Làn sóng biểu tình phản đối của công chúng Trung Quốc đối với chính sách Zero COVID bắt đầu từ một đoạn video trên mạng xã hội, ghi lại cảnh một người phụ nữ sợ hãi la hét trong một toà nhà đang bốc cháy tại Tân Cương.
25-11-2022
25-11-2022
25-11-2022
Theo Bloomberg, tình trạng hỗn loạn tại Trung Quốc bắt đầu bằng một video trên mạng xã hội, trong đó ghi lại cảnh một người phụ nữ đang la hét trong một toà nhà bốc cháy.
Hình ảnh đó khiến người dân trên khắp cả nước khiếp sợ, bởi họ lo ngại rằng mình có thể rơi vào tình cảnh tương tự giữa lúc chính quyền nhiều địa phương siết chặt phong toả để chống dịch bệnh.
Trong vài giờ sau đó, làn sóng phản đối đã lan rộng trên mạng và nhiều video cũng lan truyền khắp nơi, cho thấy cư dân tại Bắc Kinh cùng nhiều thành phố khác đã đối đầu với giới chức địa phương.
Những người biểu tình đã trích dẫn 20 điều chỉnh mà chính quyền trung ương công bố hồi đầu tháng này nhằm nới lỏng chính sách Zero COVID.
Trong nhiều video, người biểu tình đã xuống đường trong tâm trạng tức giận và thất vọng, thậm chí còn kêu gọi Chủ tịch Tập Cận Bình từ chức, tờ Bloomberg đưa tin.

Cư dân Thượng Hải biểu tình phản đối chính sách Zero COVID vào tối ngày 26/11. (Ảnh: AP).
Ngọn nguồn từ đâu?
Nguyên nhân dẫn đến làn sóng bất bình là vụ hoả hoạn xảy ra vào đêm 24/11 tại một khu chung cư cao tầng ở Urumqi, thủ phủ của vùng Tân Cương. Đến nay, Tân Cương đã bị phong toả hơn ba tháng.
Ít nhất 10 người được cho là đã thiệt mạng trong vụ cháy. Công chúng Trung Quốc trút giận lên mạng, nghi vấn rằng có phải các hàng rào sắt dùng để phong toả khu dân cư đã làm trì hoãn hoặc cản trở nỗ lực cứu hộ hay không.
Tờ Xinhua cho biết, các nhân viên cứu hoả đã mất gần ba giờ để dập tắt đám cháy ở Urumqi. Hãng tin này còn cho biết thêm rằng toà nhà bị cháy là khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID thấp và người dân được phép rời khỏi nhà của họ.
Song, video lan truyền trên mạng cho thấy xe cứu hoả phải vật lộn để đến gần toà nhà và do đó phải phun nước vào đám cháy từ xa. Một đoạn clip cho thấy cảnh mọi người đang cố gắng dỡ bỏ các rào chắn quanh toà nhà.
Người dùng mạng xã hội đã đăng tải đoạn ghi âm cư dân kêu cứu cùng video một người phụ nữ la hét từ bên trong đám cháy. Nhiều người đặt câu hỏi rằng virus hay hậu quả của các biện pháp chống dịch hà khắc nguy hiểm hơn. Bloomberg hiện chưa thể xác minh các bài đăng này.

