Ngân hàng nâng giới hạn sở hữu nước ngoài từ 15% lên 17,5%. CEO từng cho biết ngân hàng sẽ chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược trong những tháng tới.
VPBank (HoSE: VPB) vừa có văn bản về việc điều chỉnh tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng lên 17,5% vốn điều lệ. Trước đó, VPBank đã thông báo lấy ý kiến cổ đông về điều chỉnh tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài từ mức 15% lên 17,5% vốn điều lệ.
Lý giải về sự điều chỉnh này, ngân hàng cho biết theo luật, tỷ lệ sở hữu tối đa của một tổ chức nước ngoài không được vượt quá 15% và tổng mức sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài không được vượt 30% vốn điều lệ ngân hàng.
Tại đại hội thường niên 2021, cổ đông ngân hàng đã thông qua việc giữ "room" ngoại ở mức 15% để có đủ tỷ lệ chào bán cho các cổ đông chiến lược nước ngoài mới theo các hình thức khác nhau, có thể làm tăng hoặc không tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, trong trường hợp VPBank chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài mới đến tối đa 15% vốn điều lệ (tính theo mức vốn sau khi phát hành), VPBank cần giữ mức sở hữu tối đa nước ngoài trước khi chào bán là 17,5%.
Việc điều chỉnh là đủ để ngân hàng triển khai phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài mới, đồng thời tạo điều kiện linh hoạt hơn cho các cổ đông nước ngoài hiện tại mua bán trên thị trường chứng khoán.
Năm 2021, nhờ tối ưu hóa dòng vốn, tiết giảm chi phí, kiểm soát rủi ro và mở rộng thị phần, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VPBank đạt 14.580 tỷ đồng, tăng 12% so với 2020.
Tổng tài sản đạt gần 548.000 tỷ đồng, tăng 30,7% so với năm 2020. Dư nợ cấp tín dụng hợp nhất đạt hơn 384.000 tỷ đồng, tăng 18,9%. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá tăng 9,1% so với năm 2020 và đạt hơn 323.000 tỷ đồng.
Tỷ lệ nợ xấu hợp nhất ở mức 3,58% và tỷ lệ nợ xấu ngân hàng riêng lẻ chỉ ở mức 1,51%, tính theo Thông tư 11 của Ngân hàng Nhà nước. Thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro hợp nhất trong cả năm qua đạt hơn 3.200 tỷ, tăng 54,5% so với 2020.

VPBank nới room ngoại lên 17,5%. Ảnh: VPBank. |
Tại buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 10/2, Tổng giám đốc VPBank, ông Nguyễn Đức Vinh chia sẻ về định hướng của ngân hàng trong thời gian tới. Vị lãnh đạo đề cập ngân hàng đang xác định các động lực tăng trưởng mới trong 5 năm tới, nhằm duy trì sức cạnh tranh và tốc độ tăng trưởng cao như trong 10 năm qua.
Theo ông Vinh, kế hoạch kinh doanh của VPBank dự kiến trong những năm tới là rất thách thức và rất tham vọng, xác định trở thành ngân hàng trong nhóm dẫn đầu thị trường. Do đó, việc chuẩn bị cơ sở vốn là rất quan trọng. Năm 2021, ngân hàng đã bán 50% vốn tại FE Credit, nâng vốn chủ sở hữu ngân hàng lên gần 90.000 tỷ đồng, thuộc nhóm cao nhất hệ thống.
Trong năm 2022, CEO cũng cho biết ngân hàng sẽ tiếp tục củng cố nền tảng vốn bằng việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược. Kế hoạch này vẫn đang được triển khai và sẽ chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược trong những tháng tới.