Chênh lệch giá vàng trong nước – thế giới đã lên tới hơn 12 triệu đồng/lượng, thiết lập kỷ lục lịch sử.
Sau khi giá vàng thế giới vượt mốc 3.334 USD/oz và vàng miếng trong nước vọt lên 121 triệu đồng/lượng – cao hơn quy đổi thế giới trên 12 triệu đồng – thị trường tài chính Việt Nam đang chứng kiến một giai đoạn đầy biến động.
Trong talkshow do VietnamBiz tổ chức, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính độc lập, người Việt đầu tiên sáng lập ngân hàng tại Mỹ – đã đưa ra một loạt đánh giá, phân tích và đề xuất chính sách quan trọng, nhằm khơi thông cơ chế, khắc phục méo mó và hiện đại hóa thị trường vàng Việt Nam. Theo ông, đây là thời điểm "vàng" để cải cách thể chế, bảo vệ hệ thống tài chính quốc gia trước những rủi ro bên ngoài ngày càng gia tăng.

TS. Nguyễn Trí Hiếu tại Talkshow do VietnamBiz thực hiện, phát sóng tháng 4/2025. |
Sóng vàng chưa dừng: Lạm phát, lãi suất và thương chiến đẩy giá vàng toàn cầu lập đỉnh
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ba động lực chính thúc đẩy giá vàng quốc tế tăng sốc là áp lực lạm phát, kỳ vọng nới lỏng tiền tệ và căng thẳng địa chính trị. Tại Mỹ, chỉ số CPI đã vượt 3% và có khả năng đạt 4%, trong khi chính sách thuế quan từ chính quyền Tổng thống Donald Trump – với mức thuế lên tới 245% đối với Trung Quốc – càng làm giá hàng tiêu dùng leo thang. “Vàng trở thành tài sản phòng thủ hàng đầu khi đồng tiền pháp định suy yếu", theo TS. Hiếu.
Kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ phải giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế đang chậm lại cũng là lực đẩy lớn với giá vàng. “Fed đang mắc kẹt giữa hai mục tiêu mâu thuẫn: kiềm chế lạm phát và kích thích tăng trưởng. Nếu thiên về tăng trưởng, lãi suất sẽ hạ, và vàng sẽ hưởng lợi", TS. Hiếu nhận định.

Kỳ vọng suy thoái toàn cầu tăng vọt: Cao thứ 4 trong 20 năm qua. Nguồn: BofA Global Fund Manager Survey – BofA Global Research, tháng 4/2025. |
Ngoài ra, căng thẳng địa chính trị toàn cầu – từ chiến sự Nga – Ukraine, Trung Đông đến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung – càng khiến nhà đầu tư dịch chuyển dòng tiền về vàng. “Tôi cho rằng xác suất giá vàng thế giới đạt 3.500 USD/oz trong năm 2025 là khoảng 60–70%", TS. Nguyễn Trí Hiếu dự báo. Ông cũng đặc biệt lưu ý đến chiến lược gom vàng của Trung Quốc, khi “tiền đổ vào quỹ ETF vàng trong 11 ngày đầu tháng 4 bằng cả quý I", thể hiện rõ xu hướng tăng tích trữ và giảm phụ thuộc vào USD.
Cơ chế chưa liên thông: Vì sao giá vàng trong nước cao hơn thế giới 12 triệu đồng?
Việt Nam hiện đang vận hành một thị trường vàng theo cơ chế tách biệt, không liên thông với quốc tế. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là do “Ngân hàng Nhà nước là đơn vị duy nhất được phép nhập khẩu vàng chính thức, nhưng đã nhiều năm không thực hiện nhập khẩu, khiến nguồn cung hợp pháp bị gián đoạn nghiêm trọng".
Trong khi nguồn cung bị bóp nghẹt, nhu cầu đầu cơ và tích trữ vàng trong dân lại tăng mạnh, dẫn đến hiện tượng găm hàng, đầu cơ, và giá bị đẩy lên cao. “Nhiều người gọi điện cho tôi, nói rằng ra tiệm vàng không thể mua được quá một chỉ. Đây là dấu hiệu của một thị trường mất thanh khoản", TS. Hiếu chia sẻ.
Từ mức chênh lệch 3–5 triệu đồng/lượng trong năm 2024, đến tháng 4/2025, khoảng cách này đã lên tới hơn 12 triệu đồng/lượng. “Nếu không có biện pháp can thiệp, mức chênh lệch này có thể quay lại vùng 18–20 triệu đồng như năm 2023, kích thích buôn lậu vàng và gây rủi ro cho tỷ giá cũng như dự trữ ngoại hối", ông Hiếu cảnh báo. Đồng thời, sự độc quyền của thương hiệu quốc gia SJC cũng làm méo mó cơ chế định giá, khiến các thương hiệu vàng khác không có cơ hội cạnh tranh bình đẳng.

