ĐHĐCĐ MBS: Mục tiêu lợi nhuận cao kỷ lục, kế hoạch tăng vốn điều lệ lên gần 6.700 tỷ đồng
14:40 15/04/2025
MBS sẽ thực hiện phát hành thêm tổng cộng 94,5 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 5.728 tỷ đồng lên 6.673 tỷ đồng thông qua 3 phương án.
Sáng ngày 15/4/2025 tại Hà Nội, Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty Cổ phần Chứng khoán MB (MBS) được tổ chức với sự tham dự của các cổ đông nắm giữ cổ phần đạt 81% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty.
Cổ đông MBS đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu tổng doanh thu đạt 3.370 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 1.300 tỷ đồng, lần lượt tăng 8% và 40% so với thực hiện năm ngoái. ROE tối thiểu 14,3%.
Bên cạnh mục tiêu doanh thu và lợi nhuận, công ty cũng kỳ vọng tăng trưởng nhanh thị phần môi giới, mục tiêu thị phần môi giới đạt tối thiểu 6% (phấn đấu 6,5%), trong đó thị phần kinh doanh số tối thiểu 2% (phấn đấu 2,5%).
MBS cũng đặt mục tiêu tỷ lệ khách hàng “active” tối thiểu 25%, số lượng lũy kế tối thiểu 200.000 khách hàng. Doanh số từ vận hành tư vấn IB cho khách hàng MB kỳ vọng đạt tối thiểu 20.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong năm 2024, công ty chứng khoán này ghi nhận doanh thu đạt 3.131 tỷ đồng, tăng 71% so với năm 2023 và vượt 12% kế hoạch cả năm. Lợi nhuận trước thuế đạt gần 931 tỷ, tăng 30% so với cùng kỳ và hoàn thành 100% kế hoạch, đạt mức cao nhất trong lịch sử.
Cũng tại đại hội, nội dung quan trọng khác đã được thông qua là một loạt phương án phát hành cổ phiếu để tăng vốn điều lệ. MBS sẽ thực hiện phát hành thêm tổng cộng 94,5 triệu cổ phiếu tăng vốn điều lệ từ 5.728 tỷ đồng lên 6.673 tỷ đồng thông qua 3 phương án.
MBS sẽ chào bán 68,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:12 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tương ứng 1 quyền, 100 quyền được mua 12 cổ phần mới). Số tiền dự kiến thu được hơn 687 tỷ đồng. Cổ phiếu chào bán thêm cho cổ đông hiện hữu sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Ngoài ra, MBS sẽ phát hành gần 17,2 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn chủ sở hữu, tỷ lệ thực hiện quyền là 100:3 (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu tương ứng 1 quyền, 100 quyền được nhận thêm 3 cổ phiếu mới). Nguồn vốn sử dụng để phát hành từ thặng dư vốn cổ phần trên BCTC kiểm toán 2024, cổ phiếu phát hành thêm sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Cuối cùng, đại hội đã thông qua việc phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), tổng lượng cổ phiếu phát hành dự kiến gần 8,6 triệu đơn vị, giá phát hành là 10.000 đồng/cp.
Cổ phiếu phát hành ESOP bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 5 năm kể từ thời điểm kết thúc phát hành. Kết thúc năm thứ 3, giải tỏa 50% số lượng cổ phiếu và kết thúc 5 năm sẽ giải tỏa toàn bộ.
Tổng số tiền dự kiến thu được là hơn 773 tỷ đồng, chủ yếu được phân bổ cho hoạt động cho vay giao dịch ký quỹ (margin) (623 tỷ đồng), còn lại để bổ sung vốn cho tự doanh và bảo lãnh phát hành (150 tỷ).
Thảo luận tại đại hội:
1. Kết quả hoạt động kinh doanh những năm gần đây tăng trưởng rất ấn tượng. Ban lãnh đạo đánh giá bối cảnh thị trường hiện nay như thế nào, cơ hội gì cho MBS?
