
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare, mã chứng khoán VNR)
Các lo ngại về thuế đối ứng dù tạm thời được gác lại, nhưng đây vẫn là một mối lo tiềm tàng đối với nền kinh tế nói chung, thị trường bảo hiểm nói riêng. Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), Chủ tịch Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (Vinare, mã chứng khoán VNR) xung quanh vấn đề này.
Cuối tuần qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo tạm dừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày với 75 quốc gia đối tác thương mại, bao gồm cả Việt Nam. Có thể thấy, việc hoãn thuế chỉ diễn ra trong ngắn hạn, còn về lâu dài, chính sách thuế này ảnh hưởng như thế nào đến thị trường bảo hiểm Việt Nam?
Chính sách áp thuế của Tổng thống Donald Trump nếu có, đặc biệt trong giai đoạn cao trào của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, đã gây ra những xáo trộn đáng kể trong chuỗi cung ứng toàn cầu, hoạt động xuất nhập khẩu và môi trường đầu tư quốc tế.
Thị trường bảo hiểm Việt Nam chịu ảnh hưởng mật thiết với những biến động của tình hình kinh tế, xã hội, đặc biệt với các nghiệp vụ bảo hiểm thương mại như bảo hiểm tài sản, bảo hiểm kỹ thuật, bảo hiểm hàng hóa... Những thay đổi về hoạt động xuất nhập khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài, quy mô sản xuất của doanh nghiệp sẽ tác động trực tiếp đến doanh thu, chi phí hoạt động của các công ty bảo hiểm Việt Nam, nhất là những công ty có thế mạnh về bảo hiểm thương mại.
Cụ thể, đối với bảo hiểm hàng hóa, có thể giảm nhu cầu mua bảo hiểm: Với mức thuế cao, xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ có thể giảm, dẫn đến nhu cầu bảo hiểm hàng hóa xuất khẩu giảm theo. Lệnh áp thuế làm tăng chi phí xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ, đặc biệt với các ngành chủ lực như dệt may, thủy sản và điện tử. Điều này có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Khi kinh tế tăng trưởng chậm lại, nhu cầu mua bảo hiểm từ doanh nghiệp và cá nhân có thể giảm do thu nhập bị thu hẹp.
Ngoài ra, các nhà sản xuất có thể thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu để giảm thiểu tác động của thuế, điều này dẫn đến sự thay đổi về loại hàng hóa cần bảo hiểm, ảnh hưởng đến doanh thu và rủi ro của các công ty bảo hiểm; đồng thời tăng rủi ro cho hàng hóa trong quá trình vận chuyển (khi các nhà sản xuất tìm kiếm thị trường mới, họ có thể phải vận chuyển hàng hóa đến các khu vực có rủi ro cao hơn, ví dụ khu vực có xung đột, cướp biển..., làm tăng rủi ro tổn thất hàng hóa trong quá trình vận chuyển, dẫn đến tăng phí bảo hiểm), từ đó ảnh hưởng đến phí bảo hiểm. Các công ty bảo hiểm có thể phải điều chỉnh phí bảo hiểm để phản ánh những thay đổi này.

Bảo hiểm thương mại chịu tác động mạnh mẽ bởi chính sách thuế quan của Mỹ |
Còn các nghiệp vụ quan trọng khác như bảo hiểm tài sản - kỹ thuật, bảo hiểm trách nhiệm, bảo hiểm sức khỏe, bảo hiểm xe cơ giới… thì sao?
Với chính sách thuế mới, các ngành xuất khẩu chủ lực sang Mỹ (dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ...) từ Việt Nam có thể chứng kiến sự sụt giảm đầu tư, hoặc thậm chí thu hẹp sản xuất do giảm đơn hàng, giảm nhu cầu bảo hiểm cho các tài sản cố định của các doanh nghiệp trong các ngành này (nhà xưởng, máy móc, thiết bị, hàng hóa).
Nếu Việt Nam trở nên kém hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài do tác động của thuế Mỹ, dòng vốn FDI vào các lĩnh vực sản xuất có thể giảm. Điều này đồng nghĩa với việc giảm nhu cầu bảo hiểm cho các tài sản mới được hình thành từ vốn FDI. Các ngành công nghiệp phụ trợ và dịch vụ logistics phục vụ cho xuất khẩu sang Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng, dẫn đến giảm nhu cầu bảo hiểm cho tài sản của các doanh nghiệp trong các ngành này (kho bãi, phương tiện vận tải...).
Biến động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của bên được bảo hiểm có thể thay đổi mức độ rủi ro của đơn bảo hiểm, từ đó ảnh hưởng đến mức độ phù hợp của việc định phí. Nhu cầu bảo hiểm hàng hóa lưu kho (stock insurance) và nguy cơ tổn thất gia tăng (bao gồm tích tụ hàng hóa và rủi ro đạo đức - moral hazards): Số lượng hàng hóa lưu kho có thể tăng lên khi doanh nghiệp gặp khó khăn trong xuất khẩu sang Mỹ, dẫn đến tồn kho tăng và kéo theo nhu cầu bảo hiểm hàng hóa lưu kho tăng cao.
