Trước đó, lượng vàng dự trữ tại Comex đã liên tục tăng mạnh từ mức 17,1 triệu ounce vào tháng 11/2024, thời điểm ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.
Sau nhiều tháng ồ ạt đổ về Mỹ như một biện pháp phòng ngừa nguy cơ áp thuế đối với kim loại quý, vàng hiện đang bắt đầu rời khỏi các kho chứa ở New York để quay trở lại Thụy Sĩ – nơi được xem là trung tâm tinh luyện và trung chuyển vàng lớn nhất thế giới.
Theo dữ liệu mới công bố từ Cơ quan Hải quan Thụy Sĩ hôm 17/4 (giờ Mỹ), lượng vàng nhập khẩu từ Mỹ vào Thụy Sĩ trong tháng 3 đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 13 tháng, đạt 25,5 tấn – so với mức 12,1 tấn hồi tháng 2. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu vàng từ Thụy Sĩ sang Mỹ lại giảm 32% so với tháng trước, còn 103,2 tấn.
Số liệu từ sàn giao dịch hàng hóa Comex (thuộc Tập đoàn CME) cho thấy, các kho lưu trữ vàng được Comex phê duyệt tại Mỹ đã ghi nhận 8 ngày liên tiếp bị rút vàng – chuỗi ngày rút hàng dài nhất trong 14 tháng qua. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu đưa vàng đến Mỹ đang hạ nhiệt, sau khi mức chênh lệch giá giữa hợp đồng tương lai và giá giao ngay đã được điều chỉnh.
Từ tháng 12/2024 đến tháng 3/2025, các kho Comex đã tiếp nhận lượng vàng, bạc và bạch kim trị giá hơn 80 tỷ USD – khiến các công ty logistics và nhà máy tinh luyện Thụy Sĩ hoạt động với công suất cao hơn bình thường.
Tuy nhiên, động thái vận chuyển vàng và bạc đến New York đã chậm lại kể từ khi chính quyền Mỹ hai tuần trước chính thức miễn trừ các kim loại quý khỏi danh sách áp thuế trong chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump.
Hiện tại, lượng vàng còn lại trong các kho chứa của Comex là 43,6 triệu ounce, tương đương 1.357 tấn, giảm 1,5 triệu ounce (tương đương 46,6 tấn) từ mức đỉnh 45,1 triệu ounce được ghi nhận vào ngày 4/4. Giá trị số vàng này là khoảng 4,8 tỷ USD.
Trước đó, lượng vàng dự trữ tại Comex đã liên tục tăng mạnh từ mức 17,1 triệu ounce vào tháng 11/2024, thời điểm ông Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ.

Các thỏi vàng được sản xuất tại một nhà máy ở Thụy Sĩ. Ảnh: Reuters |
Một nguồn tin từ nhà máy tinh luyện Thụy Sĩ cho biết, phần lớn lượng vàng đang rút khỏi các kho ở Mỹ hiện nay là để quay trở lại Thụy Sĩ. Dù vậy, nguồn này nhận định dòng chảy ngược này sẽ diễn ra từ từ, do một phần vàng vẫn tiếp tục được giữ lại tại Mỹ như một công cụ phòng hộ trước những bất ổn kinh tế toàn cầu.
Theo chuyên gia độc lập Ross Norman, trong một năm thông thường, Mỹ tiêu thụ khoảng 115 tấn vàng dưới dạng đồng xu và thỏi. Điều này đồng nghĩa với việc lượng vàng hiện còn lại trong kho Comex vẫn đủ để phục vụ thị trường trong nước gần 12 năm.
Ở một diễn biến khác, Trung Quốc cũng đang dần rút khỏi tài sản tài Mỹ, với trọng tâm là bán trái phiếu kho bạc Mỹ và mua vào vàng quy mô lớn trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang và đồng USD liên tục chịu áp lực.
Theo dữ liệu từ Hải quan Anh, riêng trong tháng 2/2025, Trung Quốc đã nhập khẩu tới 50 tấn vàng từ Anh – mức cao thứ ba trong vòng hai năm qua. Tính từ đầu năm 2023 đến nay, quốc gia này đã gom khoảng 700 tấn vàng, phần lớn được cho là chuyển thẳng vào kho dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC).

Trung Quốc đã tăng cường mua vàng, cùng với các quốc gia như Ấn Độ. Ảnh: Reuters
|
Tỷ trọng vàng trong tổng dự trữ ngoại hối của Trung Quốc hiện đã tăng lên khoảng 8%, gần gấp ba lần so với thời điểm trước đại dịch – mức cao chưa từng có. Diễn biến này phản ánh rõ nét xu hướng dịch chuyển khỏi tài sản tài chính Mỹ, đặc biệt sau khi Nga bị phương Tây đóng băng dự trữ quốc gia do chiến sự tại Ukraine – khiến Bắc Kinh nhận thức rủi ro khi nắm giữ tài sản định danh bằng USD.
Đáng chú ý, không chỉ riêng Trung Quốc, xu hướng tìm đến vàng đang lan rộng toàn cầu. Theo khảo sát mới nhất của Bank of America (BofA), gần 50% nhà quản lý quỹ cho biết vàng hiện là kênh đầu tư được "đổ xô vào" nhiều nhất hiện nay, vượt qua cả nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn của Mỹ.
Tham khảo Reuters
>> Vàng biến động chưa từng có: Bị quá mua, chịu áp lực lao dốc, còn bất ngờ nào?