Gần 19.000 ha đất cao su sẽ được chuyển sang làm khu công nghiệp đến 2030 khi tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp ở Đông Nam Bộ đã 93%, theo Chứng khoán SSI.
Cập nhật ngành bất động sản công nghiệp của Chứng khoán SSI cho biết nguồn cung các khu công nghiệp miền Nam giai đoạn 2021-2030 phần lớn sẽ đến từ đất cao su, tạo điều kiện thuận lợi để bổ sung quỹ đất đáp ứng nhà đầu tư.
Cụ thể, theo quy hoạch phê duyệt, Đồng Nai chuyển đổi 6.760 ha đất cao su thành đất khu công nghiệp đến 2025 và 2.000 ha giai đoạn 2025 - 2030. Đồng thời, diện tích đất cao su chuyển sang làm khu công nghiệp đến 2025 của Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa Vũng Tàu ước đạt lần lượt 3.084 ha, 2.994 ha và 3.933 ha. Như vậy, tổng cộng có 18.771 ha đất trồng cao su được chuyển đổi tại các địa phương này.
"Việc chuyển đổi đất cao su sang làm khu công nghiệp sẽ giúp cung cấp nguồn cung mới trong bối cảnh tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương đạt trên 93%", SSI nhận định.
Theo đơn vị này, đất cao su chuyển đổi làm khu công nghiệp có các lợi thế như: diện tích liền thửa lớn, đền bù giải phóng mặt bằng nhanh, hành lang pháp lý về định giá đất rõ ràng. Ngoài ra, chi phí san lấp thấp do vùng đất có độ cứng cao.

Khu công nghiệp Vsip (Bình Dương) nhìn từ trên cao, tháng 2/2022. Ảnh: Quỳnh Trần
Tuy nhiên, dựa vào các giao dịch hiện tại và trao đổi với các doanh nghiệp trong ngành, SSI dự báo chi phí đền bù đất trồng cây cao su có thể tăng 30-50% so với các giao dịch trước đây. Do đó, biên lợi nhuận gộp các khu công nghiệp mới có thể giảm về mức 25-30% so với mức hơn 42% các dự án đang hoạt động.
Năm ngoái, bất động sản công nghiệp đã có năm "thuận buồm xuôi gió", theo hãng dịch vụ bất động sản Avison Young Việt Nam. Trên khắp cả nước, giá thuê đất ổn định, thị trường cũng ghi nhận nhiều dự án khởi công hoặc hình thành, bổ sung nguồn cung đất và cơ sở công nghiệp mới, chất lượng cao trong những năm tới.
Sang 2024, ông Alex Crane, Giám đốc Điều hành công ty tư vấn bất động sản Knight Frank Việt, Nam cho rằng ngành bất động sản công nghiệp có "viễn cảnh tươi sáng" nếu xét về lưu lượng đầu tư, phát triển các công trình xây sẵn chất lượng cao và những chuyển biến đầy tích cực trong giá đất thời gian gần đây.
Tại phía Nam, ông Vũ Minh Chí, Quản lý cấp cao, Dịch vụ Công nghiệp tại Avison Young Việt Nam dự báo 3 tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước và Tây Ninh có thể trở thành những điểm nóng công nghiệp tương lai, theo làn sóng chuyển địa điểm sản xuất và cơ sở hậu cần đến Việt Nam.
"Một số xu hướng trung và dài hạn đang thay đổi nguồn cung bất động sản công nghiệp bao gồm phát triển bền vững, thị trường bán lẻ tập trung vào người tiêu dùng, sự tăng tốc của thương mại điện tử, phương thức quản lý hàng tồn kho chuyển từ kịp thời sang dự phòng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng", ông Chí nói
Hai tháng đầu năm, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đạt gần 4,29 tỷ USD, tăng 38,6%. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với gần 2,54 tỷ USD, chiếm 59,1% và tăng 16,8% so với cùng kỳ 2023.
Tại Đông Nam Bộ, hai tháng qua, FDI vào Bình Dương gần gấp đôi cùng kỳ 2023, đạt 3,6 tỷ USD. Đồng Nai thu hút được 439 triệu USD, đạt hơn 60% kế hoạch năm. Bà Rịa - Vũng Tàu ghi nhận FDI gấp 5 lần cùng kỳ năm ngoái, với 392 triệu USD.
Anh Kỳ