Sáng ngày 18/04, CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 nhằm thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2024, kế hoạch kinh doanh năm 2025 và phương án tăng vốn.

ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của TCM được tổ chức sáng ngày 18/04 tại TPHCM - Ảnh: Khang Di
Thị trường Mỹ chiếm 30% doanh thu xuất khẩu
Phát biểu mở đầu đại hội, ông Song Jae Ho - Tổng Giám đốc TCM cho biết quý 1/2025 Công ty ghi nhận tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận, với 8% và 25% so với cùng kỳ năm trước.
Liên quan đến chiến tranh thương mại, thị trường Mỹ chiếm 30% doanh thu xuất khẩu của TCM, so với các doanh nghiệp khác Công ty vẫn có tỷ trọng thấp hơn nên ít chịu nhiều tác động hơn. Để giảm bớt sự phụ thuộc ở thị trường Mỹ, Công ty hướng đến phát triển thị trường tại Nhật Bản, Hàn Quốc và châu Âu.
Về giá cổ phiếu, Tổng Giám đốc cho rằng giá cổ phiếu TCM cũng đang không tốt không chỉ do tình hình chiến tranh thương mại mà còn so với các đối thủ của Công ty ở Việt Nam.
Công ty sẽ cố gắng tăng trưởng hoạt động kinh doanh để gia tăng giá trị cho cổ phiếu TCM, thông qua việc đầu tiên là cố gắng đạt mục tiêu doanh thu và lợi nhuận đề ra. Thứ 2 là xem xét phần cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Đặc biệt tăng cường các hoạt động IR để tăng cường hình ảnh và thương hiệu TCM đến nhà đầu tư.
Thảo luận
Chủ tịch Trần Như Tùng nói về chiến tranh thương mại Trung Quốc – Mỹ: “Tôi tin rằng chỉ cần Việt Nam lấy được 20% đến 30% của thị phần mà Trung Quốc đang xuất sang Mỹ thì ngành dệt may Việt Nam đã là tốt lắm rồi. Khi tiếp cận thị trường mới, hiển nhiên chúng ta phải có thời gian và lộ trình, bây giờ mình chỉ cần nhận được đơn hàng của Trung Quốc thì Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên điều này sẽ thực sự diễn ra khi đàm phán thuế giữa Việt Nam và Mỹ cũng như giữa Mỹ và Trung Quốc kết thúc.
“Hiện tại, vấn đề đang trở nên phức tạp hơn sau khi Mỹ áp thuế tới 245% lên một số hàng Trung Quốc và Trung Quốc đáp trả bằng việc không nhận máy bay Boeing. Câu chuyện có thể kéo dài, do đó các doanh nghiệp dệt may Việt Nam cũng đang tập trung trong 90 ngày khi mà nhận đơn hàng nhiều hơn để sản xuất nhanh hơn. Một số doanh nghiệp như TCM có một số khách hàng yêu cầu làm các đơn hàng sớm hơn trước khi thuế có hiệu lực. Tôi nghĩ rằng đó là một số vấn đề mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam xem xét nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là về xuất xứ nguồn gốc.
Khách hàng Mỹ của TCM không có phản ứng mạnh gì trước thuế quan
Sau khi Mỹ áp thuế, khách hàng bên Mỹ của TCM đã có những phản ứng như thế nào?
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch TCM: Sau khi Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng 46% có hiệu lực từ ngày 09/04, ngay sau đó Việt Nam đã có hành động rất nhanh để đàm phán với Mỹ nên tình hình đã tạm thời lắng xuống và sau khi Mỹ hoãn áp thuế 90 ngày thì khách hàng Mỹ không có phản ứng mạnh gì và cũng không hoãn hay hủy đơn hàng như chúng ta lo sợ.
Nhu cầu ở thị trường khác của TCM có thay đổi gì không?
Ông Trần Như Tùng - Chủ tịch TCM: Tại thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc không có sự biến động nhiều và hy vọng là chúng ta sẽ tiếp tục tăng trưởng theo đúng kế hoạch. Riêng thị trường châu Âu vẫn đang gặp khó khăn. TCM cũng đang tập trung phát triển các khách hàng mới ở châu Âu, tiếp tục đẩy mạnh sản lượng cho các khách hàng cũ ở châu Âu để gia tăng thị phần trong năm nay.
