Thay vào đó, vị chuyên gia cho rằng nên nghĩ nhiều hơn đến việc quản lý đầu tư như thế nào.
Trao đổi trong Talkshow Phố Tài chính (The Finance Street Talk Show) trên VTV8, chuyên gia đánh giá, trong ngắn hạn những căng thẳng thương mại sẽ vẫn tiếp tục làm ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, về dài hạn, với việc nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng tích cực, triển vọng nâng hạng đang đến gần sẽ giúp dòng vốn ngoại quay trở lại.
BTV Khánh Ly: Như ông đã thấy những diễn biến của thị trường chứng khoán toàn cầu và của thị trường chứng khoán Việt Nam trong những phiên vừa qua, phản ứng này có thái quá hay không?
TS. Hồ Quốc Tuấn, Giảng viên Cao cấp, Đại học Bristol, Anh: Phản ứng của thị trường không là quá đà bởi trước đó chúng ta không nghĩ rằng Mỹ sẽ thông báo áp thuế cao như vậy với Việt Nam. Dự báo bi quan nhất của các nhà phân tích đối với các quốc gia thì chỉ từ 20%-25%.
Bản thân tôi cũng bị bất ngờ khi nghe con số thuế đối với Việt Nam. Hiện nay, sau những phiên hồi phục trở. lại, tâm lý thị trường đã ổn định hơn. Thị trường Mỹ đã điều chỉnh từ trước khi ông Trump thông báo mức thuế áp lên các nước cho nên phản ứng của thị trường là bình thường.
Vậy theo ông, thời gian tới các thị trường chứng khoán toàn cầu sẽ đi vào ổn định hơn không?
TS. Hồ Quốc Tuấn: Các chính sách bất ổn định sẽ là chủ đề của thị trường toàn cầu trong năm nay. Thực tế phía Mỹ tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày để đàm phán với các nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ có thể trong khoảng vài tuần lại có một động thái thuế quan khác được đưa ra, do đó khó có thể nhận định thị trường tài chính chứng khoán sẽ ổn định được.
Hiện nay, Trung Quốc đã bắt đầu hạ tỷ giá, để đồng nhân dân tệ xuống giá. Điều đó cho thấy, những căng thẳng về thuế quan có thể biến thành những căng thẳng về tiền tệ, gây ra áp lực về tỷ giá và chính sách tiền tệ nói chung trên toàn cầu. Thị trường chứng khoán sẽ phải đối mặt với những vấn đề này, nó sẽ là chủ đề xuyên suốt từ bây giờ.
Ngoài ra, tăng trưởng toàn cầu cũng sẽ có xu hướng chậm lại. Trước đây, các tổ chức dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,5%, nhưng bây giờ họ dự báo còn 3% hoặc dưới 3%. Như vậy, các quỹ đầu tư cũng sẽ phải điều chỉnh lại quy mô và vị thế nắm giữ của họ. Họ sẽ giảm bớt những tài sản có tính rủi ro cao như cổ phiếu và chuyển sang một số loại tài sản khác như là vàng chăng hạn. Và động thái của các quỹ lớn sẽ làm ảnh hưởng đến số đông còn lại.
Thực tế trong quý I/2025 vừa qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tích cực gần 7%, các chính sách đang hết sức hỗ trợ nền kinh tế, nhưng với những diễn biến đối với các chính sách thuế quan trên toàn cầu hiện nay liệu có làm ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của nền kinh tế trong năm 2025 không , thưa ông?
TS. Hồ Quốc Tuấn: Có 3 yếu tố bất định, thứ nhất là câu chuyện căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng sẽ dẫn đến việc chúng ta giải quyết các vấn đề liên quan đến xuất xứ hàng hóa. Thứ hai là chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ bị gián đoạn. Thứ ba là dòng vốn FDI, các công ty đã quốc gia sẽ phải nhìn nhận lại chiến lược đầu tư.
Tôi hy vọng rằng Việt Nam sẽ đạt được một thỏa thuận thương mại tốt với Mỹ để hưởng lợi, nhưng trong trường hợp xấu sẽ như thế nào và phản ứng trong nước, cũng như chính sách như thế nào? Tôi cũng có góc nhìn lạc quan rằng rất nhiều nước bao gồm những nước có nền kinh tế mở như Việt Nam, khi có các cú sốc bên ngoài, ở bên trong nước họ sẽ phản ứng.
