủ sức tạo ra thay đổi thực chất. Và thực tế hiện nay đã cho thấy rõ nếu chỉ chạy theo sự đổi mới đột phá mà thiếu đi nền tảng hệ thống vững chắc, thì đó chính là công thức dẫn đến thảm họa.
Giới thiệu về tác giả Mariana Mazzucato
Mariana Mazzucato là Giáo sư ngành Kinh tế học Đổi mới và Giá trị Công tại Đại học College London (UCL) và là Giám đốc sáng lập của Viện Đổi mới và Mục tiêu Công cộng UCL. Bà là đồng Chủ tịch của Ủy ban Toàn cầu về Kinh tế Nước và Nhóm Chuyên gia của G20 về Lực lượng Đặc nhiệm Toàn cầu chống Biến đổi Khí hậu. Bà cũng từng là Chủ tịch Hội đồng Kinh tế Y tế cho Tất cả mọi người của WHO. Bà là tác giả của các cuốn sách nổi bật như The Value of Everything (2019), Mission Economy (2022), và The Big Con (2023).

Nguồn: UCL
Giới thiệu về tác giả Rainer Kattel
Rainer Kattel là Phó giám đốc và Giáo sư về Đổi mới và Quản trị công tại Viện Đổi mới và Mục tiêu Công cộng UCL.

Nguồn: Wikipedia
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Mariana Mazzucato và Rainer Kattel