Hơn ba năm sau cuộc chiến giữa Nga và Ukraine, an ninh năng lượng của châu Âu vẫn rất mong manh.
04-04-2025

Đường ống dẫn khí đốt trên nền cờ EU và Nga. (Ảnh minh họa: Reuters).
Thay đổi lớn
Khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ đã giúp châu Âu lấp đầy lỗ hổng nguồn cung do Nga để lại trong cuộc khủng hoảng 2022 - 2023.
Song, trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump làm xáo trộn mối quan hệ vững chắc giữa Mỹ với châu Âu và coi năng lượng là quân bài trong các cuộc đàm phán thương mại, các doanh nghiệp tại “lục địa già” lo lắng rằng sự phụ thuộc vào Mỹ là điểm yếu tiềm tàng.
Lãnh đạo của các doanh nghiệp lớn tại Liên minh châu Âu (EU) đã bắt đầu bàn luận rằng nhập khẩu một số khí đốt từ Nga - bao gồm từ công ty năng lượng nhà nước Gazprom - có thể là một ý tưởng tốt.
Điều này sẽ đòi hỏi sự thay đổi lớn về chính sách, bởi sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine năm 2022, EU đã cam kết sẽ ngừng nhập khẩu năng lượng Nga vào năm 2027.
Châu Âu không có nhiều lựa chọn. Các cuộc đàm phán để tăng cường nhập khẩu LNG từ Qatar đã rơi vào bế tắc.
Nỗ lực triển khai năng lượng tái tạo đang tăng tốc, nhưng tốc độ chuyển đổi chưa đủ nhanh để EU cảm thấy an toàn.
Ông Didier Holleaux, Phó Giám đốc điều hành tại công ty năng lượng Pháp Engie, chia sẻ với Reuters: “Nếu Ukraine khôi phục được hòa bình ở một mức độ hợp lý, có lẽ EU có thể quay trở lại nhập 60 hay 70 tỷ m3 khí đốt từ Nga mỗi năm, bao gồm LNG”.
Engie - thuộc sở hữu một phần của nhà nước Pháp - từng là một trong những bên mua năng lượng lớn nhất của Gazprom. Ông Holleaux gợi ý Nga có thể cung ứng khoảng 20 - 25% nhu cầu của EU, thấp hơn tỷ trọng 40% trước cuộc chiến.
Ông Patrick Pouyanne, CEO một công ty dầu mỏ lớn khác của Pháp là TotalEnergies, cảnh báo châu Âu không nên quá phụ thuộc vào khí đốt Mỹ. Vị CEO nhấn mạnh: “Chúng ta cần đa dạng hóa..., không lệ thuộc vào một hoặc hai quốc gia”.
Ông nói thêm: “Châu Âu sẽ không bao giờ nhập khẩu 150 tỷ m3 từ Nga như giai đoạn trước cuộc chiến… nhưng tôi dám nói con số 70 tỷ m3 là có thể”.

Chủ đề “cấm kỵ” hay tiếng lòng chưa dám tỏ?
Pháp là một trong những nước có nguồn cung năng lượng đa dạng hóa nhất châu Âu nhờ khả năng sản xuất năng lượng hạt nhân. Đức dựa dẫm nhiều vào khí đốt giá rẻ từ Nga để thúc đẩy ngành sản xuất cho tới khi cuộc chiến ở Ukraine nổ ra. So với Pháp, Đức có ít lựa chọn hơn.
Tại tổ hợp công nghiệp hóa chất Leuna, một trong những cụm hóa chất lớn nhất của Đức, một số công ty nhận xét nước này nên nhanh chóng mang khí đốt của Nga trở lại.
Nga từng đáp ứng 60% nhu cầu của những công ty nơi đây, chủ yếu thông qua đường ống Nord Stream. Ông Christof Guenther, Giám đốc InfraLeuna - công ty vận hành tổ hợp Leuna - bình luận: “Chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng và không thể chờ đợi thêm”.
Ông cho biết ngành hóa chất Đức đã cắt giảm việc làm trong 5 quý liên tiếp, điều chưa từng xảy ra trong hàng thập kỷ. Ông khẳng định: “Mở lại các đường ống dẫn khí từ Nga sẽ giúp giảm giá hơn bất kỳ chương trình trợ cấp nào của chính phủ”.
Vị giám đốc thừa nhận đây là chủ đề “cấm kỵ” tại Đức, nhưng cho biết nhiều đồng nghiệp của ông cũng cho rằng họ cần quay trở lại khí đốt của Nga.
Gần 1/3 người Đức bầu cho các đảng thân thiện với Nga trong cuộc bầu cử liên bang hồi tháng 2. Cuộc khảo sát do Viện Forsa thực hiện cho thấy tại bang Mecklenburg-Vorpommern, vùng phía đông nước Đức nơi đường ống Nord Stream chạy từ Nga qua Biển Baltic, 49% người dân muốn có lại nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Khó đoán ý ông Trump
Mỹ chiếm khoảng 16,8% khối lượng khí đốt mà EU nhập khẩu năm ngoái, theo sau tỷ trọng của Na Uy là 33,6% và Nga là 18,8%.
Tỷ trọng khí đốt Nga trong nhập khẩu của EU đã giảm xuống dưới 10% trong năm nay sau khi Ukraine đóng các đường ống. Dòng chảy còn lại chủ yếu là LNG thông qua Novatek của TotalEnergies.
EU đang chuẩn bị mua thêm LNG từ Mỹ trong bối cảnh ông Trump muốn châu Âu giảm thặng dư thương mại với Mỹ. Tuần trước, Ủy viên thương mại EU Maros Sefcovic bình luận: “Chắc chắn rồi, chúng ta sẽ cần thêm LNG”.
Bà Tatiana Mitrova, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Năng lượng Toàn cầu thuộc Đại học Columbia, cho biết cuộc chiến thuế quan đã làm gia tăng lo ngại của châu Âu về sự phụ thuộc vào khí đốt với Mỹ.
Bà nói thêm: “Thế giới ngày càng khó coi LNG của Mỹ là một hàng hóa đơn thuần. Tới một điểm nào đó, nó có thể trở thành công cụ địa chính trị”.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU nhận định không ai có thể loại trừ khả năng Mỹ đe dọa ngừng xuất khẩu LNG làm “đòn bẩy” khi đàm phán.
Khả năng châu Âu quay lại nhập khẩu khí đốt của Nga khiến DTEK, công ty khí đốt tư nhân của Ukraine, lo ngại. DTEK dự tính sẽ nhập khẩu LNG Mỹ về Ukraine và xuất sang châu Âu.
Ông Maxim Timchenko, CEO DTEK, chia sẻ với Reuters: “Là một người Ukraine, thật khó để tôi bình luận về vấn đề này. Nhưng tôi hy vọng các chính trị gia châu Âu đã hiểu được bài học khi làm ăn với Nga”.