Muốn tái cân bằng thương mại với thế giới, nước Mỹ không nên đặt cược vào thuế quan. Thay vào đó, ưu tiên hàng đầu nên là nâng cao năng lực xuất khẩu.
Điều đó đòi hỏi Mỹ phải đầu tư vào các tài sản công nghệ và công nghiệp, cải cách thủ tục cấp phép để rút ngắn thời gian chờ đợi, đồng thời thiết lập các cơ chế tài chính giúp mở rộng quy mô sản xuất trong nước nhằm phục vụ thị trường toàn cầu.
Tình trạng thâm hụt thương mại của Mỹ không xuất phát từ sự gian lận, mà là hệ quả tất yếu của thặng dư vốn lớn, vốn xuất phát từ vị thế của đồng USD như nơi trú ẩn ưa thích cho dòng tiết kiệm toàn cầu.
Chừng nào nước Mỹ chưa thể chuyển luồng vốn dồi dào đó thành các khoản đầu tư hiệu quả trong nước, thì dù có áp thuế quan cao đến đâu, tình trạng thâm hụt thương mại cũng sẽ không có nhiều chuyển biến tích cực.

Từ năm 1971 đến nay, Mỹ luôn ở trong tình trạng thâm hụt thương mại, bất chấp xu hướng giảm thuế quan trên toàn cầu. Với vai trò là đồng tiền dự trữ quốc tế, đồng USD liên tục thu hút nhu cầu đối với các tài sản định giá bằng USD như trái phiếu kho bạc, bất động sản và cổ phiếu công nghệ. Đây cũng là lý do khiến nhiều người gọi vị thế này của Mỹ là một “đặc quyền quá mức”.
Tuy nhiên, cũng có một góc nhìn khác về cái gọi là “đặc quyền” đó. Thay vì được sử dụng để nuôi dưỡng thế hệ doanh nghiệp sản xuất mới, phần lớn dòng vốn nước ngoài lại bị “neo” vào các tài sản giấy ổn định và dễ giao dịch. Kết quả là ngành sản xuất của Mỹ đã trải qua hàng chục năm bị bỏ bê đầu tư, khiến lĩnh vực xuất khẩu dần suy giảm và rơi vào thoái trào.
Chính vì thế, vào năm 2023, ông JD Vance (khi đó là Thượng nghị sĩ và giờ là Phó Tổng thống Mỹ) đã ví vị thế đồng USD là đồng tiền dự trữ quốc tế như một dạng “lời nguyền tài nguyên” kiểu mới, tương tự như cách các quốc gia giàu tài nguyên thiên nhiên thường mắc kẹt trong tình trạng nghèo nàn vì lệ thuộc vào tài nguyên.
Hiện nay, cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nhận thức rõ tầm quan trọng của việc tái thiết nền công nghiệp Mỹ, đặc biệt là vì mục tiêu an ninh quốc gia. Mỹ không thể tạo sức răn đe với Trung Quốc nếu vẫn lệ thuộc vào chuỗi cung ứng của Bắc Kinh, kể cả trong lĩnh vực thiết bị bay không người lái quân sự.
Tuy nhiên, tái công nghiệp hóa không có nghĩa là chỉ dựng rào chắn thuế quan để bảo vệ những nhà máy hiện tại. Điều quan trọng hơn là xây dựng các ngành công nghiệp mới, thúc đẩy họ cạnh tranh sòng phẳng, mở rộng sản xuất và vươn ra thị trường quốc tế. Một quốc gia không thể giàu mạnh bằng cách sản xuất những hàng hóa thay thế đắt đỏ hơn hàng nhập khẩu; thay vào đó, họ phải tạo ra những sản phẩm mà thế giới thực sự muốn mua.
Những câu chuyện thành công ở Đông Á như Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc cho thấy rằng tăng trưởng công nghiệp không đến từ việc bảo vệ doanh nghiệp khỏi cạnh tranh, mà từ chính việc đưa họ vào một môi trường cạnh tranh khốc liệt. Thông qua chính sách gọi là “kỷ luật xuất khẩu”, các doanh nghiệp chỉ được nhận hỗ trợ từ Nhà nước nếu chứng minh được năng lực trên thị trường quốc tế. Những ai không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị cắt trợ cấp và buộc phải rút lui. Trong khi đó, các doanh nghiệp vượt qua thử thách này đã vươn lên trở thành những đối thủ đáng gờm trên toàn cầu.
Mỹ từng theo đuổi một cách tiếp cận tương tự. Sau Thế chiến II, nền móng của nền kinh tế sản xuất Mỹ được xây dựng bởi các tổ chức công như Tập đoàn Tài chính Tái thiết (RFC) và Ủy ban Hàng hải Mỹ (USMC). Trong thời chiến, Chính phủ liên bang đã trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu và cấp vốn cho hàng ngàn nhà máy công nghiệp từ sản xuất nhôm, máy bay đến cao su và tàu thủy.
Đổi lại các khoản hỗ trợ, các doanh nghiệp phải cam kết tăng sản lượng trong thời gian ngắn, kể cả ở những lĩnh vực hoàn toàn mới. Nhiều khoản đầu tư trong thời chiến đã trở thành nền tảng cho các ngành xuất khẩu chủ lực sau chiến tranh. Chẳng hạn, ngành ô tô ở Detroit lớn mạnh nhờ vào đầu tư vào bộ phận động cơ diesel của General Motors trong chiến tranh, nơi từng phát triển động cơ nhẹ cho xe tăng, tàu đổ bộ và phương tiện đường thủy.
