Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức sáng 23/04, ban lãnh đạo CTCP Đầu tư Văn Phú - INVEST (HOSE: VPI) chia sẻ về tiến độ dự án BT tại TPHCM và kế hoạch triển khai các dự án dân cư giai đoạn 2025-2026.

ĐHĐCĐ thường niên 2025 của VPI tổ chức sáng ngày 23/04/2025. Ảnh chụp màn hình
ĐHĐCĐ VPI đã thông qua kế hoạch kinh doanh 2025 với tổng doanh thu 2,450 tỷ đồng và lãi sau thuế 350 tỷ đồng, lần lượt tăng 29% và 15% so với thực hiện 2024.
Những dự án đưa vào kinh doanh năm 2025
Chia sẻ về tính khả thi của kế hoạch, Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Triệu Hữu Đại cho biết việc kinh doanh dự án Vlasta Thủy Nguyên trong quý 2/2025 dự kiến đem lại doanh thu trên 1,200 tỷ đồng, dự án TT39-40 cũng sẽ bắt đầu kinh doanh trong quý 2 tới. Bên cạnh đó, VPI tiếp tục kinh doanh dự án Vlasta Sầm Sơn, thu tiếp phần doanh thu dự án Terra Bắc Giang và khu đô thị Yên Phong. Ngoài ra, Công ty còn nguồn thu từ quản lý công tác vận hành.
Thông tin thêm về kế hoạch các dự án giai đoạn 2025-2026, Tổng Giám đốc Triệu Hữu Đại cho biết một số dự án đã và sẽ triển khai trong năm 2025 như khu chung cư thương mại dịch vụ hỗn hợp quận 7 (TPHCM). Dự án có quy mô trên 9,000m2, gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng với 602 căn hộ ở và 136 căn hộ thương mại dịch vụ. Dự án được VPI nhận chuyển nhượng lại, thủ tục nhận chuyển nhượng và pháp lý đã hoàn tất. Công ty đã làm lễ động thổ và dự kiến khởi công trong quý 2/2025.
Dự án tiếp theo trong năm là khu thương mại dịch vụ Song Khê - Nội Hoàng (Bắc Giang). Quy mô 2.12ha, gồm 1 tòa khách sạn và 2 tòa căn hộ dịch vụ cùng 60 căn nhà phố thương mại dịch vụ. VPI có được dự án thông qua M&A đấu giá và đã hoàn thành toàn bộ các thủ tục xây dựng cơ bản và nghĩa vụ tài chính, dự kiến trong năm nay sẽ đầu tư hạ tầng.
Dự án thứ ba là dự án thuộc khu đô thị Văn Phú ở quận Hà Đông (Hà Nội), hay dự án TT39-40. Công ty đang xây dựng kỹ thuật và xây dựng phần nhà ở để có thể kinh doanh, đem lại doanh thu trong quý 2/2025.
Ông Đại đề cập đến Vlasta Thủy Nguyên (Hải Phòng) quy mô 32.5ha. Đến hiện tại, giai đoạn 1 đã hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và được cơ quan Nhà nước TP Hải Phòng kiểm tra, nghiệm thu. Dự kiến 4/2025, VPI sẽ mở bán kinh doanh giai đoạn 1, còn giai đoạn 2 sẽ hoàn tất trong quý 2.
Dự án thứ hai đang triển khai chuyển tiếp từ năm 2024 là Vlasta Sầm Sơn (Thanh Hóa) với quy mô 15 tầng và 20,000m2 sàn. Dự kiến đến 30/04/2025 hoàn thành đưa vào sử dụng.
Dự án thứ ba là khu đô thị Yên Phong (Bắc Ninh), đã hoàn thiện hạ tầng. VPI đang xây dựng nhà thấp tầng để bàn giao cho khách hàng trong cuối quý 3 – đầu quý 4/2025.
Còn về dự án mới, Công ty sẽ đầu tư một số dự án trong năm 2025 để chuyển tiếp cho năm 2026. Thứ nhất là khu đô thị ở TP Bắc Giang quy mô 50ha, VPI đã hoàn thành thủ tục pháp lý và đang giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến cuối năm nay, giải phóng mặt bằng sẽ hoàn thành để đưa vào kinh doanh trong cuối năm 2026.
Dự án thứ hai là khu phức hợp văn phòng, căn hộ ở, căn hộ dịch vụ tại đường Phạm Hùng (Hà Nội). Ông Đại nhấn mạnh “dự án sẽ là điểm nhấn kiến trúc của Văn Phú tại TP Hà Nội”, đây là dự án rất tâm huyết của HĐQT, đặc biệt là Chủ tịch HĐQT. HĐQT đã chỉ đạo để triển khai sớm, các công tác chuẩn bị đầu tư dự kiến hoàn thành trong năm 2025.
Thứ ba là dự án tại huyện Bình Chánh (TPHCM) Công ty đang chuẩn bị thủ tục đầu tư xây dựng cơ bản.
Thứ tư là dự án quy mô đô thị tại TP Đồng Hới (Quảng Bình) nằm gần khu nghỉ dưỡng của tỉnh Quảng Bình.
Cuối cùng là khu đô thị tại Cồn Khương (Cần Thơ) VPI đang thực hiện thủ tục xây dựng cơ bản và giải phóng mặt bằng.
Ngoài các dự án kể trên, VPI sẽ thực hiện công tác M&A một số dự án khác trong năm 2025.