Ví dụ như Trung Quốc họ tăng chi tiêu công, ra những kế hoạch kích cầu. Việt Nam cũng vậy, chúng ta sẽ phải điều chỉnh chiến lược chi tiêu công. Hơn nữa, đây là cơ hội để cải cách nền kinh tế và chúng ta không thể dựa vào thu hút FDI một cách dễ dãi. Tiếp theo, chính bản thân doanh nghiệp cũng sẽ điều chỉnh chiến lược kinh doanh, để không phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Mỹ mà sẽ đi tìm những thị trường khác. Việc Việt Nam sẽ phản ứng và hiệu quả phản ứng đến đâu sẽ quyết định mức độ duy trì được tăng trưởng với mục tiêu 8% hay không.
Ngoài ra, FTSE cũng mới tiếp tục đưa ra review tích cực về khả năng nâng hạng thị trường trong năm 2025 và KRX cũng sắp sửa đi vào vận hành. Theo ông, thị trường chứng khoán sẽ diễn biến sẽ ra sao?
TS. Hồ Quốc Tuấn: Trong những năm biến động mạnh như năm nay, chúng ta hạn chế nghĩ đến việc thị trường sẽ tăng được bao nhiêu điểm mà nên nghĩ nhiều hơn đến quản lý đầu tư như thế nào. Nếu muốn đánh cược với thị trường, cần quan tâm đến các câu chuyện ngắn hạn, tuy nhiên câu chuyện tin tức bây giờ không còn là diễn biến theo tuần mà thậm chí là diễn biến theo ngày.
Nếu nhà đầu tư muốn tích lũy tài sản, cần nghĩ về dài hạn hơn rằng nền kinh tế sẽ phát triển như thế nào, doanh nghiệp nào vẫn kinh doanh tốt và thích ứng được.
Còn dòng tiền vào thị trường sẽ như thế nào trong bối cảnh này theo ông?
TS. Hồ Quốc Tuấn: Tôi nghĩ rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào câu chuyện dòng vốn quốc tế trong khoảng thời gian tới vì có 2 vấn đề. Thứ nhất là nhà đầu tư nước ngoài sẽ đánh giá lại về Việt Nam so với khoảng thời gian trước đây. Thứ hai, hiện nay có một địa điểm đầu tư hấp dẫn đang nổi lên đó là Nhật Bản, có nhiều quỹ đầu tư quốc tế họ đang đánh giá rất cao Nhật Bản trong cơ hội sắp tới. Như vậy việc nhà đầu tư nước ngoài họ bán hay là họ không mua nhiều vì họ thấy có những chỗ hấp dẫn hơn chứ không phải họ đánh giá chúng ta xấu đi.
Tuy nhiên, tôi đánh giá dòng vốn trong nước còn rất nhiều tiềm năng và có thể dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, chẳng qua do tâm lý của nhà đầu tư các nhân trong nước thường e ngại khi thấy nhà đầu tư nước ngoài bán ra. Vì vậy, chúng ta chỉ có thể dùng thời gian để chứng minh rằng kinh tế Việt Nam sẽ ổn và vẫn luôn có những doanh nghiệp tốt. Và trong trường hợp chúng ta được nâng hạng thì khi đó các nhà đầu tư ngoại sẽ nhìn lạc quan hơn về Việt Nam và sẽ mua ròng trở lại.
Đối với các nhà đầu tư nên có chiến lược như thế nào vào lúc này
TS. Hồ Quốc Tuấn: Thông thường tôi sẽ chia danh mục ra làm ba phần. Trong đó, một phần là dài hạn, nếu kinh tế của Việt Nam vẫn cứ tiếp tục tăng trưởng và đạt được mức cao thì cũng có nhiều nhóm ngành sẽ được hưởng lợi theo, ví dụ như ngân hàng, một số ngành hàng thiết yếu đối với tiêu dùng.
Phần thứ hai, tôi đặt góc nhìn trong một hoặc hai năm, giả sử tăng trưởng Việt Nam đang ổn, nhóm ngành nào sẽ hưởng lợi mà hiện tại định giá đang hấp thì tôi sẽ đầu tư vào đó.
Và cuối cùng, tôi để một phần của danh mục để đầu tư và trong ngắn hạn, ví dụ như là khi có một thông tin nào đó diễn ra mà tôi nghĩ là cơ hội rất lớn, tôi sẵn sàng đặt cược vào thị trường, đương nhiên khoản đầu tư này rủi ro sẽ cao hơn và ngược lại lợi nhận cũng sẽ nhiều hơn.
Như vậy có thể thấy, chúng ta không chỉ nhìn vào một lớp tài sản mà chúng ta cần có cách quản lý tài sản sao cho hiệu quả. Trong tương lai, chúng ta có thể có các trung tâm tài chính như Chính phủ đang lên kế hoạch thực hiện, khi đó không chỉ là cổ phiếu mà còn có một số loại tài sản khá như tài sản số có thể được phép giao dịch…giúp dạng hóa kênh đầu tư cho các nhà đầu tư.