Về sau, trong thế kỷ 20, nước Mỹ đã chuyển sang sản xuất những mặt hàng công nghệ cao và có giá trị gia tăng lớn, nhờ các khoản đầu tư mạnh mẽ từ Chính phủ liên bang vào khoa học và công nghệ. Chương trình Apollo không chỉ đưa con người đặt chân lên mặt trăng, mà còn kích thích làn sóng nghiên cứu phát triển các công nghệ có giá trị thương mại to lớn. Sự vươn lên của Thung lũng Silicon từ lĩnh vực vệ tinh, bán dẫn đến kinh tế số phần lớn được nuôi dưỡng từ các chương trình của Bộ Quốc phòng. Trong cả hai giai đoạn, chính áp lực cạnh tranh từ Liên Xô đã thôi thúc các nhà khoa học và kỹ sư Mỹ không ngừng đổi mới và bứt phá.
Chính quyền Trump lại chọn một hướng đi ngược lại: Cắt giảm các chương trình nghiên cứu và phát triển của liên bang, nhưng lại dùng những biện pháp bảo hộ lỗi thời để che chở cho các ngành công nghiệp hiện hữu. Cách làm này không những không giúp nước Mỹ phục hồi sức mạnh công nghiệp mà còn có nguy cơ đẩy nhanh quá trình suy yếu, đặc biệt khi thuế quan cũng làm tăng chi phí cho những linh kiện thiết yếu mà các nhà sản xuất trong nước cần đến.
Một minh chứng tiêu biểu là văn phòng các chương trình cho vay của Bộ Năng lượng, nơi trong những năm gần đây đã âm thầm cấp vốn hàng chục tỷ USD cho các lĩnh vực sản xuất tiên tiến, từ pin xe điện đến công nghệ năng lượng hạt nhân. Với năng lực cho vay hơn 400 tỷ USD, đây được xem như phiên bản gần nhất của một “ngân hàng công nghiệp” hiện đại tại Mỹ. Thế nhưng thay vì tiếp tục phát huy vai trò này, chính quyền Trump lại đang tính chuyện cắt giảm chúng.
Thay vì tiếp tục cắt giảm ngân sách và gia tăng thuế quan, nước Mỹ cần một chiến lược công nghiệp toàn diện: Thành lập một tập đoàn tài chính công nghiệp để rót vốn vào các lĩnh vực có khả năng giao thương quốc tế, mở rộng hệ thống bảo lãnh tín dụng xuất khẩu, và thiết lập các khu kinh tế đặc biệt để quy tụ nhà cung cấp, từ đó hạ giá thành đầu vào. Thay vì tăng thuế trên diện rộng, việc miễn thuế cho các nhà xuất khẩu mới là cách khôn ngoan để giúp các doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh hiệu quả trên thị trường toàn cầu.
Đúng vậy, tự động hóa sẽ đóng vai trò không thể thiếu trong chiến lược công nghiệp mới. Với tốc độ phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo và robot, sản xuất khó có thể tiếp tục là nguồn tạo việc làm lớn như trước, nhưng điều đó không hẳn là tiêu cực. Nếu nước Mỹ muốn trở thành một cường quốc xuất khẩu, chính công nghệ và tự động hóa sẽ giúp các nhà máy duy trì năng suất vượt trội, bất chấp dân số đang già đi và chi phí lao động ngày càng cao.
Điều này cũng đúng với hạ tầng phục vụ xuất khẩu. Dù vậy, dưới sự hậu thuẫn của Tổng thống Trump, các liên đoàn công nhân bốc xếp vẫn ngăn cản việc tự động hóa cảng, trong khi các đối thủ của Mỹ đang tích cực xây dựng những cảng robot hoạt động không ngừng nghỉ. Để giữ được lợi thế cạnh tranh, nước Mỹ cần tìm ra giải pháp hài hòa giữa đảm bảo quyền lợi người lao động và nâng cao năng suất theo chuẩn mực toàn cầu.
Chính quyền Trump đang chuẩn bị áp các khoản phí cao đối với những con tàu do Trung Quốc sản xuất khi cập cảng Mỹ, đồng thời yêu cầu rằng trong vòng 7 năm tới, ít nhất 15% hàng xuất khẩu của Mỹ phải được vận chuyển bằng tàu mang cờ Mỹ và có thủy thủ đoàn Mỹ. Điều này dự kiến sẽ khiến chi phí vận chuyển tăng thêm hàng trăm USD cho mỗi container. Dù động thái này là dễ hiểu, bởi Trung Quốc hiện chiếm hơn một nửa sản lượng đóng tàu thương mại toàn cầu, còn ngành đóng tàu Mỹ thì đã suy yếu trầm trọng, nhưng rủi ro của động thái trên là không hề nhỏ.
Tuy nhiên, kế hoạch này có thể phản tác dụng nếu không đi kèm với các biện pháp cải thiện năng suất thực sự trong ngành đóng tàu. Khi đó, các nhà xuất khẩu Mỹ vốn đã gặp nhiều khó khăn sẽ chỉ càng thêm gánh nặng vì chi phí logistics bị đội lên.
Dù chính quyền Trump lựa chọn hình thức hỗ trợ công nghiệp nào đi nữa, điều cốt lõi là phải đặt niềm tin vào các doanh nghiệp đổi mới có tiềm năng xuất khẩu, thay vì tiếp tục ưu ái những doanh nghiệp thất bại nhưng có mối quan hệ chính trị.
Nếu không làm được điều đó, nước Mỹ có nguy cơ rơi vào trạng thái quay lưng với xuất khẩu, tìm cách bù đắp thâm hụt bằng cách đánh thuế tiêu dùng, và đánh đồng sự cô lập với sức mạnh.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Samuel Hammond, kinh tế trưởng của Viện Đổi mới Mỹ và là chuyên gia tại Trung tâm Niskanen, trên tờ New York Times.