Trong ngắn hạn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam tiếp tục đà tăng nhưng trong dài hạn có thể gặp khó khăn khi nguồn cung trong nước giảm dần cộng với áp lực từ vụ thu hoạch mới của Brazil và chính sách thuế quan của Mỹ, theo nhận định của Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương.
Cục Xuất nhập khẩu dẫn số liệu thống kê của Cục Hải quan cho biết, trong tháng 3, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 181,1 nghìn tấn, trị giá 1,06 tỷ USD, tăng 6,6% về khối lượng và tăng 10,3% về trị giá so với tháng 2/2025 nhưng so với tháng 3/2024, giảm 3,9% về khối lượng trong khi tăng 58,1% về giá trị.
Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê đạt 495,8 nghìn tấn, trị giá 2,81 tỷ USD, giảm 15,3% về khối lượng, nhưng tăng 45,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ giá xuất khẩu tăng mạnh.
Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản trong quý I năm nay đạt 2,3 tỷ USD, ghi nhận lần đầu tiên cà phê vượt thủy sản về kim ngạch xuất khẩu.
Giá xuất khẩu cà phê bình quân trong tháng 3 đạt 5.678 USD/tấn, tăng 3,4% so với tháng trước và tăng đáng kể 65,2% so với tháng 3/2024. Giá xuất khẩu cà phê bình quân trong quý I năm nay tăng mạnh 72,2% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 5.670 USD/tấn.
Vinanet dẫn báo cáo của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), cho biết, đơn giá robusta xuất khẩu bình quân trong nửa đầu tháng 4/2025 đạt mức cao kỷ lục 5.415 USD/tấn.
Nửa đầu tháng 4, tính riêng mặt hàng cà phê nhân, Việt Nam đã xuất khẩu 79.163 tấn, thu về 437,73 triệu USD, tăng 8,5% về khối lượng và tăng 68,8% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó cà phê robusta chiếm 72.078 tấn, trị giá trên 390,27 triệu USD, tăng 6,5% về lượng và 62,3% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Cục Xuất nhập khẩu dự báo xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong ngắn hạn tiếp tục tăng trưởng khi nguồn cung trong nước dồi dào, cùng với việc Mỹ hoãn áp thuế đối ứng đối với hầu hết các đối tác thương mại, thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng mua vào trước khi thuế quan mới có hiệu lực.
Tuy nhiên, trong dài hạn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam có thể gặp khó khăn khi nguồn cung trong nước đang giảm dần khi vào cuối vụ thu hoạch, áp lực từ vụ thu hoạch mới của Brazil sắp diễn ra và chính sách thuế quan mới.
Theo Vinanet, thị trường đang theo dõi diễn biến thời tiết ở Việt Nam, với báo cáo cho thấy lượng mưa trong tháng 4/2025 ở mức trung bình. Sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ hiện tại (tháng 10/2024 - 9/2025) dự báo đạt khoảng 26,5 triệu bao. Trong khi đó, ước tính ban đầu cho vụ cà phê robusta 2025/26 (tháng 10/2025 - tháng 9/2026) đạt khoảng 28 triệu bao.
Dailycoffeenews đưa tin, thị trường cà phê đón nhận 1 tin vui với việc hôm 15/4, Ủy ban Châu Âu (EC) đã công bố những thay đổi về việc quản lý mới luật chuỗi cung ứng gây suy thoái rừng của EU (EUDR), kể cả việc nới lỏng yêu cầu đối với báo cáo thẩm định. Những thay đổi này sẽ giúp giảm 30% “gánh nặng hành chính” liên quan đến luật, nhất là cho các công ty lớn ở châu Âu.
Thị trường cà phê thế giới đang lo ngại nhu cầu tiêu thụ cà phê sẽ giảm khi giá cà phê tăng do thuế quan áp lên hàng nhập khẩu.
Vinanet dẫn nhận định của Rabobank cho rằng, trong ngắn hạn, giá cà phê thế giới dự kiến vẫn biến động do lượng dự trữ cà phê của Brazil ở mức thấp, trong khi tốc độ bán từ Việt Nam chậm lại cùng những bất ổn liên quan đến chính sách thuế quan của Mỹ.