Việt Nam kêu gọi định vị lại vai trò các định chế tài chính trong huy động vốn xanh, hướng tới khung tài chính bền vững, công bằng cho mọi quốc gia.
Sáng 17/4, phiên thảo luận chuyên đề về “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu” đã diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Đối tác vì Tăng trưởng xanh và Mục tiêu toàn cầu 2030 (P4G) tại Hà Nội.
Phiên thảo luận tập trung vào ba nội dung chính gồm: kinh nghiệm quốc tế trong phát triển thị trường tài chính xanh; giải pháp khắc phục rào cản kỹ thuật, pháp lý và thị trường; cùng chính sách thu hút đầu tư tài chính từ cả khu vực công và tư nhân.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhấn mạnh: tăng trưởng xanh là xu hướng toàn cầu không thể đảo ngược và Việt Nam cam kết tích cực tham gia thông qua nhiều sáng kiến và cam kết quốc tế, trong đó có Chương trình Nghị sự 2030 và Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Việt Nam đã khẳng định mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Một trong những kết quả nổi bật trong chiến lược này là sự phát triển mạnh mẽ của tài chính xanh và tín dụng xanh. Tính đến năm 2023, dư nợ tín dụng xanh tại Việt Nam đã đạt 564.000 tỷ đồng, tăng gần 8 lần so với năm 2015 và chiếm 4,4% tổng dư nợ nền kinh tế.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thành Trung, để hiện thực hóa các cam kết toàn cầu, điều cốt lõi là xây dựng và triển khai chiến lược tài chính xanh phù hợp với cấu trúc tài chính toàn cầu. Trong đó, việc định vị lại vai trò và sứ mệnh của các định chế tài chính quốc gia cần được coi là giải pháp mang tính đột phá.
Ông cho rằng các định chế này cần đóng vai trò tiên phong trong xây dựng khung pháp lý và môi trường đầu tư thuận lợi cho các dự án xanh. Cụ thể, cần phát triển các công cụ như trái phiếu xanh, tài chính bền vững và các sản phẩm hỗ trợ cho sáng kiến xanh.
Đồng thời, các định chế tài chính quốc gia cũng nên đóng vai trò trung tâm trong phối hợp liên ngành và liên quốc gia, xây dựng chính sách ưu đãi và hỗ trợ tài chính để tăng tính hấp dẫn cho các dự án xanh với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Phiên thảo luận về “Đổi mới tài chính và chiến lược huy động vốn cho tăng trưởng xanh toàn cầu” trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh P4G lần thứ tư. (Ảnh: VGP/Thùy Dung) |
Thứ trưởng Đỗ Thành Trung kiến nghị các quốc gia tập trung vào bốn chính sách ưu tiên:
- Hoàn thiện cấu trúc tài chính toàn cầu và hệ thống thể chế tài chính quốc gia;
- Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong phát triển sản phẩm tài chính xanh;
- Tăng cường hợp tác công – tư để tối đa hóa nguồn lực chuyển đổi xanh;
- Nâng cao minh bạch và năng lực giám sát nhằm đảm bảo hiệu quả, bền vững.
Ông khẳng định Việt Nam cam kết triển khai đầy đủ và thực chất các cam kết quốc tế, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để xây dựng một khung khổ tài chính công bằng và bền vững cho tất cả các nước.
Tại phiên thảo luận, bà Rebeca Grynspan – Tổng Thư ký Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) – nhấn mạnh vai trò ngày càng lớn của tài chính xanh trong chuyển đổi bền vững. Theo bà, năng lượng tái tạo, xe điện, xây dựng xanh và kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế toàn cầu.
Tuy nhiên, một số khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận dòng vốn xanh. Bà cho rằng P4G là cơ hội mang tính lịch sử để thúc đẩy sự tham gia của các định chế tài chính toàn cầu và tăng cường đầu tư từ khu vực tư nhân vào các sáng kiến xanh.
>> Việt Nam, Luxembourg thống nhất sớm ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng trung tâm tài chính quốc tế