Thành viên HĐQT MBS Phạm Thế Anh:
Nhìn chung, hoạt động công ty gắn liền chặt chẽ với bối cảnh kinh tế vĩ mô thế giới cũng như Việt Nam. Thế giới đang rất biến động mạnh, đặc biệt liên quan chính sách thuế quan của chính quyền Mỹ hiện tại.
Tôi cho rằng mục đích của chính quyền Mỹ hiện nay là để khắc phục vấn đề thâm hụt ngân sách nghiêm trọng.
Đặc biệt, Mỹ hạ thuế suất thu nhập doanh nghiệp rất thấp xuống 18%, kéo theo thâm hụt ngân sách rất nhiều, họ tìm nguồn thu mới từ thuế quan. Mỹ không thu thuế VAT bởi họ cho rằng thuế VAT gây bất lợi cho hàng xuất khẩu của họ.
Xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng một chút. Song về dài hạn, các doanh nghiệp phải thích ứng đa dạng hoá thị trường của mình.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt cũng đứng trước nhiều cơ hội, nhất là sức ép tự đổi mới thích ứng dần với đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Chính Phủ cũng có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong nước hơn, điển hình như việc kéo các doanh nghiệp tư nhân tham gia dự án đầu tư công mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước, đây chính là cơ hội.
Ở góc độ ngành tài chính, mặt bằng lãi suất thấp tiếp tục là lợi thế đáng kể, giúp cải thiện chi phí vốn và thúc đẩy hoạt động đầu tư. Bên cạnh đó, thanh khoản thị trường có xu hướng tăng mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty chứng khoán, đặc biệt những đơn vị có thế mạnh về margin và thị phần gia tăng doanh thu từ hoạt động môi giới và cho vay ký quỹ.
Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ từ phía Chính phủ, bao gồm nỗ lực nâng hạng thị trường, cũng đang mở ra kỳ vọng lớn về việc thu hút dòng vốn nước ngoài trong trung và dài hạn.
2. Công ty có chính sách, phương án gì để giữ chân người lao động, thu hút nhân sự chất lượng cao trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay?
Tổng Giám đốc MBS Phan Phương Anh :
MBS là công ty chứng khoán có bề dày hoạt động gần 25 năm trên thị trường. Chúng tôi tự hào đã xây dựng được đội ngũ cán bộ nhân viên có năng lực, trung thành, và gắn bó lâu dài với công ty.
Những năm gần đây, MBS đã hợp tác với các đối tác tư vấn chuyên nghiệp về lương, thưởng và quản trị nhân sự để xây dựng chính sách đãi ngộ theo chuẩn thị trường, đảm bảo cạnh tranh trực tiếp với các công ty chứng khoán top đầu. Nhờ vậy, MBS đã thu hút được nhiều nhân sự chất lượng từ các đơn vị bạn, góp phần nâng cao năng lực tổng thể của đội ngũ.
Thứ hai, MBS áp dụng cơ chế thưởng gắn liền với hiệu quả công việc, đảm bảo sự ghi nhận và khen thưởng xứng đáng. Năm 2024, công ty ghi nhận lợi nhuận cao nhất trong lịch sử, đồng thời cũng là năm người lao động nhận được mức thưởng cao nhất từ trước đến nay.
Thứ ba, chúng tôi đặc biệt chú trọng đào tạo và phát triển nghề nghiệp, với các chương trình đào tạo bài bản, rõ ràng theo lộ trình phát triển sự nghiệp của từng cá nhân.
Ngoài ra, MBS triển khai nhiều chính sách phúc lợi dài hạn như: chương trình mua cổ phiếu ESOP dành cho cán bộ nhân viên; bảo hiểm y tế cho toàn bộ nhân sự, bảo hiểm hưu trí tự nguyện,...
3. Trong báo cáo, Ban lãnh đạo có đề cập đến hoạt động chuyển đổi số. Xin hỏi hoạt động này đã mang lại những kết quả cụ thể gì cho MBS? Và định hướng trong thời gian tới ra sao?
