“Giá trị thực” của bất động sản không phụ thuộc vào việc thổi bùng tâm lý hay đón đầu nhất thời bởi một thông tin mới. Nhìn từ thị trường Bình Dương, nếu không đủ độ vững về hạ tầng, tiện ích, phát triển kinh tế khu vực, khả năng kéo dân... thì có lẽ nơi đây đã không được nhắc nhiều trong bức tranh bất động sản phía Nam.
Sáp nhập với TP.HCM, có phải chất xúc tác để bứt phá bất động sản Bình Dương?
Thông tin Bình Dương sáp nhập với TP.HCM vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận. Giữa "tâm bão" sáp nhập, tâm lý người mua bất động sản trở nên rộn ràng.
Rõ ràng, cơ hội cho thị trường bất động sản giáp ranh TP.HCM là có sau thông tin sáp nhập. Dữ liệu mới nhất của Batdongsan.com.vn chỉ ra, mức độ quan tâm tìm kiếm bất động sản tăng đáng kể tại một số khu vực của Bình Dương. Đáng chú ý, khu vực Đông Bắc TPHCM, nổi bật là Thuận An tiếp tục giữ vị trí hàng đầu đầu về sự quan tâm từ các nhà đầu tư. Vào tháng 3/2025, lượng tìm kiếm bất động sản Thuận An tăng cao nhất - tăng 57% so với tháng liền trước.
Theo các chuyên gia, giữa lúc thị trường hội tụ nhiều yếu tố tích cực thì việc sáp nhập tỉnh, thành trở thành "xúc tác" gia tăng trạng thái tâm lý, bồi đắp thêm niềm tin nơi người mua, khiến họ ra quyết định nhanh hơn với bất động sản. Tuy nhiên, thông tin này phải gắn liền với các khu vực vốn đã có sẵn tiềm năng về kinh tế, hạ tầng, dân cư, lưu thông hàng hoá... thì trạng thái gia tăng giao dịch là điều dễ hiểu. Bởi ở đó, người mua ưu tiên dòng tiền ổn định, đề cao giá trị cốt lõi của sản phẩm đầu tư.
Có thể thấy, sau thời gian thị trường đóng băng thì bất động sản thực sự đang có nhiều nền tảng vững chắc để phát triển bền vững thay vì chạy theo "cơn sóng tâm lý" như giai đoạn trước. Việc bơm 2,5 triệu tỷ đồng ra nền kinh tế, đầu tư công liên tục thúc tiến độ, lãi suất ổn định kéo dài, quản lý bộ máy chỉ 2 cấp hay bất động sản áp dụng bảng giá đất theo năm... tất cả, đều nhắm đến đích cuối cùng là giá trị thực.
Bất động sản Bình Dương đã "đi trước một bước"
Trước khi thông tin sáp nhập với TP.HCM, thị trường bất động sản Bình Dương vốn đã vững vàng thế "ba chân": Kinh tế, hạ tầng và khả năng kéo dân đô thị. Phía sau niềm tin tăng giá bất động sản của khu vực là cả nền tảng được xây dựng vững chắc từ khá lâu.
Chắc chắn, việc người mua kỳ vọng bất động sản Bình Dương tăng giá trong tương lai thì các yếu tố như vị trí, đường sá thuận tiện, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, pháp lý minh bạch, khả năng khai thác (ở cho thuê),… đều phải được đặt lên bàn cân để ra quyết định.

Biến động giá bất động sản Bình Dương sau 10 năm tăng 700% (Nguồn Batdongsan.com.vn)
Số liệu của Batdongsan.com cũng chỉ ra biểu đồ giá của Bình Dương trong 10 năm (2015 - 2025) tăng tới 700%, vượt xa các tỉnh vệ tinh khác.
Điều này hoàn toàn dễ nhận biết khi suốt thời gian qua, chung cư Bình Dương là cuộc chơi của những nhà đầu tư, người có nhu cầu thực ở TP.HCM và Bình Dương (75%), và các khu vực khác. Những tiện ích quan trọng nhất phục vụ nhu cầu đời sống như y tế, giáo dục đều đang tương đối ổn tại Bình Dương khi có 5 bệnh viện quốc tế, 7 cơ sở y tế/100km2 và có 9 trường học quốc tế và trung bình 11 trường học/100km2.
Bên cạnh đó, tỷ lệ nhập cư thuần của Bình Dương đứng top đầu cả nước. Bình Dương là quê hương thứ 2 của hàng triệu người Việt Nam và hàng chục ngàn chuyên gia nước ngoài. Theo thống kê cứ 5 người ở Bình Dương thì hàng năm có 1 người nhập cư tư nơi khác tới (chủ yếu tập trung xung quanh hơn 29 KCN). Theo đó, nhu cầu về nhà ở vốn đã có nền tảng vững chắc.
Về hạ tầng, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về chất lượng và độ đầu tư. Tất cả các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của Bình Dương đều kết nối thông suốt với TP.HCM và khu vực, nhất là tại khu vực Đông Bắc TP.HCM. Tâm thế đi trước thời đại về hạ tầng đã giúp Bình Dương giữ vững "phong độ" về nguồn cung lẫn sức cầu bất động sản trong suốt thập kỉ qua.
Nhiều dự án trọng điểm đã và đang được triển khai, gồm đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn qua Bình Dương thực hiện khoảng 26,2% kế hoạch; cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đang tích cực thi công; dự án Vành đai 4 đoạn qua Bình Dương chuẩn bị giải phóng mặt bằng; dự kiến triển khai tuyến đường sắt đô thị trên cao số 2 nối Thủ Dầu Một qua Quốc lộ 13 đến TP.HCM giao với metro số 3B (TPHCM),…

Quốc lộ 13 đoạn qua Thuận An đang dần hoàn thiện và thúc đẩy đoạn kết nối TP.HCM khẩn trương triển khai
Đáng nói, cột mốc hạ tầng giao thông quan trọng của Bình Dương phải kể đến việc mở rộng Quốc lộ 13 kết nối TP.HCM lên 60m dự án dự kiến hoàn thành vào năm 2027-2028 sẽ mở ra cơ hội lớn cho việc phát triển các khu đô thị, công nghiệp và bất động sản, đặc biệt là khu vực trung tâm Đông Bắc TP.HCM.
Càng khi có sẵn nhiều lợi thế, nếu diễn ra việc sáp nhập Bình Dương vào TP.HCM lại càng tăng thêm giá trị cộng hưởng cho cả hai khu vưc. Một chuyên gia trong ngành đánh giá, khi Bình Dương sáp nhập vào TP.HCM sẽ hình thành nên một siêu đô thị và gia tăng lợi thế cạnh tranh kinh tế cho TP.HCM. Các hạ tầng đã và đang đầu tư mạnh mẽ tại TP.HCM, Bình Dương càng khiến giá trị bất động sản hai khu vực tăng lợi thế kép.