Nguy cơ tổn thất có thể gia tăng do tập trung số lượng hàng hóa lớn tại địa điểm, rủi ro hư hỏng hàng hóa do lưu kho lâu, cũng như áp lực tài chính của các doanh nghiệp trong bối cảnh kinh doanh khó khăn có thể dẫn đến một số trường hợp cố tình gây ra sự kiện bảo hiểm (phá hủy, cháy nổ…) để yêu cầu bồi thường
Đối với bảo hiểm trách nhiệm, doanh nghiệp xuất khẩu có thể bị ảnh hưởng. Các công ty xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ, hoặc gián tiếp thông qua nước thứ ba, có thể phải đối mặt với chi phí gia tăng, doanh thu sụt giảm, thậm chí mất đi cơ hội tiếp cận thị trường. Từ đó, có thể khiến nhu cầu mua bảo hiểm trách nhiệm giảm sút do doanh nghiệp phải thắt chặt chi tiêu và đánh giá lại các khoản đầu tư bảo vệ rủi ro.
Về bảo hiểm sức khỏe, nếu nền kinh tế Việt Nam chịu áp lực do xuất khẩu giảm, giá cả tăng cao, người dân và doanh nghiệp có thể cắt giảm chi tiêu, bao gồm cả bảo hiểm sức khỏe tự nguyện.
Hay đối với bảo hiểm vật chất xe cơ giới, doanh số xe có thể giảm. Nếu thuế suất tăng làm giảm tăng trưởng kinh tế, thu nhập người dân có thể bị ảnh hưởng, kéo theo nhu cầu mua xe giảm. Khi doanh số ô tô giảm, thị trường bảo hiểm vật chất xe cũng bị tác động. Chi phí sửa chữa xe tăng, kéo theo chi phí bồi thường bảo hiểm có thể tăng do lạm phát và rủi ro kinh tế gia tăng.
Với kênh đầu tư tài chính của các công ty bảo hiểm thì thế nào?
Chính sách tăng thuế và các biện pháp bảo hộ của Tổng thống Donald Trump nếu được áp dụng có thể khiến thị trường tài chính thế giới bị ảnh hưởng và tại Việt Nam, các công ty bảo hiểm cũng có thể gặp khó:
Thứ nhất, mặt bằng lãi suất giảm dần, biên lợi nhuận đầu tư co hẹp, khiến các khoản đầu tư truyền thống như tiền gửi và trái phiếu gặp khó trong việc đảm bảo lợi suất như kỳ vọng.
Thứ hai, kênh đầu tư cổ phiếu biến động mạnh, rủi ro tăng cao, gây thách thức cho các công ty bảo hiểm khi muốn gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để cải thiện lợi suất đầu tư.
Thứ ba, thiếu các công cụ đầu tư dài hạn, ổn định. Trong khi thị trường quốc tế có nhiều sản phẩm tài chính đa dạng, phù hợp với nhu cầu đầu tư dài hạn của ngành bảo hiểm, thì tại Việt Nam, thị trường vốn còn thiếu chiều sâu. Việc chính sách toàn cầu trở nên khó đoán buộc các công ty bảo hiểm phải chấp nhận mức sinh lời thấp hoặc rủi ro cao hơn nếu muốn mở rộng kênh đầu tư. Những xáo trộn trong thương mại toàn cầu còn tạo áp lực lên tỷ giá và lạm phát trong nước, từ đó ảnh hưởng đến việc định giá tài sản đầu tư và dự phòng dài hạn.
Đối với lĩnh vực tái bảo hiểm, đâu là điều mà các doanh nghiệp cần quan tâm?
Áp lực lạm phát và biến động tỷ giá gia tăng do thuế quan cũng có thể làm tăng chi phí hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm, đặc biệt là những doanh nghiệp phụ thuộc vào tái bảo hiểm từ thị trường quốc tế. Do đó, các công ty bảo hiểm phi nhân thọ có thể chủ động đánh giá lại chương trình tái bảo hiểm của mình để thích ứng với tình hình mới do một số nghiệp vụ có thể chứng kiến sự sụt giảm nhu cầu tái bảo hiểm, trong khi một số loại rủi ro khác có thể đòi hỏi sự bảo vệ tái bảo hiểm lớn hơn (với các loại hình bảo hiểm như tín dụng, an ninh mạng, trách nhiệm sản phẩm và trách nhiệm nghề nghiệp...).
Nếu tình hình kinh doanh của các công ty bảo hiểm gặp khó khăn do sụt giảm doanh thu, tỷ lệ bồi thường gia tăng…, các nhà tái bảo hiểm quốc tế có thể cân nhắc lại mức độ cam kết và điều kiện điều khoản tái bảo hiểm cho thị trường Việt Nam.
Lệnh áp thuế có thể làm suy yếu đồng VND so với USD, trong khi các hợp đồng tái bảo hiểm quốc tế thường được thanh toán bằng ngoại tệ (chủ yếu là USD). Điều này làm tăng chi phí ngoại tệ mà các công ty bảo hiểm Việt Nam phải trả cho nhà tái bảo hiểm và chi phí này sẽ càng tăng cao nếu không có chiến lược phòng ngừa rủi ro tỷ giá hiệu quả. Lạm phát gia tăng cũng có thể làm giảm giá trị thực của phí bảo hiểm thu được, gây khó khăn trong việc duy trì tỷ lệ chi trả tái bảo hiểm.
Là doanh nghiệp tái bảo hiểm quốc gia, Vinare luôn theo dõi sát sao các diễn biến kinh tế - chính trị toàn cầu nhằm kịp thời đánh giá tác động và điều chỉnh chiến lược, đồng thời luôn phối hợp chặt chẽ với các đối tác (doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, các nhà tái bảo hiểm quốc tế), các cơ quan quản lý có liên quan để có những giải pháp phù hợp và kịp thời trước những biến động của thị trường.