Giá xăng dầu tiếp tục giảm mạnh trong kỳ điều hành chiều ngày 17/4. Trong đó, giá xăng RON95 xuống dưới 19.000 đồng/lít.
Chiều 17/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá xăng dầu.
Giá bán lẻ các mặt hàng tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau:
Xăng/dầu | Thay đổi | Giá không cao hơn |
E5RON92 | - 384 đồng/lít | 18.498 đồng/lít |
RON95-III | - 351 đồng/lít | 18.856 đồng/lít |
Dầu diesel 0.05S | - 206 đồng/lít | 17.037 đồng/lít |
Dầu hỏa | - 229 đồng/lít | 17.184 đồng/lít |
Dầu mazut 180CST 3.5S | + 58 đồng/kg | 15.960 đồng/kg |
Mức giá này có hiệu lực từ 15h ngày 17/4.

Nguồn: Liên Bộ Công Thương - Tài chính (H.Mĩ tổng hợp)
Trong kỳ điều hành này, giá xăng dầu thế giới chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như biến động thuế nhập khẩu của Mỹ với các đối tác thương mại, sản lượng khai thác của OPEC+ tăng, dự báo của IEA về tăng trưởng nhu cầu dầu chậm lại trong năm 2025…
Diễn biến giá xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành 10/4 và 17/4/2025.
Mặt hàng | Giá bình quân (USD) | Tỷ lệ thay đổi (%) |
Xăng RON92 (E5RON92) | 72,21 USD/thùng | -2,65% |
Xăng RON95 | 73,67 USD/thùng | -2,21% |
Dầu hỏa | 78,62 USD/thùng | -1,38% |
Dầu điêzen 0,05S | 78,52 USD/thùng | -1,21% |
Dầu mazut 180CST 3,5S | 422,55 USD/tấn | +0,72% |
Reuters dẫn báo cáo mới nhất của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 5 năm qua, sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm do chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump và động thái trả đũa của các nước.
Theo đó, IEA dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu năm nay đạt 730.000 thùng/ngày, giảm so với mức 1,03 triệu thùng/ngày đưa ra hồi tháng trước. Mức giảm này cũng lớn hơn so với dự báo OPEC đưa ra hôm 14/4 và ghi nhận mức thấp nhất kể từ năm 2020.
Thuế suất của Mỹ cùng với nguồn cung dầu của OPEC+ tăng lên đã khiến giá dầu trong tháng này giảm mạnh, ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu của các nước sản xuất và xuất khẩu dầu thô trong khi đó hoạt động của ngành công nghiệp dầu thô Mỹ cũng chậm lại.
Viễn cảnh kinh tế toàn cầu xấu đi trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang là lý do chính khiến IEA phải hạ dự báo nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay, với gần 1/2 mức sụt giảm là tại Mỹ và Trung Quốc, phần còn lại chủ yếu tại các nền kinh tế châu Á.
IEA dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2025 và 2026 sẽ giảm từ mức 3,1% xuống tương ứng 2,4% và 2,5%. Sang năm 2026, IEA cho rằng do nguy cơ suy thoái kinh tế và sự phát triển mạnh mẽ của xe điện, tăng trưởng nhu cầu dầu tiếp tục chậm lại, dự báo chỉ ở mức 692.000 thùng/ngày.