Phương án xây dựng cầu chiều dài gần 11.4km thay phà Cát Lái hiện hữu dự kiến tổng mức đầu tư gần 19.4 ngàn tỷ đồng, chia làm 4 dự án thành phần.
Ngày 11/04, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thông tin về phương án xây dựng cầu Cát Lái thay phà Cát Lái nối giữa tỉnh Đồng Nai và TPHCM.
Điểm đầu dự án nằm trên đường Nguyễn Thị Định, cách nút giao Mỹ Thủy khoảng 400m; điểm cuối dự án kết nối vào đường cao tốc Bến Lức – Long Thành tại khoảng Km33+500 (lý trình cao tốc BL-LT).
Tổng chiều dài phần đường và cầu khoảng 11.37km, trong đó chiều dài cầu Lc=3,067m; Tĩnh không thông thuyền: BxH ≥ 230x55m. Quy mô đường trục chính đô thị, vận tốc thiết kế 80km/h, mặt cắt ngang cầu 6 làn cơ giới và 2 làn hỗn hợp.
Về vị trí xây dựng cầu đã được UBND TPHCM thống nhất tại các văn bản năm 2023.

Vị trí các công trình được bổ sung vào Quy hoạch giao thông vận tải TPHCM, Đồng Nai trong đó có dự án cầu thay phà Cát Lái. Nguồn: Sở Xây dựng Đồng Nai
Về phương án xây dựng, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn đã nghiên cứu 2 phương án gồm phương án xây dựng cầu và phương án xây dựng hầm gồm:
Phương án cầu: xây dựng cầu với tổng chiều dài khoảng 3,069m. Phần cầu chính gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ, đảm bảo các bề rộng để bố trí hệ thống dây cáp văng, với tổng bề rộng 33.5m, cầu dẫn với quy mô 30m gồm 6 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ. Tĩnh không đảm bảo theo chiều ngang ≥ 235m, theo chiều cao ≥ 55m. Tổng mức đầu tư khoảng 19,391 tỷ đồng.

Mặt cắt ngang QH đường dẫn cầu phía huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Nguồn: Sở XD Đồng Nai

Đề xuất mặt cắt ngang cầu chính Cát Lái. Nguồn: Sở Xây dựng Đồng Nai

Mặt cắt ngang hoàn chỉnh đường Nguyễn Thị Định phía TPHCM
Phương án xây dựng hầm: đơn vị tư vấn nghiên cứu theo 2 phương án gồm hầm dìm và hầm khoan (TBM), trong đó kiến nghị phương án hầm dìm với chiều dài khoảng 2,880m, mặt cắt ngang hầm đảm bảo 6 làn xe cơ giới và 2 làn thô sơ tương tự phương án cầu. Tổng mức đầu tư khoảng 24,553 tỷ đồng.
Qua so sánh đơn vị tư vấn kiến nghị lựa chọn phương án xây dựng cầu để triển khai thực hiện, do phương án xây dựng hầm khó đảm bảo phương án tài chính của dự án, chi phí công tác bảo trì, vận hành rất lớn (phương án xây dựng cầu chỉ khoảng 10% so với phương án xây dựng hầm) và phạm vi chiếm dụng của hầm trên đường Nguyễn Thị Định ra ngoài ranh giới quy hoạch cũng lớn hơn phương án cầu, gây khó khăn cho công tác giải phóng mặt bằng.
Sở đề xuất hình thức đầu tư cho phương án cầu như sau: đầu tư công dự kiến cho toàn bộ giải phóng mặt bằng của dự án và phần xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí cầu Cát Lái (khoảng Km6+300) đến cuối tuyến. Vốn cho các dự án đầu tư công khoảng 10,357 tỷ đồng; đầu tư theo hình thức PPP, hợp đồng BOT cho dự án (phạm vi từ đầu tuyến đến sau trạm thu phí khoảng Km6+300) khoảng 9,034 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn ngân sách tham gia khoảng 4,427 tỷ đồng (chiếm 49%), vốn do nhà đầu tư huy động khoảng 4,607 tỷ đồng (chiếm 51%).
Dự án được chia thành 4 dự án thành phần: (1) Dự án giải phóng mặt bằng phía TPHCM với kinh phí dự kiến 3,611 tỷ đồng; (2) dự án giải phóng mặt bằng phía tỉnh Đồng Nai với kinh phí dự kiến 2,967 tỷ đồng; (3) Dự án đầu tư xây dựng cầu thay phà Cát Lái với kinh phí dự kiến 9,034 tỷ đồng; (4) Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường nối từ sau trạm thu phí cầu Cát Lái (khoảng Km6+300) đến cuối tuyến với kinh phí dự kiến khoảng 3,779 tỷ đồng.