Dự án BT đường nối Gò Dưa - Quốc Lộ 1 sẽ khơi thông trong năm nay
Dự án BT đường nối Gò Dưa - Quốc Lộ 1 đã đình trệ nhiều năm, Chủ tịch HĐQT VPI Tô Như Toàn cho hay việc dự án kéo dài từ năm 2017 đến nay là vấn đề nóng của HĐQT cũng như Ban Điều hành VPI quan tâm. Công ty đã làm việc với cơ quan Nhà nước để tái khởi động dự án và thanh toán quỹ đất đối ứng do Công ty đã bỏ rất nhiều tiền ở dự án này.
Công trình có chiều dài hơn 2.7km, quy mô giải phóng mặt bằng rộng 67m, nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa – Quốc Lộ 1. Mức đầu tư cũ được duyệt năm 2016 là 2,500 tỷ đồng nhưng đến nay đã bị đội lên 3,700 tỷ đồng do lãi vay phát sinh. Quỹ đất đối ứng để xây dựng dự án bao gồm 5 khu đất sạch nằm ở trung tâm thành phố, gồm: 234 Lý Tự Trọng (quận 1), 582 Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), 132 Đào Duy Từ (quận 10), 129 Lê Văn Duyệt (quận Bình Thạnh) và 12 Kỳ Đồng (quận 3).
Dự án sau khi khởi công năm 2017 thì đến 2019 đã phải tạm dừng để rà soát theo các quy định của Nhà nước. Khối lượng đã thực hiện của VPI khoảng 2,100 tỷ đồng, trong đó tiến độ xây dựng tuyến đường được gần 44% và giải phóng mặt bằng đạt 90%.
Năm 2023, Quốc hội đã định hướng cho TPHCM tháo gỡ các dự án BT nhưng sau nhiều phiên làm việc với thành phố, Công ty vẫn chưa thể triển khai như kỳ vọng. Tuy nhiên, điều may mắn là năm 2025, Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo cả nước quyết liệt chống lãng phí, tháo gỡ mọi khó khăn nếu vướng bởi thể chế, đặc biệt việc này thể hiện bằng hành động của Chính phủ với Nghị quyết 98. Khi triển khai Nghị quyết 98, Chính phủ đã ra nghị quyết để tháo gỡ trực tiếp cho 5 dự án cho TPHCM, trong đó có dự án của VPI.
Theo đó, TPHCM đã chỉ đạo hoàn thiện các thủ tục để dự án được triển khai tiếp, đặc biệt là chỉ đạo thanh toán các quỹ đất để chống lãng phí. Với mỗi 1 tháng, số tiền lãi vay phải trả là hơn 10 tỷ đồng. Số tiền này sẽ cộng vào giá trị của dự án BT và Nhà nước phải thanh toán cho Công ty, đây chính là "cái lãng phí".
Ông Tô Như Toàn trấn an cổ đông và cho biết thêm, TPHCM đã chấp thuận triển khai tiếp, đây là phần quan trọng nhất để thông qua tất cả pháp lý dự án. Thứ hai là thành phố tái đồng ý thanh toán quỹ đất đối ứng theo hợp đồng BT, cho phép lập quy hoạch 1/500 cũng như triển khai thủ tục chấp thuận đầu tư cho các khu đất này, tránh lãng phí.
Về tiến độ sắp tới, việc phê duyệt điều chỉnh báo cáo nguyên cứu khả thi dự kiến sẽ được hoàn tất trong tháng 6/2025 và các sở ngành đang tiến hành. VPI đang bám sát cùng các sở ngành để hoàn thành ký phụ lục hợp đồng vào tháng 6, song song đó là thanh toán quỹ đất cho Công ty trong quý 2-3/2025. VPI đang dự trù những quỹ đất được thanh toán, sau đó sẽ đầu tư thu hồi vốn.
Ông Toàn khẳng định: “Năm nay dự án sẽ khơi thông và chúng ta sẽ có quỹ đất về”.

Chủ tịch HĐQT VPI Tô Như Toàn chia sẻ tại Đại hội. ảnh chụp mành hình
Sáp nhập tỉnh thành không ảnh hưởng đến chiến lược của VPI
Tổng Giám đốc VPI cho biết, sau khi có thông tin về việc sáp nhập tỉnh thành, Chủ tịch HĐQT đã triệu tập một cuộc họp giữa Ban Điều hành và HĐQT để chỉ đạo nghiên cứu các quỹ đất liên quan đến việc sáp nhập.
Với vai trò là Chủ tịch HĐQT, ông Toàn khẳng định chiến lược phát triển trong 10 năm tiếp theo của VPI vẫn là dự án tại khu trung tâm của các tỉnh thành. Việc sáp nhập không ảnh hưởng đến chiến lược của Công ty mà nó càng gia tăng, thúc đẩy mạnh chiến lược này. Ban lãnh đạo VPI nhìn thấy vị trí các tỉnh thành theo chiến lược hiện tại như Bắc Giang, Cần Thơ, TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng đều trùng hợp là trung tâm các tinh thành sau khi sáp nhập.
Cổ đông VPI thắc mắc về việc đổi tên Công ty từ CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest thành CTCP Phát triển Bất động sản Văn Phú. Ông Toàn cho biết do chiến lược của Công ty 10 năm tới tập trung vào bất động sản, đặc biệt là bất động sản nhà ở và đô thị nên việc đổi tên Công ty nhằm nhấn mạnh lĩnh vực đầu tư. Tên trước đây dễ gây hiểu lầm Công ty đầu tư đa ngành nghề.