TCM có tiếp tục duy trì chính sách trả sau cho khách hàng không? Có biện pháp gì khi khoản phải thu tăng trong quý 1?
Bà Nguyễn Minh Hảo – Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc tài chính: Công ty có nhiều chính sách bán hàng cho khách hàng. Đối với khách hàng trả sau, TCM phải đánh giá mức độ uy tín của khách hàng dựa trên thông tin nội bộ hoặc tổ chức tài chính cung cấp để có thể đưa ra chính sách trả sau tương ứng với phần tài sản của TCM cũng như phần tài sản của khách hàng. Trước mắt dòng tiền của Công ty vẫn đảm bảo để hoạt động và khoản phải thu sẽ thu hồi được và giảm trong quý 2.
Lợi thế TCM ở thị trường Mỹ là gì? Giá bán và chi phí thâm nhập nhiều không?
Ông Song Jae Ho – Thành viên HĐQT kiêm CEO: Với tình hình hiện nay, mức thuế Mỹ đang áp lên Trung Quốc là 245% (trừ các ngành điện tử) thì gần như Trung Quốc không thể giao dịch thương mại nữa rồi. Có thể rằng trong giai đoạn ngắn hạn thì đây là lợi thế của Việt Nam vì chúng ta vẫn còn 90 ngày để đàm phán cũng như mức thuế của Việt Nam cũng đang thấp hơn Trung Quốc.
Ngay thời điểm này, có thể chính phủ Mỹ tập trung nhiều hơn về chiến tranh thương mại với Trung Quốc hơn là các quốc gia khác. Vì vậy các quốc gia khác trong đó có Việt Nam có thể không quá lo ngại, đây cũng sẽ là cơ hội khi mà hàng hóa từ Trung Quốc xuất đi Mỹ trước kia không xuất được thì sẽ chuyển qua các nước khác trong đó có Việt Nam.
Chi phí lao động Việt Nam ngày càng tăng lên hàng năm, cho nên chúng ta không dựa vào lao động giá rẻ như 5-10 năm trước đây. Vì thế muốn tiếp tục tăng trưởng, muốn có đơn hàng chỉ có 2 cách. Thứ nhất là tập trung phát triển sản phẩm giá trị cao hơn thông qua hoạt động R&D. Thứ hai là phải chuyển đổi số nhanh hơn trong nhà máy, bằng cách sử dụng công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo hay gọi chung là "smart factory" để làm việc thông minh hơn và nhanh hơn, tạo ra lợi thế cạnh tranh cao hơn. Đó là bước đi mà Công ty sẽ tập trung trong những năm tiếp theo.
Kết thúc đại hội tất cả tờ trình đều được thông qua.
Mục tiêu đạt gần 279 tỷ đồng lợi nhuận ròng
Kết quả kinh doanh qua các năm của TCM |
|
Năm 2024, TCM đạt 3,810 tỷ đồng doanh thu thuần và 276 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 15% và gấp 2.1 lần năm 2023. So với kế hoạch, TCM vượt 3% chỉ tiêu doanh thu và 72% mục tiêu lợi nhuận.
Căn cứ kết quả đạt được, Công ty chia cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 15%. Trong đó, 5% bằng tiền (chi trả ngày 04/04/2025) và 10% bằng cổ phiếu.
Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của TCM. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstockFinance
Năm 2025, TCM đặt mục tiêu doanh thu thuần hơn 4,525 tỷ đồng, tăng 19% và lợi nhuận ròng dự kiến tương đương kết quả năm 2024 với gần 279 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức duy trì 15%.
Kế hoạch kinh doanh được xây dựng dựa trên chiến lược gia tăng giá trị sản phẩm dệt may và thỏa mãn nhu cầu đa dạng của khách hàng.
Tăng vốn lên hơn 1,121 tỷ đồng
Quá trình tăng vốn của TCM. Đvt: Tỷ đồng

Nguồn: VietstocKFinance
TCM dự kiến tăng vốn điều lệ từ 1,020 tỷ đồng lên hơn 1,121 tỷ đồng thông qua phát hành 10.2 triệu cp trả cổ tức cho cổ đông (tỷ lệ 10%). Thời gian thực hiện dự kiến tháng 7-8/2025.