Xe cứu hoả phải phun nước vào toà nhà bốc cháy từ khoảng cách xa. (Ảnh: AP).
Ông Hu Xijin - cựu tổng biên tập của tờ Global Times, viết trên tài khoản cá nhân rằng các vụ phong toả ở Tân Cương đã “vượt quá những gì người dân địa phương có thể chịu đựng”.
Trong một cuộc họp báo cuối ngày 25/11, giới chức Urumqi đã xin lỗi công chúng và bày tỏ niềm tiếc thương đối với các nạn nhân trong vụ cháy. Song, họ phủ nhận thông tin cho rằng cư dân không thể thoát ra ngoài bởi các biện pháp chống dịch.
Làn sóng phản đối dâng cao
Sang ngày hôm sau, cư dân ở Bắc Kinh và nhiều thành phố khác đã đề cập đến sự cố ở Urumqi khi các quan chức địa phương cố gắng phong toả khu nhà ở của họ. Ngoài ra, nhiều người còn đổ ra đường phản đối.
Một video quay vào tối 25/11 ở quận Triều Dương của Bắc Kinh cho thấy người dân đã chất vấn nhà lãnh đạo Chen Peng và các cảnh sát địa phương nếu sự việc tương tự xảy ra trong khu vực.
Đến ngày 26/11, hàng trăm cư dân ở Thượng Hải đã tập trung về đường Wulumuqi đến gần nửa đêm để thương tiếc cho những người đã chết, thắp nến và cầm tờ giấy trắng - một hành động nhằm phản đối vấn nạn kiểm duyệt thông tin ở Trung Quốc.
Sau đó, họ kêu gọi chính phủ nới lỏng các biện pháp kiểm soát COVID và chấm dứt đợt phong toả ở Tân Cương, Bloomberg cho hay.

Người biểu tình đổ về đườngWulumuqi để tưởng nhớ những người đã qua đời trong vụ hoả hoạn ở Urumqi. (Ảnh:Philip Róin).
Trong video, cảnh sát đang vây quanh nhóm người và cố gắng giải tán đám đông. Sau nhiều giờ, cảnh sát đã bắt đầu hành động mạnh mẽ hơn và các bài đăng trên mạng cho biết một số người biểu tình đã bị bắt vào sáng ngày 27/11.
Cư dân từ thành phố Lan Châu cũng biểu tình trên đường vào tối 26/11. Một video cho thấy người dân từ một khu vực nguy cơ cao đã phá bỏ hàng rào phong toả để thoát ra ngoài, trong khi những người khác xô đổ các trạm xét nghiệm COVID.
Tại Thành Đô, một video trên WeChat với hơn 100.000 lượt xem cho thấy một nam cư dân đã phàn nàn qua điện thoại với quan chức địa phương. Người đàn ông khẳng định việc phong toả khu dân cư là vi phạm 20 hướng dẫn mà chính phủ mới công bố.
Sinh viên các trường đại học cũng tham gia. Tại Đại học Truyền thông Nam Kinh, hàng trăm sinh viên đã tập trung vào tối 26/11, giơ điện thoại tượng trưng như những ngọn nến và vây quanh một nam thanh niên đang kể về vụ việc ở quê hương Tân Cương của mình. Nhân viên nhà trường đã chỉ trích các sinh viên và cố gắng thuyết phục họ giải tán.
Các trường đại học ở Bắc Kinh, Quảng Châu, Tây An, Trường Sa, Cáp Nhĩ Tân và Trùng Khánh cũng xuất hiện các cuộc biểu tình tương tự. Sinh viên phát tờ rơi, hát lớn và vẽ graffiti với khẩu hiệu như “Hãy cho chúng tôi tự do, hoặc để chúng tôi chết đi”.
Hiện tại, Trung Quốc đang ở vào thế khó. Tỷ lệ tiêm chủng của nước này hiện rất thấp, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Việc sử dụng các vắc xin nội địa hiệu quả thấp cũng là một rủi ro lớn.
Khi các biến chủng dễ lây lan của SARS-CoV-2 xuất hiện, giới chức khắp cả nước càng khó có thể áp dụng các biện pháp được ghi trong bản thông báo 20 điểm mới đây.
Liên quan đến tình hình bất ổn ngày càng gia tăng, Bắc Kinh không đưa ra phản hồi công khai. Tuy nhiên, trong ngày 27/11, tờ People's Daily - cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc - đã đăng một bài lên trang nhất để nhấn mạnh việc cần gắn bó với chính sách Zero COVID.