Tổng Giám đốc MBS Phan Phương Anh:
Hoạt động chuyển đổi số trong thời gian qua đã và đang mang lại rất nhiều giá trị thiết thực cho MBS.
Thứ nhất, nhờ áp dụng công nghệ và số hóa mạnh mẽ, MBS đã tăng gấp đôi lượng khách hàng so với cách đây hai năm. Nếu trước đây việc phát triển khách hàng phụ thuộc chủ yếu vào đội ngũ kinh doanh thì nay, thông qua các nền tảng số, chúng tôi có thể chăm sóc và phục vụ hiệu quả cho hơn 2 triệu khách hàng, điều mà mô hình truyền thống không thể đáp ứng được.
Thứ hai, chuyển đổi số giúp nâng cao rõ rệt năng suất lao động – riêng trong năm 2024, năng suất đã tăng 26%. Đồng thời, chúng tôi cũng tinh gọn được khoảng 30–40% nhân sự ở một số bộ phận nhờ tự động hóa và tối ưu hóa quy trình, đây là xu hướng tất yếu trong ngành tài chính hiện đại.
Thứ ba, công nghệ cũng giúp MBS đẩy nhanh tốc độ phát triển sản phẩm, với khả năng ra mắt các tính năng, cải tiến mới hàng tuần hoặc hai tuần một lần, đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường và khách hàng.
Về mặt quản trị rủi ro, chuyển đổi số giúp chúng tôi giám sát online theo thời gian thực (realtime), không chỉ theo ngày mà đến từng giờ, từng phút. Hệ thống cảnh báo rủi ro được cá nhân hóa đến từng khách hàng, cho phép xử lý và can thiệp kịp thời.
Tóm lại, chuyển đổi số đã và đang tạo ra nền tảng vững chắc để MBS nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu nguồn lực, và nâng cao trải nghiệm khách hàng.
4. Về kế hoạch phát hành thêm cổ phiếu năm 2025 của MBS, trong bối cảnh thị trường quốc tế, đặc biệt là Mỹ – còn nhiều khó khăn, liệu công ty có gặp vướng mắc từ phía cơ quan quản lý hay lo ngại gì từ cổ đông?
Chủ tịch HĐQT MBS Lê Viết Hải:
Hiện nay, Ngân hàng Quân đội (MB) đang nắm giữ khoảng 78% vốn điều lệ của MBS. Do đó, mọi kế hoạch tăng vốn đều phải có sự đồng thuận từ cổ đông lớn này. Với sự đồng hành chiến lược và gắn bó lâu dài của MB Group, khả năng phát hành thành công là rất cao – ít nhất ở mức tương đương tỷ lệ sở hữu hiện tại.
MBS trong những năm qua đã luôn duy trì chính sách cổ tức ổn định và minh bạch. Năm 2023, MBS phát hành 27 triệu cổ phiếu và đã bán thành công 25 triệu, phần còn lại chủ yếu do một số cổ đông nhỏ lẻ không thực hiện quyền mua.
Từ kinh nghiệm này, chúng tôi tự tin rằng đợt phát hành sắp tới sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ cổ đông, và không có gì đáng lo ngại.
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán Việt Nam vừa trải qua những phiên giao dịch “lịch sử” trước “cơn sốc” thuế quan của Chính phủ Mỹ. Chỉ số VN-Index đã liên tiếp giảm mạnh, hàng loạt cổ phiếu nằm sàn, chứng chỉ quỹ mở cũng không thoát khỏi bối cảnh chung.
Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam dự báo cổ phiếu VRE có khả năng bị loại khỏi rổ VNDiamond do không đáp ứng tiêu chí về (FOL) trong kỳ cơ cấu tháng 4 và cổ phiếu CTD có thể được thêm vào nhờ đáp ứng đầy đủ các điều kiện sàng lọc.