Chênh lệch giá vàng SJC – thế giới lên tới 12,7 triệu đồng/lượng ngày 17/4/2025. Nguồn: TOPI, DOJI Market Watch, cập nhật ngày 17/04/2025. |
Đề xuất thể chế: Sửa Nghị định 24, lập sàn vàng quốc gia, mở cửa nhập khẩu
Để khắc phục tận gốc tình trạng chênh lệch, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất ba nhóm giải pháp lớn. Thứ nhất, sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP theo hướng “Ngân hàng Nhà nước không nên tiếp tục giữ vai trò nhập khẩu độc quyền, mà chuyển sang giám sát và điều tiết, còn việc nhập khẩu nên phân bổ theo hạn ngạch cho các doanh nghiệp đủ năng lực tài chính và được cấp phép".
Thứ hai, cần “rút lại thương hiệu quốc gia của vàng miếng SJC” để khơi thông cạnh tranh. “Việc gắn thương hiệu quốc gia vào một thương hiệu thương mại là bất hợp lý, làm méo mó giá trị thật của thị trường", theo TS. Hiếu.
Thứ ba, ông đề xuất thành lập Sàn giao dịch vàng quốc gia – một nền tảng giao dịch hiện đại, cho phép phát hành chứng chỉ vàng thay vì giao dịch vật chất. “Sàn vàng giúp giảm rủi ro trộm cắp, kiểm soát chất lượng, minh bạch giá và cho phép theo dõi dòng tiền. Đây là bước tiến tài chính hóa thị trường vàng theo mô hình Singapore, Trung Quốc, UAE", TS. Hiếu phân tích. Đồng thời, ông cho rằng sàn vàng có thể đóng vai trò như “công cụ đo lường kỳ vọng lạm phát, hỗ trợ chính sách tiền tệ tương tự thị trường trái phiếu Chính phủ".
Đầu tư vàng thế nào cho khôn ngoan: “Không bỏ tất cả trứng vào một giỏ”
Trong bối cảnh giá vàng tăng mạnh, nhà đầu tư cá nhân được khuyến nghị phải cực kỳ tỉnh táo. Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, từ đầu năm 2025 đến ngày 16/4, nếu mua vàng và chốt lời đúng thời điểm, nhà đầu tư có thể đạt tỷ suất lợi nhuận từ 30–34%, tương đương 26–28 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh: “Đây là mức lợi nhuận bất thường. Nếu không có mục tiêu rõ ràng và khả năng kiểm soát rủi ro, lướt sóng vàng rất dễ thua lỗ".
Thay vì coi vàng như kênh đầu cơ, TS. Hiếu khuyên nên xem đây là “một hình thức tự bảo hiểm tài chính", đặc biệt đối với những người không có bảo hiểm xã hội hoặc y tế. Trong danh mục đầu tư cá nhân, vàng nên chiếm 15–20%, kết hợp cùng tiền gửi, cổ phiếu và bất động sản để đảm bảo phân tán rủi ro.
Ông cũng khuyến nghị nhà đầu tư cần xác định rõ mục tiêu lợi nhuận, chẳng hạn 20–30%/năm, và chốt lời ngay khi đạt ngưỡng. “Không nên chờ đỉnh. Tâm lý chờ đỉnh là cái bẫy lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng lợi nhuận", TS. Hiếu cảnh báo. Đối với những người có xu hướng đầu tư vàng ngắn hạn, ông nhấn mạnh rằng cần có công cụ quản lý rủi ro chuyên nghiệp và không nên chạy theo kỳ vọng giá tăng liên tục.
Bài toán giá vàng không đơn thuần là câu chuyện cung – cầu, mà còn là thử thách thể chế và chính sách vĩ mô. Những đề xuất của TS. Nguyễn Trí Hiếu không chỉ hướng tới ổn định thị trường trong ngắn hạn, mà còn mở ra một lộ trình cải cách thị trường vàng toàn diện – từ sửa đổi Nghị định 24, mở cửa nhập khẩu đến thành lập sàn vàng quốc gia. Đây chính là “thời điểm vàng” để tái cấu trúc toàn bộ hệ sinh thái vàng, bảo vệ nền tài chính quốc gia trong bối cảnh thế giới biến động nhanh và khó lường.
“Việt Nam cần tận dụng thời điểm này để tái cấu trúc thị trường vàng. Nếu chậm trễ, các méo mó sẽ ăn sâu và làm suy yếu hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ", theo TS. Nguyễn Trí Hiếu.
>> Chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn: Nên coi vàng là một loại hàng hóa, áp dụng thuế như Ấn Độ để điều tiết thị trường