Ông Hồ Đức Thành - Tổng Giám đốc CTCP Phát triển Đô thị Công nghiệp số 2 (HOSE: D2D) cho rằng nguồn cung đất khu công nghiệp (KCN) tại Việt Nam đang rất ít trong khi nhu cầu thuê đất vẫn cao khiến giá thuê đất KCN vẫn tiếp tục tăng bất chấp những biến động do thuế quan.
Việc Mỹ công bố thuế đối ứng lên tới 46% đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đã tạo ra những biến động lớn trong nền kinh tế, đặc biệt là ngành bất động sản KCN và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Theo các chuyên gia, đây là một cú sốc lớn nhưng không phải là dấu chấm hết, mà mở ra những cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế và nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu.
Trao đổi với người viết bên lề ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra hôm 16/04, ông Hồ Đức Thành - Tổng Giám đốc D2D đánh giá chính sách thuế cao từ Mỹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ thương mại của Việt Nam với thị trường này, đặc biệt lĩnh vực xuất khẩu.
Tuy nhiên, điều này cũng tạo ra cơ hội khi các doanh nghiệp Trung Quốc, bị hạn chế hợp tác với Mỹ, chuyển hướng sang các thị trường khác để đầu tư và xuất khẩu, trong đó có Việt Nam, đây là một lợi thế lớn.
Ông Thành cho rằng nguồn cung đất KCN tại Việt Nam đang rất ít trong khi nhu cầu thuê đất, nhà kho và nhà xưởng vẫn cao, khiến giá đất thuê KCN sẽ tiếp tục tăng bất chấp những biến động do thuế quan.
Kỳ vọng giảm thuế quan và chiến lược thích ứng
Tổng Giám đốc D2D đánh giá nếu mức thuế 46% được giữ nguyên thì doanh nghiệp không làm được gì và Mỹ đưa ra mức thuế đối ứng này chỉ đề khẳng định lại vị thế, yêu cầu các nước phải đàm phán.
Ông Thành tin tưởng mức thuế đối ứng sẽ được điều chỉnh giảm trong các cuộc đàm phán của Chính phủ với mục tiêu đôi bên cùng có lợi, nhưng mức thuế cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng ngành hàng.
Một số ngành như nông sản, với đặc tính dễ hư hỏng, có thể gặp khó khăn lớn nếu thuế suất quá cao. Ngược lại, các ngành khác có khả năng chấp nhận mức thuế khoảng 20%.
Trước bối cảnh này, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải điều chỉnh chiến lược kinh doanh. Một số doanh nghiệp có thể chuyển hướng sang thị trường khác nếu việc xuất khẩu sang Mỹ gặp trở ngại.
“Bất chấp khó khăn liên quan đến thuế đối ứng, bất động sản công nghiệp vẫn phát triển là ngành buộc phải làm và thu hút được sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp trái ngành muốn đầu tư vào, nhưng sẽ khó khăn hơn trước, phải được sắp xếp lại, tìm nhiều thị trường khác ngoài Mỹ để tiêu thụ”, ông Thành nói với người viết.
Nói về doanh nghiệp có ý định muốn rút vốn khỏi KCN trong khi đã đóng tiền thuê đất tới 50% (khoảng 100 tỷ đồng), ông Thành chia sẻ có doanh nghiệp muốn rút thì chắc chắn sẽ có nhà đầu muốn vào nên không phải lo ngại.
“Các doanh nghiệp lớn vẫn có cơ hội phát triển, trong khi những nhà đầu tư thiếu bản lĩnh có thể bị loại bỏ khỏi cuộc chơi, dành sân chơi cho các ông lớn tầm cỡ”, ông Thành nói.
Việc các doanh nghiệp Trung Quốc tìm kiếm địa điểm đầu tư thay thế tạo ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, các thủ tục hành chính phức tạp, đặc biệt là việc chuyển tiền giữa các đối tác quốc tế, có thể là một thách thức. Dù vậy, ông Thành dự báo nhu cầu thuê đất KCN tại Việt Nam sẽ tiếp tục cao, đảm bảo dòng vốn ổn định từ các nhà đầu tư mới.
Cùng với đó, đây là lúc các doanh nghiệp cần tận dụng cơ hội từ việc đa dạng hóa đối tác thương mại và nâng cao giá trị sản phẩm nội địa để cạnh tranh tốt hơn trên thị trường quốc tế.
Trong bối cảnh này, kế hoạch phát triển dài hạn của D2D là tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, đồng thời xây dựng chiến lược kinh doanh linh hoạt để đối mặt với những biến động khó lường của thị trường thế giới.
ĐHĐCĐ thường niên 2025 của D2D thông qua mục tiêu tổng doanh thu gần 665 tỷ đồng, tăng 90% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế gần 176 tỷ đồng, gấp đôi năm 2024. Cổ tức tỷ lệ 84% cho năm 2024 và 46% đối với năm 2025.
* ĐHĐCĐ D2D: Bất ổn thuế quan ảnh hưởng tới các hợp đồng cho thuê đất KCN