Theo báo cáo chiến lược tháng 4 từ Chứng khoán Maybank, trong kịch bản cơ sở với mức thuế 30 - 35%, VN-Index mục tiêu cuối năm 2025 là 1,230 điểm; kịch bản tốt nhất với mức thuế 20 - 25%, chỉ số có...
Tập đoàn Gelex vừa thông qua kế hoạch chia cổ tức năm 2024 tổng tỷ lệ 10%, gồm 5% bằng cổ phiếu và 5% tiền mặt. Cùng thời điểm, công ty con GEE cũng chốt phương án chi trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 20%.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC – Mã: VDS) vừa công bố báo cáo tài chính riêng quý I, ghi nhận kết quả kinh doanh lao dốc cả về doanh thu và lợi nhuận. Đây được xem là quý kinh doanh khó khăn trong...
Sáng 19/4, tại hội thảo "Lựa chọn doanh nghiệp tốt", Chủ tịch FiinGroup Nguyễn Quang Thuân chia sẻ cách xây dựng danh mục đầu tư hiệu quả dựa trên bộ tiêu chí lọc cổ phiếu, giúp nhà đầu tư cá nhân tiệm cận tư duy của tổ chức lớn.
Thời điểm Vingroup khởi công dự án diễn ra trong bối cảnh TP. HCM chuẩn bị hợp nhất hành chính với các tỉnh Bình Dương và Bà Rịa – Vũng Tàu, trở thành siêu đô thị có GRDP ước đạt 114,3 tỷ USD.
TPBank dự kiến chia cổ tức tiền mặt tỷ lệ 10%, đồng thời tăng vốn điều lệ lên hơn 27.740 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu.
(ĐTCK) Sau tuần phục hồi, thị trường đã chuyển qua trạng giằng co và điều chỉnh nhẹ. Cùng Đầu tư Chứng khoán nhìn lại nhận định thị trường trong tuần qua.
(ĐTCK) Nhà đầu tư ngoại đã có tuần giao dịch sôi động và bán ròng hơn 5.200 tỷ đồng, gấp hơn 3 lần so với tuần trước, với tâm điểm là một cổ phiếu lớn bị bán ròng tới gần 4.500 tỷ đồng.
Khu đô thị du lịch biển Cần Giờ diện tích 2.870 ha do Tập đoàn Vingroup đầu tư sẽ có tòa tháp cao 108 tầng, safari, công viên chủ đề, khu biệt thự hạng sang, các toà căn hộ cao cấp...
Ông Trần Minh Đạt, người từ Ngân hàng Quân đội (MB), sẽ đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT của MIC sau khi ông Uông Đông Hưng từ nhiệm.
Cảnh báo rủi ro
Mọi ý kiến, tin tức, nghiên cứu, phân tích, giá cả hoặc thông tin khác có trên trang web này được cung cấp dưới dạng bình luận thị trường chung và không phải lời khuyên đầu tư.
Nội dung trên trang web này có thể thay đổi bất kỳ lúc nào mà không cần thông báo, và được cung cấp với mục đích duy nhất là hỗ trợ các nhà giao dịch đưa ra quyết định đầu tư độc lập.
Liên kết đến các trang web của bên thứ ba được cung cấp để thuận tiện cho bạn. Các trang web như vậy không nằm trong tầm kiểm soát của chúng tôi và có thể không tuân theo cùng các tiêu chuẩn về quyền riêng tư, bảo mật hoặc khả năng truy cập như của chúng tôi.
Bạn nên biết tất cả các rủi ro liên quan đến giao dịch tài chính, chứng khoán hay tiền mã hoá và tìm kiếm lời khuyên từ một cố vấn độc lập nếu bạn có bất kỳ nghi ngờ nào.
Bạn không nên chia sẻ nội dung trên trang web với người không đủ hiểu biết về thị trường tài chính.
Trang web đang được vận hành thử nghiệm nội bộ, không sử dụng vào mục đích thương mại.